Vì sao Việt Nam chỉ bán 5 USD cho mỗi tín chỉ carbon rừng?
5 USD cho mỗi tín chỉ carbon rừng, thấp hay cao? |
Mức giá 5 USD là đắt hay rẻ?
Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), cuối năm 2022, thị trường carbon toàn cầu có quy mô khoảng 92 tỷ USD và đang tăng với tốc độ rất nhanh. Trong khi tại Việt Nam, quy mô thị trường hiện khoảng 2 tỷ USD và tín chỉ carbon đang chủ yếu được bán trên cơ sở chương trình REDD+ (một chương trình quốc tế về giảm phát thải do phá rừng và suy thoái rừng).
Nhiều năm nay, tỉnh Nghệ An khuyến khích người dân tham gia trồng rừng gỗ lớn |
Năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và WB được Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp ủy thác chi trả giảm phát thải khí nhà kính cho vùng Bắc Trung bộ. Theo thỏa thuận này, Việt Nam sẽ chuyển nhượng lượng giảm phát thải là 10,3 triệu tấn CO2 ở Bắc Trung bộ giai đoạn 2018 - 2024 cho Quỹ Đối tác carbon lâm nghiệp thông qua WB. Đơn giá chuyển nhượng là 5 USD/tấn, tương đương 51,5 triệu USD, tức khoảng 1.250 tỉ đồng.
Đến tháng 8/2023, WB đã thanh toán tiền tín chỉ carbon đợt 1 là 41,2 triệu USD, tương đương 997 tỉ đồng. Hiện tại, Việt Nam cũng đã chuyển giao đủ lượng tín chỉ carbon còn lại, phía WB đang thực hiện thủ tục để thanh toán 10,3 triệu USD (gần 250 tỉ đồng) còn lại.
Ông Lê Văn Thanh - Phó Giám đốc Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam, đơn vị tiếp nhận số tiền thanh toán đợt 1 để chi trả cho các chủ rừng - cho biết, từ tháng 10/2023, cơ quan này đã thực hiện điều phối hơn 962 tỉ đồng cho Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng sáu tỉnh Bắc Trung bộ.
Trong đó, tỉnh Thanh Hóa nhận được gần 163 tỉ đồng; tỉnh Nghệ An nhận được gần 283 tỉ đồng; tỉnh Hà Tĩnh nhận được gần 123 tỉ đồng; tỉnh Quảng Bình nhận được hơn 235 tỉ đồng; tỉnh Quảng Trị nhận được hơn 51 tỉ đồng; tỉnh Thừa Thiên Huế nhận được hơn 107 tỉ đồng.
Có thể thấy, việc tham gia thị trường mua bán tín chỉ carbon rừng giúp các chủ rừng, những nông dân trực tiếp giữ rừng có thêm nguồn thu nhập. Các địa phương cũng có thêm nguồn tài chính để phục vụ công tác quản lý, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng hệ sinh thái rừng trên địa bàn tỉnh.
Câu hỏi mà các cơ quan chức năng nhận được nhiều trong thời gian qua đó là mức giá bán chứng chỉ carbon có thấp. Về việc này, ông Nguyễn Quốc Trị - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - cho hay, vẫn còn một bộ phận hiểu chưa đúng về giá bán 5 USD/tín chỉ. Đây là giá bán theo hình thức tự nguyện, nên thấp hơn giá theo hình thức bắt buộc. Qua khảo sát ở một số quốc gia đã bán tín chỉ carbon theo hình thức tự nguyện, mức trung bình khoảng 3,8 USD/tín chỉ. Một số nơi bán thấp hơn, khoảng 2,5 USD/tín chỉ, cũng có nơi bán với giá 7 USD/tín chỉ.
"Mức giá 5 USD được xây dựng từ những năm 2018, theo khảo sát lúc bấy giờ. Tuy nhiên, khi đem so sánh với giá thị trường hiện nay, con số ấy vẫn hoàn toàn chấp nhận được", Thứ trưởng Nguyễn Quốc Trị nhấn mạnh.
Đồng quan điểm về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - cho biết, trên thế giới đang giao dịch chỉ từ 1,6 - 8,9 USD/tín chỉ carbon. Do đó, Việt Nam vừa qua bán 5 USD là mức giá trung bình, không phải thấp.
Giải thích về mức giá này, ông Thọ cho biết là nhờ sự hỗ trợ từ phía WB. Chi phí này thực tế tương đương với chi phí thực hiện thẩm định theo tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế, rơi vào tầm khoảng từ 3 - 6 USD, nên để kiếm tiền từ việc bán tín chỉ carbon rừng trên thực tế không hề đơn giản.
Còn theo TS Trần Minh Hải - Phó hiệu trưởng Trường Chính sách công và phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), không có căn cứ đánh giá 5 USD/tín chỉ là quá rẻ được. Giá của mỗi tín chỉ carbon được quyết định tùy theo thị trường và tùy theo hình thức hình thành tín chỉ carbon. Thị trường carbon có hai loại: thị trường tự nguyện và thị trường bắt buộc, giá một tín chỉ carbon ở hai thị trường này khác nhau.
Chính phủ Việt Nam bán tín chỉ carbon rừng là bán ở thị trường tự nguyện cho đối tác, họ mua số lượng lớn và mua theo cam kết của dự án. Đây là giá trung bình đối với loại tín chỉ carbon này. Còn các doanh nghiệp ở thị trường bắt buộc liên hệ với các trung gian này để mua lại tín chỉ carbon, bên trung gian bán giá nào thì các doanh nghiệp phải mua theo giá đó.
Tiềm năng lớn những không dễ để lấy
Với hơn 14,7 triệu ha rừng, tỉ lệ che phủ hơn 42%, trong đó, có hơn 10 triệu ha rừng tự nhiên, Việt Nam có tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ carbon rừng. Điều tra của Cục Lâm nghiệp cuối năm 2023 cho thấy, cả nước có thể đang dự trữ 50 - 70 triệu tín chỉ. Với đơn giá 5 USD/tín chỉ (tương đương ERPA), Việt Nam có thể thu về từ 200 - 300 triệu USD, tương đương hàng nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, thực tế một số địa phương hiện còn vướng về vấn đề này. Chẳng hạn, Quảng Nam là tỉnh có độ che phủ rừng gần 60%, thuộc Top đầu cả nước. Cách đây 3 năm, tỉnh được lựa chọn để triển khai Kế hoạch thí điểm kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ giảm phát thải khí nhà kính thông qua chống mất rừng, suy thoái rừng; quản lý bền vững tài nguyên rừng; bảo tồn, nâng cao trữ lượng carbon rừng (REDD+). Nhưng đến giờ, kế hoạch chưa được Chính phủ phê duyệt.
Ông Trần Út - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Nam nêu một số khó khăn như: Tỉnh phải đạt được thỏa thuận hợp đồng thu mua tín chỉ carbon rừng với giá không thấp hơn 5 USD/tín chỉ; nhà đầu tư phải cung cấp tài chính trước; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định rõ ràng cách tiếp cận kinh doanh tín chỉ carbon rừng từ REDD+. Vì vậy, dù được Thủ tướng cho phép được lựa chọn nhà đầu tư để hợp tác, đến nay Quảng Nam vẫn chưa chốt được phương án, dù có tới 5 tổ chức quốc tế tiếp cận.
Còn theo ông Trần Lâm Đồng - Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc đánh giá, đo đạc và cấp tín chỉ carbon tại nước ta hiện dựa hoàn toàn vào tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, quá trình kiểm tra, rà soát giữa quốc tế và trong nước có thể tồn tại những độ vênh nhất định.
Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đình Thọ, trong khung quy định chung toàn cầu khẳng định phải cải thiện tình hình hấp thụ carbon trên thế giới thì mới có thể lấy được tín chỉ carbon. Nên phải hiểu rõ rừng của chúng ta thực sự có giá trị nhưng không phải “tỉnh dậy” là có ngàn tỷ, mà phải thực hiện quy trình để bảo vệ rừng bao gồm cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc, cả đời sống người kiểm lâm bảo vệ, bảo tồn rừng; cả yêu cầu về kinh tế, về môi trường, văn hóa xã hội thì chất lượng tín chỉ carbon mới cao. Do đó phải đáp ứng 2 yêu cầu, thứ nhất là bền vững và thứ hai là cùng nhau hưởng lợi từ việc hấp thụ và lưu trữ carbon.
Để có được tín chỉ carbon chất lượng với giá cao, không chỉ liên quan đến thị trường rừng mà còn liên quan đến quản lý và phát triển rừng bền vững. Hiện nay, tỷ trọng trồng rừng mới và khôi phục rừng chỉ chiếm 4% giá trị thị trường carbon toàn cầu, bảo vệ bảo tồn chiếm 8%, còn lại 88% là cải thiện và nâng cao chất lượng rừng, bao gồm cả việc giảm lượng thuốc trừ sâu sử dụng và tăng bảo vệ để chống các loài xâm hại, phá rừng.
Điều này đòi hỏi cần thực hiện một quá trình chặt chẽ, từ nghiên cứu khả thi dự án cho đến kiểm kê lượng phát thải carbon hiện tại, rồi cải thiện và nâng cao chất lượng hấp thụ carbon, tiếp tục giám sát và báo cáo, cuối cùng thực hiện việc xác nhận tín chỉ carbon theo đúng tiêu chuẩn toàn cầu.
Thêm vào đó, để nâng chất lượng tín chỉ carbon, không chỉ đơn thuần làm tăng khả năng hấp thụ, mà còn cần cải thiện điều kiện làm việc của những người thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ; liên quan đến các tiêu chí về kinh tế, xã hội và môi trường bền vững. Và tất nhiên, tín chỉ carbon càng chất lượng thì giá càng cao. Trên thế giới, ví dụ ở châu Âu có thể được bán tới từ 120 - 150 USD/tín chỉ trên thị trường tự nguyện, trên các thị trường khác có thể bán từ 70 - 100 USD.
Nguồn: Vì sao Việt Nam chỉ bán 5 USD cho mỗi tín chỉ carbon rừng?