VIB kinh doanh ra sao trong năm 2023?
Biến động về cơ cấu cho vay tại VIB ra sao?
Theo số liệu báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 công bố, tính đến 31/12/2023, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB, mã: VIB) đạt gần 410.000 tỷ đồng, tăng gần 20% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng hơn 266.345 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Trong cơ cấu cho vay của VIB có tới 84% dư nợ cho vay hộ kinh doanh, cá nhân còn lại là cho vay các tổ chức, doanh nghiệp.
VIB không tập trung vào cho vay doanh nghiệp có vốn Nhà nước hay doanh nghiệp FDI mà tập trung chủ yếu vào khối công ty cổ phần tư nhân, với tổng dư nợ cấp tín dụng đến cuối năm 2023 cho nhóm này đạt 26.510 tỷ đồng trên tổng dư nợ cho vay 266.345 tỷ đồng, tăng 97% so với đầu năm.
Nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2023 tại VIB/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Tại ngày 31/12/2023, tổng huy động vốn của VIB đạt 283.000 tỷ đồng, trong đó tiền gửi khách hàng gần 237.000 tỷ đồng, tăng 18% so với đầu năm. Động lực tăng trưởng chính đến từ huy động tiền gửi khách hàng cá nhân tăng 21%, trong đó số dư CASA khách hàng cá nhân cũng tăng tới 33% so với đầu kỳ.
Trong quý IV/2023, VIB tiếp tục nhận được xếp hạng từ Ngân hàng Nhà nước, với mức xếp hạng tổng thể nằm ở nhóm cao nhất ngành ngân hàng. VIB là một trong số ít ngân hàng thương mại có xếp hạng cao nhất bởi NHNN trong 3 năm liên tiếp, dựa theo các tiêu chí minh bạch do NHNN đưa ra. Với mức xếp hạng này, VIB tiếp tục được NHNN cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2024 ở nhóm cao trong ngành, trên 16%.
Đồng thời, VIB là một trong 6 ngân hàng được tạp chí uy tín Forbes xếp hạng là 6 ngân hàng niêm yết tốt nhất Việt Nam trong 3 năm liền, dựa theo các tiêu chí về hiệu quả hoạt động và lợi nhuận.
Trích lập dự phòng tín dụng tăng gấp 3,8 lần, tỷ lệ nợ xấu tại VIB vẫn vượt trần
Trong năm 2023, VIB ghi nhận thu nhập lãi thuần và các nguồn thu ngoài lãi đều tăng trưởng nên tổng thu nhập ghi nhận 22.160 tỷ đồng, tăng 23% so YoY.
Đáng chú ý, cả năm 2023, VIB đẩy mạnh chi phí dự phòng rủi ro tín dụng lên gấp 4,8 lần, chiếm tới 4.846 tỷ đồng. Do đó, VIB ghi nhận lãi sau thuế đạt 8.562 tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ hơn 1% so với năm 2022.
Đặc biệt, dù trích lập dự phòng rủi ro tín dụng tăng theo cấp số lần song nợ xấu tại VIB tính đến 31/12/2023 tăng mạnh 47% so với đầu năm, lên mức 8.374 tỷ đồng. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng vọt 116% lên mức 3.697 tỷ đồng và nợ dưới tiêu chuẩn cũng tăng tới 61%, chiếm hơn 2.479 tỷ đồng. Kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh từ mức 2,45% của đầu kỳ lên tới 3,14% (vượt mức quy định của Ngân hàng Nhà nước).
Chi tiết các nhóm nợ xấu tại VIB (nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2023)/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Điều đáng lưu ý là tốc độ tăng trưởng và tỷ trọng của các khoản phải thu, đặc biệt là các khoản lãi, phí phải thu hay còn gọi là lãi dự thu tại VIB có xu hướng tăng.
Cụ thể, tại thời điểm 31/12/2023, lãi dự thu tăng tới 51% so với đầu năm, ghi nhận hơn 3.663 tỷ đồng. Trong đó, lãi phải thu chủ yếu đến từ đầu tư chứng khoán với gần 1.928 tỷ đồng, tăng gấp 2,7 lần so với đầu năm và từ hoạt động tín dụng với hơn 1.571 tỷ đồng, tăng 6%.
Thuyết minh lãi dự thu tại VIB (nguồn: BCTC hợp nhất quý IV/2023)/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Lãi dự thu là khoản lãi ngân hàng dự kiến thu trong tương lai từ các tài sản sinh lời, trong đó bao gồm các sản phẩm cho vay. Dù ngân hàng chưa thu được tiền thật từ khoản này nhưng vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập và từ đó tính ra lợi nhuận. Đây là phương thức hạch toán bình thường trong kế toán ngân hàng và thực tế, lãi dự thu thường tăng theo tốc độ tăng trưởng tín dụng của ngân hàng. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, lãi dự thu không đơn thuần là các khoản lãi ngân hàng dự tính thu được trong tương lai mà chính là nợ xấu tiềm ẩn.
Điều này khiến lãi dự thu được quan tâm như một yếu tố khác bên cạnh nợ xấu để đánh giá chất lượng tài sản, hiệu quả kinh doanh của ngân hàng. Lãi dự thu càng lớn có thể tác động tới lợi nhuận của ngân hàng trong tương lai, khi giả sử một phần lãi dự thu trở thành nợ xấu không thể thu hồi được.
Nguồn: VIB kinh doanh ra sao trong năm 2023?