Việt Nam, khát vọng và năng lượng 2023
Thương mại Việt Nam 2023: Kỳ vọng vượt thách thức Khát vọng quốc gia phát triển |
Trụ cột cơ bản cho phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 là xuất khẩu. Ảnh minh hoạ: Internet |
Trong dòng chảy của thời gian, thế giới đã trải qua một năm 2022 với rất nhiều diễn biến hết sức bất thường, biến động nhanh và khó đoán định. Nhiều quốc gia vẫn đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch covid-19; Việc gián đoạn chuỗi cung ứng, giá cước vận tải và các mặt hàng nguyên liệu đầu vào thiết yếu cho sản xuất tăng vọt; Lạm phát cao ở nhiều nơi khiến người dân thắt chặt chi tiêu, tăng trưởng sản xuất – tiêu dùng chậm lại.
Đặc biệt, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina leo thang, kéo dài dẫn đến thị trường năng lượng khủng hoảng. Nền kinh tế toàn cầu suy giảm, khả năng phục hồi chậm… Tất cả đều tác động không thuận tới nền kinh tế Việt Nam.
Trong bối cảnh tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động bất thường với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng hoạt động kinh tế – xã hội năm 2022 của Việt Nam đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Đó là: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam năm 2022 ước đạt gần 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm trước. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất trong 5 năm qua.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý IV/2022 tăng 4,41% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm 2022, CPI tăng 3,15% so với năm 2021, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Tổng sản phẩm trong nước GDP tăng tới 8,02% – mức tăng trưởng GDP cao nhất trong giai đoạn 2011 – 2022. Đáng chú ý, quy mô nền kinh tế nước ta lần đầu tiên đạt gần 400 tỷ USD. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao gấp 2,5 lần tỷ lệ lạm phát là thành tích đáng tự hào, trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với lạm phát cao nhất trong 40 năm qua.
Tổng thu ngân sách Nhà nước đạt gần 1.800 nghìn tỷ đồng, vượt hơn 26% dự toán. Bên cạnh đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 732,5 tỷ USD cùng mức xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước 3,32 tỷ USD) là rất ấn tượng.
Để đạt những con số ấn tượng nói trên, đó chính là nhờ vào sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời, quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp.
Năm 2023, Quốc hội, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu tổng quát là tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Các chỉ tiêu chủ yếu được xác định là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.400 USD. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 25,4-25,8%. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%.
Không chỉ vậy, chúng ta đặt ra mục tiêu tăng trưởng cao và liên tục trong những thập niên tới để hoàn thành nỗ lực trở thành nước công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Mở rộng và đa dạng hoá các thị trường xuất khẩu là một trong những cách thức để đẩy mạnh xuất khẩu. Ảnh minh hoạ: Internet |
Với các mục tiêu này, người Việt Nam có khát khao thu hẹp khoảng cách phát triển và bắt kịp với các nước. Vấn đề là không có quốc gia nào đứng đợi chúng ta. Chúng ta đi sau mà muốn đuổi kịp họ thì chỉ có cách duy nhất là phải chạy nhanh hơn mà thôi.
Hiện Việt Nam đang được nhiều tổ chức quốc tế đánh giá cao và đang có đủ nội lực, tiềm lực, tiền để để hiện thực hóa mục tiêu đề ra. Chúng ta đang ở trong giai đoạn rực rỡ nhất của dân số vàng với cơ cấu dân số trong độ tuổi lao động cao nhất trong lịch sử; mỗi năm có thêm một triệu người, hơn một triệu người tham gia vào thị trường lao động. Với bất kỳ quốc gia nào, nguồn lực con người là quan trọng nhất, Việt Nam cũng vậy. Giai đoạn dân số vàng, nếu tận dụng được, sẽ giúp quốc gia phát triển nhanh nhất.
Dẫu vậy, chúng ta còn nhiều việc phải làm và nỗ lực không ngừng vì cơ cấu kinh tế của chúng ta còn rất lạc hậu. Nền kinh tế vẫn dựa vào kinh tế hộ gia đình là chính (chiếm hơn 30% GDP), trong khi doanh nghiệp tư nhân chính thức không lớn lên được (chiếm 10% GDP). Khu vực kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo nhưng nhiều doanh nghiệp nhà nước đang vật lộn trong khó khăn.
Bên cạnh đó, nền tảng kinh tế thị trường chậm hoàn thiện gây phương hại đến quyền sở hữu tài sản và lòng tin thị trường; thị trường các yếu tố sản xuất như vốn, đất đai, tài nguyên khoáng sản được phân bổ chưa theo cơ chế thị trường.
Do đó, cần phải gỡ được nút thắt quan trọng nhất là vấn đề thể chế. Bởi vì thể chế nào, con người đó. Con người Việt Nam, các nguồn lực của đất nước sẽ được phát huy và sử dụng hiệu quả khi những nút thắt đó được tháo gỡ. Đồng thời, phải hành động để biến những chủ trương, chính sách đó vào cuộc sống, để tạo động lực cho mỗi doanh nghiệp, mỗi công dân.
Trong “Thư chúc Tết” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói: “Bước sang năm mới Quý Mão - 2023, là năm thứ ba - năm bản lề, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Với ý chí và quyết tâm vươn lên phát triển đất nước ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, truyền thống đoàn kết thống nhất, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đẩy mạnh toàn diện và đồng bộ hơn nữa công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, tạo đà và động lực thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo, góp phần xây dựng đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng phát triển, cường thịnh, ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.”
Chúng ta cùng kỳ vọng năm mới 2023, khát vọng, năng lượng và sự thôi thúc của 100 triệu người Việt là động lực lớn hơn bao giờ hết cho phát triển hùng cường của đất nước.
Nguồn:Việt Nam, khát vọng và năng lượng 2023