Việt Nam – Một cường quốc sóng, gió
Việt Nam, khát vọng và năng lượng 2023 Xuân 2023 – Nghĩ về kỳ tích và nguồn cội! |
Để đạt các mục tiêu về phát triển kinh tế xanh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, đặc biệt là các cam kết tại COP26, Chính phủ Việt Nam đã và đang đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi ngành năng lượng.
“Cường quốc” năng lượng tái tạo trong tương lai
Việt Nam là quốc gia được đánh giá có nhiều tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo. Việc khai thác các nguồn năng lượng tái tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ về kinh tế, xã hội mà còn cả về an ninh năng lượng và phát triển bền vững. Đặc biệt, nước ta có vị trí địa lý, đường bờ biển dài, đặc thù khí hậu nhiệt đới gió mùa và nền kinh tế nông nghiệp, có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào và đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi thể khai thác cho sản xuất năng lượng như thủy điện, điện gió, điện mặt trời, sinh khối, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học…
Thực trạng năng lượng tái tạo ở Việt Nam. (Nguồn ảnh: Năng lượng sạch Việt Nam) |
Các nước trên thế giới cũng đã nhận định vị thế của Việt Nam tại khu vực Đông Nam Á như một trung tâm về năng lượng tái tạo. Theo đó, ở Đông Nam Á Việt Nam hiện có công suất điện Mặt trời được lắp đặt toàn diện nhất, tăng từ 86 MW năm 2018, lên khoảng 16.500 MW vào năm 2020. Năm 2020, hệ thống điện Mặt trời cung cấp khoảng 10,6 TWh điện vào, chiếm gần 4% tổng sản lượng. Vào năm 2030, năng lượng Mặt trời trên mái nhà sẽ chiếm khoảng một nửa tổng công suất năng lượng Mặt trời của Việt Nam.
Bên cạnh đó, Việt Nam có khí hậu và địa hình khiến năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió, có triển vọng đầu tư đáng kể. Nguồn tài nguyên gió rộng lớn của Việt Nam là nhờ vào hình dạng địa lý dài và hẹp của đất nước với hơn 3.000 km đường bờ biển, bao gồm cả đồi và núi. WB cho biết, ở Việt Nam hơn 39% khu vực có tốc độ gió lớn hơn 6 mét/giây (m/s), tương đương công suất 512 GW. Nước ta có tiềm năng lớn, với 8,6% diện tích đất, nước thích hợp cho các trang trại điện gió lớn.
Ghi tên với nhiều dự án lớn
Tiềm năng điện Mặt trời
Là quốc gia có tiềm năng năng lượng Mặt trời được đánh giá cao, nước ta đã có những thành công trong các dự án như:
Dự án điện Mặt trời Hồng Phong 1: Được triển khai tại xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình, Bình Thuận. Có tổng số vốn đầu tư là 2,832 tỷ đồng. Công suất ước tính sau khi hoàn thành đạt 100 MW/giờ vận hành.
Năng lượng điện gió - tiềm năng đầy triển vọng. (Nguồn ảnh Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam) |
Nhà máy điện Mặt trời Tuy Phong: Với tổng diện tích được cấp phép xây dựng 50 ha, có công suất lắp máy 30 MW, xây dựng trên vùng đất của xã Vĩnh Hảo, Huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Với tổng diện tích được cấp phép xây dựng 50 ha, có công suất lắp máy 30 MW.
Nhà máy điện Mặt trời Hòa Hội: Có công suất lắp máy 214, 16 MWp, được xây dựng trên vùng đất của xã Hòa Hội, huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Trên tổng diện tích 265 ha, với tổng số vốn đầu tư là 4,985 tỷ đồng. Sau 7 tháng thi công thì dự án đã hoàn thành vào ngày 10/6/2019.
Tiềm năng phát triển điện gió
Việt Nam có nguồn tài nguyên gió lớn nhất trong khu vực với tiềm năng 311 GW. Theo quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn đến 2020, có xét đến năm 2030, tiềm năng công suất dự kiến hơn 22.000 MW. Chi tiết của một số tỉnh như sau: Bình Thuận 1.570 MW, Ninh Thuận 1.429 MW, Cà Mau 5.894 MW, Trà Vinh 1.608 MW, Sóc Trăng 1.155 MW, Bạc Liêu 2.507 MW, Bến Tre 1.520 MW, Quảng Trị 6.707 MW. Một số dự án thực hiện như:
Nhà máy Điện gió Trà Vinh V1.3: Gói thầu trị giá 561 tỷ đồng; Thời gian: T8/2020 – T8/2021; Vị trí: Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh;
Dự án Điện gió Lạc Hòa & Hòa Đông: Công việc: Thiết kế, thi công móng 16 trụ điện gió, thi công các cơ sở hạ tầng thiết yếu của dự án như đường, cầu, các khu làm việc chức năng, các trạm điện, cảng…; Giá trị gói thầu: 527 tỷ đồng; Thời gian: T8/2020 – T10/2021; Vị trí: Sóc Trăng;
Dự án nhà máy Điện gió Hồ Núi Một: công suất 100 MW tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Tổng vốn dự kiến 3.900 tỷ đồng. Dự án đang trong giai đoạn bổ sung Quy hoạch phát triển Điện lực;
Dự án nhà máy Điện gió Hồ Bầu Ngứ: công suất 25,2 MW tại xã Phước Hải, huyện Ninh Phước và xã Phước Nam, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Vốn đầu tư là 1.047 tỷ đồng, đang trong giai đoạn bổ sung Quy hoạch phát triển Điện lực.
Tiềm năng điện Mặt trời - hứa hẹn một tương lai tươi sáng. (Nguồn ảnh: Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Trung Nam) |
Mang tiềm năng lớn về điện Mặt trời và các mục tiêu năng lượng xanh đầy tham vọng vào năm 2050, có nhiều cơ hội để Việt Nam trở thành quốc gia dẫn đầu toàn cầu về năng lượng tái tạo. Theo các nhà phân tích thị trường, Việt Nam sẽ thăng hạng hơn nữa trong bảng xếp hạng, có thể vượt qua các quốc gia như Australia và Italy về các giải pháp phát triển năng lượng tái tạo và sáng tạo nếu duy trì tốc độ mở rộng nhanh chóng về năng lượng tái tạo.
Tăng cường dịch chuyển năng lượng xanh
Để đáp ứng nhu cầu trong khi việc cung ứng năng lượng đang và sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề và thách thức, đặc biệt là sự cạn kiệt dần nguồn nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu biến động theo xu thế tăng và Việt Nam sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới…
Chính vì vậy, việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới sẽ có ý nghĩa hết sức quan trọng cả về kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường.
Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2068/QĐ-TTg năm 2015. Đây có thể coi là nền tảng cho sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam với mục tiêu từng bước nâng cao tỷ lệ tiếp cận nguồn năng lượng sạch và điện năng của người dân khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo: Đến năm 2020 hầu hết số hộ dân có điện, đến năm 2030 hầu hết các hộ dân được tiếp cận các dịch vụ năng lượng hiện đại, bền vững, tin cậy với giá bán điện và giá năng lượng hợp lý.
Phát triển và sử dụng nguồn năng lượng tái tạo góp phần thực hiện các mục tiêu môi trường bền vững và phát triển nền kinh tế xanh: Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các hoạt động năng lượng so với phương án phát triển bình thường: Khoảng 5% vào năm 2020; khoảng 25% vào năm 2030 và khoảng 45% vào năm 2050.
Việt Nam đang tiếp tục thực hiện Chương trình quốc gia Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 3 đến năm 2030, tạo môi trường thuận lợi nhất nhằm thu hút vốn đầu tư vào ngành năng lượng. Đặc biệt, khuyến khích phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là định hướng nhất quán của Chính phủ Việt Nam.
Đến nay, con đường tiến đến đích Net Zero (trung hòa carbon) của nhân loại đã được triển khai nhiều năm. (Ảnh: PEC) |
Là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đã khẳng định vị trí của những người "tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu toàn cầu" khi đưa ra các cam kết tham vọng về mục tiêu "đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) vào năm 2050". Đây là một mục tiêu đầy tham vọng và thách thức. Trong đó có thách thức liên quan đến việc huy động được nguồn tài chính cần thiết cho quá trình chuyển đổi năng lượng, tiếp đến là đưa các công nghệ mới vào Việt Nam để hỗ trợ quá trình chuyển đổi. Các chính sách và khuôn khổ pháp lý mới cần được phát triển để thu hút đầu tư cho các công nghệ hỗ trợ tích hợp năng lượng tái tạo này.
Nhìn chung, năng lượng là yếu tố vô cùng quan trọng cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Xã hội càng phát triển thì nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao. Hiện nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống đang cạn kiệt dần tỷ lệ thuận với tốc độ phát triển của nền kinh tế trên thế giới. Do đó, các nguồn điện được sản xuất ra từ các nguồn năng lượng tái tạo đang được xem là sự bổ sung lý tưởng cho sự thiếu hụt điện năng và không chỉ giúp đa dạng hóa các nguồn năng lượng mà còn góp phần phân tán rủi ro, tăng cường, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Nguồn:Việt Nam – Một cường quốc sóng, gió