Việt Nam sẵn sàng hợp tác ASEAN, mở rộng ngành logistics ra toàn cầu
"Xanh hóa” ngành logistics, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường Rào cản trong chuyển đổi số ngành logistics |
Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng phát biểu tại hội nghị về logistics. Ảnh: Thùy Trang |
Sáng 15.7, tại Hội nghị giữa năm của Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN (AFFA), Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng đã có phát biểu chào mừng và khẳng định Việt Nam sẵn sàng hợp tác với các nước ASEAN để mở rộng ngành logistics ra toàn cầu.
Trước tình hình thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức, ảnh hưởng trực tiếp đến ngành logistics, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng cho rằng, hội nghị lần này sẽ tạo cơ hội quan trọng để các bên cùng trao đổi các giải pháp để phát triển ngành logistics trong khu vực, nhằm ứng phó với những khó khăn, thách thức hiện nay.
Hội nghị giữa năm của Liên đoàn Giao nhận Vận tải ASEAN được tổ chức tại Đà Nẵng. Ảnh: Thùy Trang |
Trong đó, bà Hằng đã nêu lên 3 vấn đề là phục hồi, cơ hội và chuyển đổi ngành logistics.
Cụ thể, ngành logistics toàn cầu đang bước vào giai đoạn phục hồi, vượt qua khó khăn do dịch bệnh, xung đột và tình hình kinh tế thế giới ảm đạm. Nhờ nỗ lực lớn của các hiệp hội và doanh nghiệp, ngành logistics đã hạn chế được những tác động tiêu cực và dần dần phục hồi, với tốc độ tăng trưởng dự kiến là 4% năm 2023 và 3% năm 2024.
Bên cạnh đó, ngành logistics đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển quan trọng. Châu Á - Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực phát triển năng động nhất và được kỳ vọng trở thành động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu vào năm 2025. Quỹ Tiền tệ Quốc tế dự báo rằng, các nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương sẽ đóng góp khoảng 70% cho tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023. Điều này hứa hẹn những tiềm năng to lớn cho ngành logistics ASEAN để tạo bứt phá trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, ngành logistics cần phải bắt kịp và thích ứng với những xu thế toàn cầu và hướng tới phát triển xanh, bền vững. Đó là lý do tại sao chúng ta cần tìm cách xanh hóa, số hóa, tự động hóa để quản lý hiệu quả chuỗi cung ứng khu vực và chuyển đổi ngành logistics.
Riêng với Việt Nam, trong những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam đã trở thành một động lực tăng trưởng quan trọng trong kinh tế khu vực và đã lọt vào Top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới. Dự báo năm 2028, GDP tính theo sức mua tương đương (PPP) của Việt Nam sẽ đứng thứ 20 trên thế giới. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam đạt kết quả vượt bậc là 8,02%. Trong Quý II/2023, GDP của Việt Nam tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước, vượt dự báo trước đó.
Trong bối cảnh đó, ngành logistics Việt Nam cũng tăng trưởng ấn tượng với tốc độ từ 14-16%, đạt 8 - 10 tỉ USD/năm, nằm trong top 10 trong bảng xếp hạng các thị trường logistics mới nổi.
“Logistics được xác định là một ngành dịch vụ quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam. Do đó, Việt Nam sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước ASEAN để mở rộng và phát triển ngành logistics trên phạm vi toàn cầu và chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững hơn.
Bộ Ngoại giao, thông qua các hoạt động ngoại giao kinh tế sẽ tăng cường hỗ trợ ngành logistics thực hiện sứ mệnh này và đồng hành cùng ngành logistics trên con đường phát triển. Chúng tôi sẽ tiếp tục thúc đẩy tăng cường hợp tác quốc tế, hỗ trợ triển khai các sáng kiến hợp tác giữa các doanh nghiệp logistics Việt Nam và ASEAN vì sự phát triển bền vững của ngành logistics trong khu vực” - bà Hằng thông tin.
Nguồn:Việt Nam sẵn sàng hợp tác ASEAN, mở rộng ngành logistics ra toàn cầu