"Xanh hóa” ngành logistics, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường
Rào cản trong chuyển đổi số ngành logistics 3 xu hướng định hình thị trường khởi nghiệp logistics năm 2023 |
Logistics là ngành dịch vụ giữ vai trò trong việc kết nối, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, logistics Việt Nam có tốc độ tăng trưởng bình quân 14-16%/năm, chất lượng dịch vụ được nâng cao, đóng góp quan trọng cho hoạt động xuất, nhập khẩu cũng như chuỗi cung ứng cho thương mại nội địa. Chính phủ đã xác định logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Nghị quyết số 163/NQ-CP của Chính phủ nêu rõ: Mục tiêu là biến dịch vụ hậu cần thành một ngành dịch vụ có giá trị cao và liên kết sự phát triển của chúng với thương mại địa phương và quốc tế, sản xuất hàng hóa và cơ sở hạ tầng cho giao thông vận tải, tăng cường kết nối để đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics quan trọng trong khu vực; phát triển logistics gắn với chuỗi cung ứng bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ; mở rộng thị trường dịch vụ logistics; tập trung nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp dịch vụ logistics. Với ngành công nghiệp thực phẩm tại Việt Nam, Logistics xanh đóng một vai trò quan trọng giúp đảm bảo việc vận chuyển sản phẩm thực phẩm hiệu quả và bền vững, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Tuy nhiên, theo phân tích của các chuyên gia dù giữ vị trí quan trọng trong chuỗi sản xuất, thương mại nhưng logistics lại là một trong những lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường đáng kể khi hoạt động vận chuyển hàng hóa chiếm tới khoảng 8% tổng lượng khí thải CO2 trên toàn thế giới. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), trung bình mỗi năm, hoạt động vận tải tại Việt Nam phát thải khoảng 30 triệu tấn CO2; trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải.
Lượng phát thải này được dự báo sẽ tăng trung bình 6-7% mỗi năm; đồng thời, lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam đang bị đánh giá cao hơn nhiều so các quốc gia phát triển và đang phát triển trên thế giới (1.090 gam CO2/GDP). Chính vì thế, mục đích của logistics xanh là tối ưu hóa mối liên hệ giữa việc vận hành kho, phân phối hàng hóa và môi trường tự nhiên. Qua đó, phát triển đáp ứng nhu cầu hiện tại mà không làm giảm tính sẵn có và chất lượng tài nguyên.
Xanh hóa ngành logistics được cho là mắt xích quan trọng giúp xanh hóa chuỗi cung ứng thực phẩm và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. |
Do đó, phát triển logistics xanh là xu hướng tất yếu và là tiêu chí quan trọng đánh giá sự phát triển bền vững của ngành. Tại Việt Nam hiện nay, ngày càng nhiều doanh nghiệp bắt đầu nhận thức được vai trò logistics xanh trong phát triển bền vững để có định hướng thúc đẩy các hoạt động này. “Báo cáo logistics Việt Nam 2022”, có tới 73,2% số doanh nghiệp được hỏi cho biết logistics xanh đã được đưa vào trong chiến lược kinh doanh.
Xanh hóa ngành logistics được cho là mắt xích quan trọng giúp xanh hóa chuỗi cung ứng thực phẩm và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Hàng nông thủy sản, thực phẩm là mặt hàng có vòng đời sản phẩm ngắn và đòi hỏi môi trường bảo quản tốt để có thể kéo dài thời hạn sử dụng cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm tốt. Do đó logistics cho ngành thực phẩm được nhận định đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển của ngành này.
Hiện nhu cầu sử dụng logistics doanh nghiệp trong nước được xác định cụ thể là vận tải đường biển chiếm 68%, đường bộ 50%, đa phương thức 28% và hàng không, đường sắt, đường thủy nội địa đồng tỷ lệ là 8%. Tuy nhiên, năng lực đáp ứng của ngành logistics trong nước chủ yếu là vận tải đường bộ chiếm đa số với tỷ lệ 74,4%, đường thủy nội địa chiếm hơn 19%. Còn lại là vận tải hàng không, đường sắt và đường biển.
Bên cạnh đó, việc phát triển ngành lại vướng nhiều rào cản quy định như thủ tục hải quan phức tạp, chậm trễ và tăng chi phí dịch vụ logistics, yêu cầu cấp phép quá nghiêm ngặt; tiếp cận thị trường nước ngoài còn hạn chế… Điều này đã và đang ảnh hưởng tiêu cực rất lớn đến hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp thực phẩm.
Năm 2023 trước bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các sản phẩm thân thiện môi trường thì việc “xanh hóa” ngành logistics và ứng dụng logistics xanh là xu hướng tất yếu. Theo đó, ngành logistics cần thiết phải đa dạng các giải pháp “xanh hóa” trên các phương diện như: Vận tải xanh, bao bì xanh, kho bãi xanh, quản lý dữ liệu logistics xanh…. vào kinh doanh để đáp ứng các tiêu chí về môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh. Từ đó hướng tới mục tiêu phát triển xuất nhập khẩu bền vững đối với các mặt hàng lương thực thực phẩm của Việt Nam.
Ngành logistics cần thiết phải đa dạng các giải pháp “xanh hóa” trên các phương diện như: Vận tải xanh, bao bì xanh, kho bãi xanh, quản lý dữ liệu logistics xanh… |
Để thực hiện mục tiêu phát triển logistics xanh, góp phần phát triển bền vững đất nước và xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thân thiện với môi trường, Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh đến các giải pháp: Bộ Công Thương phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành, cơ quan liên quan tiếp tục tập trung cụ thể hóa và tham mưu thể chế hóa các quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển dịch vụ logistics. khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển ngành logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm đáp ứng những yêu cầu phát triển của lĩnh vực này trong bối cảnh và tình hình mới.
Trong đó, chú trọng định hướng phát triển logistics xanh và các giải pháp thân thiện với môi trường; hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logictics, vận tải đa phương thức, vận tải xuyên biên giới, nội luật hóa các cam kết quốc tế về logistics... tạo cơ sở pháp lý thuận lợi cho hoạt động logictics và phát triển logistics xanh tại Việt Nam. Cùng với đó, tiến hành rà soát, cập nhật, bổ sung các nội dung nhiệm vụ để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics giai đoạn đến năm 2025. Chuẩn bị kế hoạch hành động cho giai đoạn 2026 - 2030.
Tập trung xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện một cách thực chất chương trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong ngành logistics; coi đây vừa là yêu cầu vừa là động lực để đổi mới và phát triển bền vững ngành logistics Việt Nam trong thời gian tới. Trong đó, làm rõ nội hàm "logistics xanh" gắn với những yêu cầu, đòi hỏi để thực hiện logistics xanh trong bối cảnh và điều kiện mới hiện nay, nhất là trong việc ứng dụng thành tựu của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, thúc đẩy đổi mới sáng và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nghiên cứu xây dựng và ban hành bộ tiêu chí đo lường mức độ phát triển logistics xanh hay (chỉ số năng lực phát triển logistics xanh - green logistics performance index) nhằm hỗ trợ kiểm soát hoạt động logistics xanh, đánh giá năng lực logistics xanh một cách thường xuyên, từ đó xây dựng những giải pháp phù hợp và hiệu quả.
Đề xuất các chính sách, giải pháp để tăng cường liên kết, nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước, Bộ ngành, địa phương và với các Hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nhằm thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về phát triển lĩnh vực logisitcs ở Việt Nam và khuyến khích, thúc đẩy doanh nghiệp hướng đến phát triển logistics xanh.
Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác quốc tế, đặc biệt là trong lĩnh vực đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm phát triển logistics xanh, logistics số, logistics thương mại điện tử... nhằm nâng cao năng lực, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh và làm chủ một số chuỗi giá trị của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực này thời gian tới.
Theo đánh giá của các chuyên gia, logistics xanh có thể giúp cải thiện an toàn và chất lượng thực phẩm. Điều này đặc biệt quan trọng ở Việt Nam, nơi an toàn thực phẩm vẫn còn là một vấn đề lớn đối với cả người tiêu dùng và nhà sản xuất. Hơn nữa, logistics xanh có thể giúp giảm chi phí vận chuyển và tăng hiệu quả trong chuỗi cung ứng bằng cách tối ưu hóa tuyến đường giao hàng và giảm số lượng xe tải trống hoặc chở hàng nửa chừng trên đường, các doanh nghiệp có thể tiết kiệm nhiên liệu và chi phí vận chuyển, đồng thời giảm tắc đường và ô nhiễm do giao thông.
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng và quá trình dịch chuyển, tái cơ cấu các chuỗi cung ứng quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ, ngành logistics Việt Nam được đánh giá là ngành kinh tế tiềm năng, có vai trò quan trọng, mang tính nền tảng trong nền kinh tế quốc dân và đang đứng trước những cơ hội lớn để bứt phá vươn lên. Sự quyết tâm cao của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển logistics xanh.
Nguồn:"Xanh hóa” ngành logistics, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường