Vướng mắc trong việc thực hiện xã hội hóa thể thao Việt Nam
Đoàn thể thao Việt Nam tại ASIAD 19. Ảnh: Bùi Lượng |
Mỗi năm, thể thao Việt Nam cần tham dự ít nhất 700 giải trong tổng số 2.500 giải đấu được tổ chức (khu vực, châu lục, thế giới). Tuy nhiên, ngân sách nhà nước chỉ đảm bảo cho việc tham dự 170 giải, tức là chưa tới 1/4 giải cần thi đấu.
Năm 2023, ngân sách nhà nước cấp khoảng 900 tỉ đồng cho thể thao. Nhìn chung, bức tranh thể thao Việt Nam đang rất khó khăn. Do đó, nhu cầu xã hội hóa, kêu gọi sự đầu tư từ các doanh nghiệp, cá nhân là rất cần thiết.
Dù vậy, hiện tại, mức độ xã hội hóa của thể thao Việt Nam chưa cao, khi đa phần các liên đoàn, hiệp hội chưa làm tốt điều này.
Tại Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam, ông Đặng Hà Việt - Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao - cho biết: "Quá trình thực hiện xã hội hóa ngành thể thao có cả thuận lợi và khó khăn. Thuận lợi là trong nhiều năm qua, các văn bản pháp luật, chủ trương chính sách đều nhắc đến xã hội hóa thể thao.
Thứ 2 là sự phát triển của kinh tế xã hội ngày càng cao, sự quan tâm của người dân với thể thao càng lớn. Đây là ngành nghề có thể kinh doanh, tạo dựng thương hiệu. Việc đầu từ vào công tác tổ chức hoạt động sự kiện thu hút rất nhiều doanh nghiệp".
Ông Việt cũng thẳng thắn chỉ ra những vướng mắc khiến thể thao Việt Nam gặp khó khăn trong việc kêu gọi nguồn xã hội hóa, liên quan đến việc thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư, triển khai liên doanh liên kết...
Chẳng hạn như vấn đề tiền thưởng, các đơn vị, công ty tặng tiền thưởng cho vận động viên vẫn bị trừ vào thuế thu nhập, cũng là một rào cản trong việc xã hội hóa.
"Ủy ban Olympic Việt Nam, các liên đoàn, hiệp hội chưa phát huy hết chức năng, nhiệm vụ, chưa năng động kêu gọi, chưa tạo ra được sự kiện, giá trị của bản thân để thu hút nguồn tài trợ.
Chỉ có một số liên đoàn kêu gọi được nguồn xã hội hóa trong đào tạo, tuyển chọn vận động viên thi đấu nước ngoài. Còn lại, đa phần các Liên đoàn chỉ dừng ở mức kêu gọi nguồn xã hội hóa cho một vài hoạt động tổ chức sự kiện nhỏ lẻ", Cục trưởng Cục Thể dục Thể thao nói thêm.
Một thực tế khác, muốn kêu gọi nguồn xã hội hóa thì chuyên môn và thành tích của thể thao Việt Nam cần đảm bảo. Tuy nhiên, ngoại trừ SEA Games, chúng ta chưa có được thành tích tốt tại các đấu trường lớn hơn như ASIAD hay Olympic.
Bên cạnh yếu tố chuyên môn, những hình ảnh, những câu chuyện gây ảnh hưởng xấu, khiến dư luận bức xúc cần phải xử lý nghiêm, dần dần dẹp bỏ. Muốn được vậy, vẫn là câu chuyện giải quyết vấn đề thu nhập cho huấn luyện viên, vận động viên, đảm bảo rằng, họ chỉ việc tận tâm với công việc của mình.
"Thể thao chuyên nghiệp được ví như đầu kéo để đưa môn thể thao đó đến gần hơn người dân biết hơn, dẫn tới phong trào thể thao phát triển. Khi phong trào phát triển thì các điều kiện liên quan về kinh doanh, xã hội hóa cũng phát triển.
Từ đó, đời sống các vận động viên sẽ đảm bảo, họ có thêm việc làm sau khi giải nghệ. Ngoài ra, đây sẽ là điều kiện để tuyển chọn vận động viên thi đấu thành tích cao", ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh.
Nguồn:Vướng mắc trong việc thực hiện xã hội hóa thể thao Việt Nam