Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Quảng Ninh: Khẳng định thương hiệu các sản phẩm OCOP Gia Lai: Phú Thiện xây dựng thương hiệu sản phẩm dược liệu sấy khô |
Những năm gần đây, việc thực hiện các Chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã đem lại những kết quả tích cực cho kinh tế và thương mại hàng hóa trên các địa bàn này, thông qua thúc đẩy hoạt động sản xuất và thu mua, hình thành được những chuỗi cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hiện đại, bền vững.
Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 là cú huých cho phát triển kinh tế tại nhiều địa phương miền núi, vùng đồng bào dân tộc. Nhờ đó, cùng nhiều chính sách khác của Bộ Công Thương, đã có không ít sản phẩm của đồng bào dân tộc, miền núi đã tạo lập được thương hiệu, xây dựng được bản sắc để cạnh tranh và đưa vào hệ thống phân phối trong và ngoài nước.
Dù vải thiều Lục Ngạn, trà Shanam Tà Xùa, chè Shan tuyết Mộc Châu, cam Cao Phong… đã được người tiêu dùng biết đến nhưng còn rất nhiều sản phẩm có tuổi đời hàng trăm năm của đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa được khai thác, định vị thương hiệu một cách bài bản...Theo Bộ Công Thương, hiện nay đã có các doanh nghiệp, tổ chức xã hội phối hợp cùng các địa phương tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh tạo lập các thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Nhiều sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được đầu tư theo hướng sản xuất hàng hóa, xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với những những truyền thống văn hóa tập tục… điều làm nên sự hấp dẫn trong mắt người tiêu dùng hiện đại.
Nhiều nông sản của đồng bào dân tộc thiểu số đã tìm được chỗ đứng trong thị trường, tuy nhiên những sản phẩm truyền thống có giá trị lâu đời vẫn chưa được đẩy mạnh tiêu thụ. Ảnh: NS. |
Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn chứa đựng hai giá trị rất lớn, là sự khác biệt bên cạnh cái chung. Thứ nhất, nói đến miền núi là những quang cảnh rất hùng vĩ, rất đẹp, rất ấn tượng. Nhưng đằng sau đó là khi nghĩ về sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, người tiêu dùng thường nghĩ đến một điều rất gần gũi, thân thiện với thiên nhiên, với trời đất và những điều này rất hoà hợp với xu hướng hiện nay. Đó là xu hướng sống xanh, sản xuất xanh, an toàn.
Bên cạnh đó, khi nghĩ về những sản phẩm này, người tiêu dùng sẽ thấy được truyền thống, một nền tảng văn hóa mà bất kỳ nghề nào cũng muốn khám phá, muốn trải nghiệm. Chính hai giá trị này tạo nên tính lan toả không chỉ cho sản phẩm, doanh nghiệp làm ra sản phẩm mà là cả vùng miền. Không phải ngẫu nhiên mà sản phẩm ở khu vực này mang tính vùng miền rất rõ rệt. Đây cũng là chất liệu quan trọng để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Không ít sản phẩm đã trở thành thế mạnh của của địa phương được tiêu thụ ở các kênh phân phối và xuất khẩu. Từ đó không chỉ giúp bà con ổn định thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn phát triển kinh tế - xã hội, quảng bá được truyền thống văn hoá đặc sắc của các dân tộc ở các địa phương. Tuy nhiên, đó chỉ là một số doanh nghiệp và hợp tác xã tiên phong, tiêu biểu, còn rất nhiều sản phẩm xanh và sạch, chứa đựng những bí quyết canh tác, chế biến có tuổi đời hàng trăm năm trong đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chưa được khai thác ở quy mô sản xuất hàng hoá.
Nguyên nhân của những hạn chế nói trên là rất nhiều. Đó không chỉ là việc chưa được quan tâm đầu tư đúng mức, mà còn có nguyên nhân là do chưa có hướng phát triển mở rộng sản phẩm cũng khiến thương hiệu của khu vực này ít có cơ hội để phát triển. Ngoài ra, việc chậm đổi mới công nghệ, thiếu trang thiết bị hiện đại, chưa thường xuyên cải tiến mẫu mã… dẫn đến quy mô sản xuất nhỏ lẻ, giá thành sản phẩm lại cao, làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm.
Xây dựng thương hiệu bằng những câu chuyện được coi là một trong những giải pháp quan trọng để quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. |
Về giải pháp để định vị thương hiệu cho sản phẩm của vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, điểm mạnh của các sản phẩm này là họ có truyền thống, có lịch sử, có nét văn hóa rất đáng trân trọng, đáng khám phá. Do đó, giải pháp để đẩy mạnh định vị thương hiệu cho sản phẩm vùng này cần có “tích truyện” câu chuyện văn hóa đằng sau sản phẩm. Sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chứa đựng cả 2 điều trên, vừa có dấu ấn văn hoá, có tích truyện hấp dẫn lại vừa bắt nhịp được với xu thế hiện nay là lối sống, cách sống xanh, phát triển bền vững. Đây là nền tảng rất tốt cho xây dựng thương hiệu
Tuy nhiên, để làm được điều này bản thân những doanh nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số chưa đủ nguồn lực, năng lực để làm. Do đó, theo ông Thành, cần sự vào cuộc của nhiều “nhà”: già làng, nghệ nhân kể những câu chuyện về cuộc đời họ và những hiểu biết của họ để tạo nên câu chuyện của sản phẩm; nhà khoa học, những người làm truyền thông hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, xây dựng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần chính sách hỗ trợ bền vững hơn, thiết thực và thấu đáo hơn để không chỉ đưa sản phẩm trở thành thương hiệu của vùng miền mà còn trở thành thương hiệu quốc gia.
Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ Việt Nam, để định vị được thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cần chú ý đến các yếu tố. Thứ nhất, cần xác định đúng nhu cầu của thị trường và có các sản phẩm phù hợp với từng phân khúc (trung cấp - cao cấp); thứ hai gắn truyền thống văn hoá với phát triển thương hiệu vùng miền và xây dựng thương hiệu quốc gia; thứ 3 định vị được không gian của hàng thủ công vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; bên cạnh đó, tăng cường công tác liên kết giữa hộ sản xuất với doanh nghiệp; cần quảng bá chuyên nghiệp hơn; và cuối cùng cần những chính sách mạnh mẽ hơn thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. Với cộng đồng 53 dân tộc thiểu số, hàng chục nghìn sản phẩm, hàng chục nghìn câu chuyện, do đó chúng ta cần tận dụng sức mạnh này để tổ chức những sự kiện mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế nhằm quảng bá thương hiệu sản phẩm.
Nguồn:Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số