Xử lý nghiêm hành vi đầu cơ trục lợi ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo
Nhiều quốc gia cấm xuất khẩu gạo – cơ hội lớn cho gạo Việt Nam Thị trường gạo xuất khẩu vừa là "cơ hội vàng" vừa là thách thức phát triển |
Chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo là một trong những nội dung quan trọng của Chỉ thị số 24/CT-TTg.
Theo đó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật; theo dõi sát tình hình thị trường, thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu, kịp thời thông tin đến các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu gạo, bảo đảm phù hợp, hiệu quả.
Ảnh minh hoạ |
Khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó cần quy định chặt chẽ, cụ thể, khả thi về điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, chất lượng lúa, gạo hàng hóa xuất khẩu, các thương nhân phải liên kết với người trồng lúa trong việc xây dựng vùng nguyên liệu, sản xuất, tiêu thụ lúa, gạo…, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch, công bằng, thuận lợi và đảm bảo lợi ích chính đáng của người nông dân trồng lúa, giữ uy tín cho mặt hàng gạo của Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các cơ quan liên quan triển khai các chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, thương hiệu Gạo Việt Nam, xúc tiến thương mại gạo phù hợp với tình hình mới để nâng cao giá trị sản phẩm gạo của Việt Nam; khai thác hiệu quả cơ chế ưu đãi của các FTA mà nước ta là thành viên nhằm đa dạng hóa, chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng và nâng cao sức cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.
Hướng dẫn, hỗ trợ các thương nhân kinh doanh, xuất khẩu gạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, khả năng đàm phán, ký kết, thực hiện hợp đồng xuất khẩu và xử lý có hiệu quả tranh chấp thương mại quốc tế, nâng cao uy tín và giá trị thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Liên quan đến việc kịp thời hỗ trợ người sản xuất và các thương nhân, Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Chính phủ giao, chủ động, kịp thời chỉ đạo thực hiện các biện pháp bình ổn giá, hỗ trợ người sản xuất lúa, xuất khẩu gạo và các thương nhân theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Công thương tính toán, cân đối việc dự trữ gạo phù hợp, hiệu quả, dứt khoát không được để người dân thiếu lương thực, thiếu gạo khi giáp hạt, thiên tai, dịch bệnh...
Cũng tại Chỉ thị số 24/CT-TTg, Thủ tướng cũng yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chủ động chỉ đạo, điều hành tổ chức sản xuất lúa, gạo đảm bảo mục tiêu về năng suất, chất lượng, sản lượng theo kế hoạch. Kịp thời cung cấp thông tin tới các bộ, ngành liên quan về sản lượng, chủng loại thóc, gạo hàng hóa tồn đọng và dự kiến năng suất, sản lượng thu hoạch lúa, gạo theo từng chủng loại, mùa vụ sản xuất trên địa bàn để phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.
Cùng với đó, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường theo dõi sát tình hình, kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, trục lợi bất chính, đẩy giá lúa gạo lên cao bất hợp lý, gây bất ổn thị trường trong nước, uy tín của thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Nguồn:Xử lý nghiêm hành vi đầu cơ trục lợi ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo