Xuất khẩu gạo năm 2024 tiếp tục tăng trưởng mạnh
Xuất khẩu gạo tiếp tục duy trì tăng trưởng cao Xuất khẩu gạo thu về gần 1,4 tỷ USD trong quý I/2024 |
Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, 3 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo đạt trên 2,18 triệu tấn, kim ngạch gần 1,43 tỷ USD; tăng 17,6% về lượng, tăng 45,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Về thị trường, Philippines là thị trường xuất khẩu lớn nhất của gạo Việt Nam với kim ngạch đạt trên 1 triệu tấn, tương đương gần 649 triệu USD, chiếm 46,4% trong tổng lượng và chiếm 45,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Giá xuất khẩu sang thị trường này đạt 641,7 USD/tấn, tăng 27,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Xuất khẩu gạo sang Indonesia đứng thứ 2, tăng mạnh gần 200% về lượng, tăng 308,8% kim ngạch và tăng 36,4% với 445.326 tấn, tương đương 285,06 triệu USD; giá xuất khẩu đạt 640 USD/tấn. Đứng thứ 3 là thị trường Malaysia tăng 28,8% về lượng, tăng 60,6% kim ngạch, đạt 98.917 tấn, tương đương 61,55 triệu USD, giá trung bình 622,3 USD/tấn.
Thương vụ Việt Nam tại Singapore cho biết, quý 1/2024, lần đầu tiên Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất vào thị trường Singapore. Hiện chiếm hơn 32% thị phần, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt sang Singapore đạt cao hơn so với Ấn Độ (6,96%) và Thái Lan (8,28%). Các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng thành công danh mục sản phẩm xuất khẩu sang các mặt hàng khác như gạo nếp và gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ.
Những tháng đầu năm 2024, xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao cả về lượng và giá trị. |
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá gạo xuất khẩu trong tháng 3/2024 và nửa đầu tháng 4/2024 đã giảm so với giá gạo xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm. Ngày 15/4, giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện ở mức 578 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 549 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 480 USD/tấn. Đến thời điểm ngày 24/4, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam có tăng nhẹ khi gạo 5% tấm hiện ở mức 582 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 557 USD/tấn; gạo 100% tấm ở mức 480 USD/tấn.
Dù đã hạ nhiệt đáng kể so với mức xuất khẩu bình quân kỷ lục trong tháng 2/2024 ở mức 673 USD/tấn, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hiện vẫn đang cao hơn gần 120 USD/tấn. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho rằng giá gạo Việt Nam hạ nhiệt trong giai đoạn theo đúng quy luật tự nhiên do các nước sản xuất đều bước vào vụ thu hoạch chính, nhu cầu nhập khẩu không còn quá cao như thời gian trước. Đặc biệt, thời điểm tháng 3, Việt Nam trong đợt thu hoạch vụ Đông Xuân, lượng lúa gạo bổ sung ra thị trường dồi dào, đương nhiên sẽ kéo giá trong nước và xuất khẩu giảm. Bước sang tháng 4, chỉ còn lượng lúa gạo trữ tại các kho nhưng lượng không dồi dào.
Nhận định về thị trường gạo quý II, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết giá gạo thế giới vào gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ vẫn duy trì ở mức cao. Nguồn cung gạo trên thế giới vẫn thu hẹp do điều kiện thời tiết bất lợi, nhiều quốc gia cung ứng lớn buộc phải cấm và hạn chế xuất khẩu. Hiện tượng thời tiết El Nino, yếu tố khiến nhiều khu vực lớn ở châu Á khô hạn trong năm 2023, dự kiến tiếp diễn trong nửa đầu năm 2024. Giới phân tích hiện đều đưa ra các dự báo cho thấy sản lượng gạo của châu Á trong nửa đầu năm 2024 sẽ tiếp tục giảm do điều kiện trồng trọt khô hạn. Điều này càng khiến nhu cầu nhập khẩu nhằm đảm bảo an ninh lương thực tại nhiều thị trường gia tăng.
Trong khi đó, quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới là Ấn Độ vẫn chưa gỡ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng kể từ giữa năm ngoái; Thái Lan, nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai cũng cho biết sẽ cắt giảm lượng gạo xuất khẩu nhằm để đảm bảo an ninh lương thực trong nước. Mặt khác, các xung đột chính trị tại Trung Đông cũng đang khiến chuỗi cung ứng toàn cầu gặp gián đoạn, với việc chi phí logistics, thời gian vận tải bị đội lên đáng kể.Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo, tiêu thụ gạo toàn cầu trong niên vụ 2023-2024 ở mức kỷ lục 522,9 triệu tấn, tăng 2,7 triệu tấn so với niên vụ trước và cao hơn 7,5 triệu tấn so với tổng sản lượng thu hoạch.
Từ đầu năm, Chính phủ đã ban hành công điện chỉ đạo các địa phương và bộ, ngành liên quan theo dõi, chủ động phương án ứng phó với nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn và các hiện tượng thời tiết rét đậm, rét hại có thể gây ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất nông nghiệp, trong đó có gieo trồng, chăm sóc và thu hoạch lúa.
Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu gạo trong năm 2024. Ảnh: BCP. |
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu 8,1 triệu tấn gạo với trị giá 4,67 tỷ USD, tăng 14,4% về lượng và tăng 35,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu đi đúng định hướng, gia tăng giá trị cho hạt gạo với các chủng loại như: gạo thơm, gạo nếp, gạo trắng cao cấp,… Bên cạnh các thị trường xuất khẩu truyền thống, trọng điểm được tiếp tục giữ vững như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Hồng Kông (Trung Quốc), một số khu vực thị trường ghi nhận tăng trưởng tốt như EU.
Trong bối cảnh tình hình thế giới biến động phức tạp, ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế, tiềm ẩn rủi ro tới hoạt động thương mại hàng hóa toàn cầu, đặc biệt là nhóm hàng lương thực thực phẩm, trong đó có gạo. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, ngành, địa phương về giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất và đẩy mạnh xuất khẩu đã góp phần mang lại cho hoạt động xuất khẩu gạo những kết quả tích cực.
Về phía Bộ Công Thương đã tích cực triển khai một số giải pháp trọng tâm về điều hành xuất khẩu, phát triển thị trường trong năm 2023. Theo đó, trong công tác điều hành xuất khẩu gạo, về cân đối cung cầu, bình ổn giá, đảm bảo an ninh lương thực trong nước, Bộ Công Thương đã có văn bản đề nghị UBND các địa phương thực hiện trách nhiệm đã quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐ-CP; đồng thời, chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu thụ lúa, gạo trên địa bàn và việc duy trì mức dự trữ lưu thông tối thiểu của các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo theo quy định. Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 15/8/2023 về tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu gạo và bình ổn thị trường trong nước trong giai đoạn hiện nay.
Đồng thời, chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương có thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) và các thương nhân tổ chức các buổi họp, hội nghị để cùng thống nhất triển khai quyết liệt nhóm giải pháp để đảm bảo nguồn cung, bình ổn giá lương thực trong nước và tạo thuận lợi, hạn chế rủi ro cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo theo từng giai đoạn trong năm.
Về công tác phát triển thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã tổ chức triển khai thực hiện tốt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 đã được phủ phê duyệt tại Quyết định số 583/QĐ-TTg ngày 26/5/2023 của Thủ tướng Chính phê duyệt Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030. Bên cạnh đó, chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ theo dõi sát thông tin thị trường liên quan đến sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu nhóm hàng lương thực thực phẩm nói chung và gạo nói riêng, từ đó từng bước thiết lập kênh hỗ trợ cung cấp thông tin thị trường đối với các địa phương và thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo...
Nguồn:Xuất khẩu gạo năm 2024 tiếp tục tăng trưởng mạnh