Xuất khẩu nông nghiệp
Thương mại Việt Nam 2023: Kỳ vọng vượt thách thức Triển vọng bật tăng mạnh mẽ của ngành bán lẻ năm 2023 |
Ảnh minh họa |
Nhiều năm dẫn đầu về sản xuất và xuất khẩu lúa gạo nhờ những nỗ lực xé rào và đổi mới tư duy kinh tế. Nhờ thoát khỏi tư duy tiểu nông và tầm nhìn hạn hẹp, nông nghiệp Việt Nam đã chuyển đổi mở rộng nhiều cây trồng và vật nuôi theo hướng mở đường đến thị trường xuất khẩu…
Chuyên nghiệp hoá nông nghiệp
Sự tham gia đầu tư của các tập đoàn kinh tế vào lĩnh vực nông nghiệp là điều đáng chú ý tại Việt Nam trong hơn 10 năm qua. Đầu tiên có thể kể đến chiến lược mang tính tiên phong của Tập đoàn Lộc Trời, xây dựng các chuỗi giá trị hoàn chỉnh, từ chọn giống đến vật tư, phương thức canh tác, đến thu mua chế biến và phân phối sản phẩm có thương hiệu. Mô hình này đã chinh phục giới đầu tư và góp phần thay đổi tư duy trước đây xem nông nghiệp là lĩnh vực lợi nhuận thấp, rủi ro cao.
Một loạt các tập đoàn khác đã nhanh chóng xoay chuyển chiến lược và đầu tư vào nông nghiệp: HAGL, Hoà Phát, Vĩnh Hoàn, Hùng Vương, THACO… và nông nghiệp chính thức trở thành lĩnh vực mũi nhọn tạo ra sự cân bằng chiến lược đa ngành. Dòng tiền xuất khẩu từ nông nghiệp cũng giúp cân bằng dòng tiền ngoại tệ. Nông nghiệp cũng giúp cân bằng sinh thái và ổn định cuộc sống của hàng triệu người dân, ngăn chặn sự xáo trộn của làn sóng đô thị hóa…
Các doanh nghiệp hàng đầu đã mang tư duy quản lý hiện đại vào sản suất nông nghiệp. Đó là tư duy chuỗi giá trị hoàn chỉnh; các mô hình quản lý công nghiệp hiện đại đã làm thay đổi bộ mặt nông nghiệp cũng như năng suất và chất lượng sản phẩm.
Tuy nhiên, vẫn còn thách thức chọn lựa quy hoạch cây trồng, vật nuôi thích hợp với tiềm năng thị trường quốc tế, nhất là chính sách thương mại cạnh tranh về nông nghiệp cũng như khả năng ứng phó trong cạnh tranh xuất khẩu và các hàng rào thương mại.
Vị thế người nông dân
Người nông dân Việt Nam có đầy đủ các yếu tố thành công trong một chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững. Nông dân Việt Nam là những con người cần cù và sáng tạo với kinh nghiệm được tích lũy qua hàng nghìn năm. Nếu được bổ sung tư duy kinh tế và kỹ năng quản lý chuyên nghiệp, thì sẽ là một đội ngũ lực lượng lao động có thể cạnh tranh với bất kỳ quốc gia nào trong lĩnh vực nông nghiệp. Với những chính sách hợp lý từ các nhà lãnh đạo, đội ngũ quản lý trẻ, và tinh thần cầu thị áp dụng khoa học kĩ thuật tiên tiến… nhất là chính sách đầu tư và điều phối dòng tiền từ phía Nhà nước, người nông dân và nông nghiệp Việt Nam thực sự trở thành một lực lượng kinh tế hùng hậu, đóng góp một tỷ trọng lớn trong cấu trúc kinh tế.
Tinh thần và năng lực sáng tạo của nông dân Việt Nam được trải qua quá trình chinh phục thiên nhiên hàng nghìn năm. Họ tích lũy nhiều bí quyết về cải tạo đất, tạo giống cây trồng, phân bón, nhanh chóng thích nghi với môi trường thiên nhiên sở tại. Không những thế, họ còn nhanh chóng năm bắt công nghệ mới và sáng tạo hơn nữa…
Xuất khẩu nông nghiệp thương hiệu Việt
Sự kỳ vọng phát triển của nông nghiệp Việt Nam không chỉ bó hẹp trên mảnh đất hình chữ S, mà thực sự đang diễn ra trên phạm vi đa quốc gia. Lấy ví dụ tại Australia trong những năm gần đây, cộng đồng người Việt đã mạnh dạn đầu tư nhiều nông trại trong hàng 100 ha, khai mở những loại cây trồng có nhu cầu từ cộng đồng châu Á, rồi mở rộng sang thị trường dòng chính.
Việt Nam nói chung và các nhà đầu tư nói riêng đang kỳ vọng có những thay đổi đột phá. Nếu Chính phủ Việt Nam có một tầm nhìn khuyến khích cho một chiến lược “xuất khẩu nông nghiệp” sang các nước có quỹ đất nông nghiệp chưa được khai thác, thì Việt Nam có thể trở thành một cường quốc nông nghiệp dẫn đầu thế giới.
Xuất khẩu nông nghiệp không phải là một khái niệm mới mẻ. Nhìn vào các tập đoàn đa quốc gia, chúng ta đều thấy rõ chiến lược này. Điển hình như các tập đoàn Bayer, CJ (crops science), CP, Cargill (chăn nuôi)… chúng ta sẽ thấy một chiến lược dẫn dắt bởi các thương hiệu toàn cầu bao phủ tại nhiều quốc gia. Đó là tư duy sản xuất nông nghiệp toàn cầu mà chúng ta cần phải học hỏi.
Nguồn:Xuất khẩu nông nghiệp