Xuất khẩu rau quả hướng tới mốc kỷ lục
Cảng Trần Đề sẽ kéo giảm khoảng 50% chi phí vận chuyển nông sản xuất khẩu Đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo |
Nhiều mặt hàng ăn nên làm ra
Chiều 8.8, trao đổi với PV Thanh Niên khi đang thu mua trên ruộng, ông Sơn Văn Luận, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Thanh Ngọc, H.Bình Tân, Vĩnh Long, chia sẻ: "Mấy ngày nay giá khoai lang đang giảm nhẹ, nhưng nếu so với cùng thời điểm năm trước thì có sự "lột xác" đáng kể. Bình Tân là huyện có diện tích trồng khoai lang lớn ở Vĩnh Long và người trồng đã từng rơi vào cảnh lao đao khi Trung Quốc đóng cửa khẩu, giá khoai có lúc xuống chỉ còn 2.000 đồng/kg, càng trồng càng lỗ, nhiều nông dân chẳng còn thiết tha với loại nông sản này nữa...
Tuy nhiên, từ khi có thông tin khoai lang được phép xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, giá mặt hàng này liên tục tăng. Thời điểm giữa tháng 4.2022, giá khoai tăng khoảng 2.000 - 3.000 đồng/kg, đạt mức 10.000 - 11.000 đồng/kg. Đến nay giá khoai lang từ 12.000 - 15.000 đồng/kg, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái". Theo ông Luận, hiện nay quy trình mua bán vẫn còn rối rắm, có một số bất đồng giữa hợp tác xã và doanh nghiệp (DN) thu mua và thị trường vẫn phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc, tuy nhiên người trồng khoai lang cũng "khỏe" hơn so với năm trước.
Ngoài Vĩnh Long, Đắk Lắk cũng là một trong những địa phương có diện tích trồng khoai lang lớn với khoảng 10.000 ha; sản lượng trung bình năm nay ước đạt gần 300.000 tấn. Thương lái thu mua khoai lang với giá trung bình từ 13.000 - 14.000 đồng/kg. Sau khi trừ các chi phí, người dân thu lãi trên 250 triệu đồng/ha.
Nhiều mặt hàng rau quả khác cũng đang ăn nên làm ra. Chị Nguyễn Thị Nghe, chủ một DN xuất khẩu rau quả tại TP.Đà Lạt (Lâm Đồng), hồ hởi khoe: "Mấy ngày nay nhu cầu tiêu thụ rau quả rất tốt, tăng bình quân 25%. DN của tôi không bán hàng đi Trung Quốc mà xuất khẩu sang Thái Lan. Từ sau tết đến nay, mỗi ngày xuất khẩu ít nhất 17 tấn, ngày cao nhất lên đến 26 tấn. Trước đây tôi bán sang Thái Lan đến 40 mặt hàng, nhưng rau ăn lá thường hay bị kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không đạt, hiện nay tôi giảm xuống còn 18 mặt hàng, đa số là củ, quả".
Vùng trồng mít Thái tại ĐBSCL cũng đang lên cơn sốt vì giá mít tăng chóng mặt. Khoảng 1 tuần nay, nhu cầu thu mua mít Thái bỗng nhiên tăng vọt. Tại các tỉnh như Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, các vựa thu mua với giá mít kem lớn ở mức 47.000 đồng/kg, mít kem nhỏ 37.000 đồng/kg, mít kem loại 3 là 16.000 - 17.000 đồng/kg. Các loại mít chợ, hàng dạt cũng được thu mua từ 7.000 - 10.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Quốc Cường, chủ một vựa thu mua nông sản tại Đồng Tháp, cho biết: "Cùng thời điểm này năm trước, mít Thái rớt giá vì Trung Quốc đóng biên, có lúc mít loại 1 chỉ còn 10.000 đồng/kg. Nhiều chủ vườn chán nản, hoặc chuyển đổi sang trồng sầu riêng nên năm nay diện tích trồng mít giảm. Hiện tại cũng chưa vào mùa thu hoạch chính nên sản lượng còn ít". Theo nhiều chủ vườn mít, năm nay giá mít cao hơn gấp đôi so với năm trước và chỉ rớt giá trong một thời gian ngắn vào tháng 4 - 5, sau đó tăng trở lại. Chị Lê Thị Thơm, chủ vườn mít tại Hậu Giang, bộc bạch: "Mấy năm gần đây hiếm khi nào giá mít lên đến 50.000 đồng/kg nhưng năm nay đã 2 đợt giá mít Thái nhảy lên như thế".
Rau quả gánh "team", băng băng về đích
Trong khi các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của VN như thủy sản, đồ gỗ, hạt điều… đang hụt hơi thì rau quả lại vụt sáng, trở thành tâm điểm đáng khích lệ trong năm nay.
Theo số liệu ước tính của Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 7, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã vượt 3,3 tỉ USD của cả năm 2022, dự báo có thể chạm mốc 5 - 5,3 tỉ USD trong năm 2023. Trong đó, có sự đóng góp lớn của mặt hàng sầu riêng với kim ngạch 1,5 tỉ USD. Mặt hàng chuối cũng rất khả quan nhờ nghị định thư ký kết với Trung Quốc vào tháng 11.2022, dự kiến kim ngạch xuất khẩu chuối tăng thêm hàng trăm triệu USD trong năm nay. Nếu tính cả nhu cầu tăng nhập chuối VN từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Đông… thì năm 2023, xuất khẩu chuối có thể mang về doanh thu 700 - 800 triệu USD.
Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả VN, nhận định: "Kết quả hiện nay của mặt hàng rau quả khá bất ngờ. Từ đầu năm chúng tôi chỉ đưa ra nhận định kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng 20 - 30% so với năm trước, trong đó có sự đóng góp của sầu riêng là 1 tỉ USD, nghĩa là dự kiến chỉ đạt khoảng 4 tỉ USD là cao. Nhưng hiện nay kim ngạch sầu riêng tăng nhanh, các mặt hàng khác cũng tăng giá và tiêu thụ tốt. Nhiều loại trái cây VN bước vào vụ thu hoạch và có đặc tính rải vụ nên còn nhiều dư địa. Dự báo, trong quý 3 và 4 sẽ có gần 7,6 triệu tấn các loại trái cây chính cần tiêu thụ như xoài, chuối, thanh long, dứa, cam, nhãn, sầu riêng, mít, bơ... Như vậy có thể thấy nguồn cung trái cây đang và sẽ rất dồi dào, đáp ứng tốt các đơn hàng xuất khẩu trong thời gian tới".
Tiếp tục dấu ấn thành công sau khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, Bộ NN-PTNT đang tiếp tục đàm phán để xuất khẩu dừa tươi sang Mỹ; thống nhất với Nhật Bản về tem mới đối với mặt hàng xoài và thanh long tươi của VN xuất sang thị trường này từ tháng 8.2023, đồng thời hoàn thiện dự thảo nghị định thư về yêu cầu nhập khẩu ớt và các loại quả tươi truyền thống của VN.
Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết: "Phía Trung Quốc đã đề nghị tiến hành kiểm tra thực địa đối với các vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi có nhu cầu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc để hoàn thành đánh giá phân tích nguy cơ dịch hại đối với dừa tươi và làm căn cứ cho việc ký nghị định thư. Trong đợt kiểm tra lần này, Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ tập trung kiểm tra hệ thống kiểm soát và phòng chống sinh vật gây hại trên dừa tại các vùng trồng và cơ sở đóng gói; quy trình đăng ký vườn trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu". Hiện dừa tươi VN có sản lượng lớn trong khi giá bán còn thấp, khi Trung Quốc mở cửa sẽ mang lại tiềm năng lớn cho mặt hàng này.
Trong Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực đến năm 2025 và 2030, Bộ NN-PTNT đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu rau quả sẽ đạt 5 tỉ USD vào năm 2025. Tuy nhiên, theo Hiệp hội Rau quả VN, nếu giữ vững tốc độ xuất khẩu như hiện tại thì con số 5 tỉ USD sẽ đạt được trong năm nay, sớm hơn 2 năm so với mục tiêu đề ra
Theo thống kê của Tổ chức Nông Lương LHQ (FAO), xuất khẩu trái bơ toàn cầu được dự báo đạt 3,9 triệu tấn, trị giá 8,3 tỉ USD vào năm 2030, đưa bơ trở thành mặt hàng trái cây nhiệt đới có giá trị nhất. Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) được dự báo là những thị trường nhập khẩu bơ chính vào năm 2030, với lượng nhập khẩu chiếm hơn 70% tổng lượng trái bơ nhập khẩu toàn cầu. Nhu cầu từ các thị trường khác như Trung Quốc và Trung Đông dự kiến cũng sẽ tăng đáng kể. Đây có thể là một trong những "cánh cửa" mới mà VN có thể tính đến để phát triển sản xuất và xuất khẩu trái bơ.
Nguồn: Xuất khẩu rau quả hướng tới mốc kỷ lục