Xuất khẩu rau quả năm 2024: Dự báo mang về 6,5 tỷ USD
Xuất khẩu rau quả hướng tới mục tiêu 7 tỷ USD trong năm 2024 Xuất khẩu rau quả năm 2024 dự báo tăng 20% |
Với những tín hiệu tích cực từ thị trường, sự đổi mới trong phương thức sản xuất, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo, năm 2024, ngành hàng rau quả tiếp tục đón nhận những kỷ lục mới, dự báo cán đich 6,5 tỷ USD và đạt mức tăng trưởng bình quân đạt 15-20% so với năm 2023.
Những tín hiệu lạc quan ngay từ đầu năm đang báo hiệu cho một năm nhiều triển vọng cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2024 |
Tín hiệu lạc quan từ đầu năm
Năm 2023 được coi là năm kỷ lục của ngành hàng rau quả khi kim ngạch xuất khẩu đạt 5,69 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm trước. Trong khi trước đó, mục tiêu ngành Nông nghiệp đề ra đối với mặt hàng rau quả năm 2024 đạt 4,5 tỷ USD, đến năm 2025 là 5 tỷ USD. Tuy nhiên, năm 2023, mục tiêu đề ra đã cán đích với kim ngạch xuất khẩu 5,69 tỷ USD, vượt 2 năm so với kế hoạch của ngành.
Phân tích những thành công này, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên cho rằng, chất lượng đã có sự chuyển dịch lớn, bảo đảm các tiêu chí vào nhiều thị trường. Bên cạnh đó là sự đa dạng trong sản phẩm với nhiều mặt hàng trái cây được thị trường thế giới ưa chuộng. Dấu ấn của ngành rau quả trong năm nay phải kể đến sầu riêng, khi năm 2023 thu về 2,3-2,4 tỷ USD. Trong khi đó, từ năm 2021 trở về trước, xuất khẩu sầu riêng chỉ khoảng hơn 200 triệu USD/năm.
Năm 2023 ghi nhận điểm sáng về sự “chiếm lĩnh” của trái cây Việt Nam ở một số thị trường lớn. Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, ngoài đột phá về mặt hàng sầu riêng thì việc mở rộng thị trường mang đến nhiều cơ hội cho mặt hàng này tăng giá. Bên cạnh thị trường Trung Quốc, thị trường Hoa Kỳ đã mở cửa cho trái bưởi, trái dừa Việt Nam. Những yếu tố này giúp việc xuất khẩu trái cây vào thị trường này tăng khoảng 30% so với năm trước. Cùng với đó, bưởi, chanh đã vào được thị trường New Zealand... góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng trưởng vượt bậc.
Việc có mặt ở hầu hết những thị trường lớn, khắt khe về chất lượng đã khẳng định vị thế trái cây Việt Nam trên thị trường thế giới, mở ra nhiều cơ hội phía trước.
Ngay từ đầu năm 2024, Việt Nam đã có 6 tấn xoài tượng xanh được xuất khẩu bằng đường hàng không sang thị trường Mỹ và Australia. Điều này mở ra cơ hội lớn khi Việt Nam là nước trồng xoài lớn thứ 13 thế giới với tổng diện tích khoảng 100.000 ha, sản lượng gần 1 triệu tấn tấn mỗi năm.
Hàng chục nghìn ha dừa đang được nông dân trồng theo hướng hữu cơ, liên kết với doanh nghiệp để vừa đáp ứng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, vừa đón đầu cơ hội từ thị trường chính ngạch Trung Quốc.
Cùng với bán trái tươi, các loại củ quả chế biến sâu cũng đang được xác định là sản phẩm xuất khẩu chủ lực. Nếu tính từ năm 2016, chỉ có vài trăm tấn khoai lang xuất khẩu thì năm nay nhờ đa dạng chế biến, cơ sở đã tăng lên 4.500 - 5.000 tấn. Duy trì và mở rộng thị phần sang thị trường Nhật Bản là mục tiêu đặt ra.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành hàng rau quả có đủ tiềm năng để có thể đạt kỷ mục mới là 6,5 tỷ USD trong năm nay.
Giải pháp tăng thị phần tại các thị trường lớn
Nông sản Việt hiện đã có mặt ở thị trường 190 quốc gia, nhưng với những thị trường lớn, thị phần còn khá khiêm tốn. Đơn cử như Trung Quốc, đến nay nông sản Việt mới chỉ chiếm 5% trong tổng sản lượng nông sản nhập khẩu của đất nước 1,4 tỷ dân này. Điều này đặt ra bài toán cho năm nay là làm sao để vừa giữ vững thị trường, vừa tăng thị phần, giá trị ở những phân khúc mà Việt Nam có thế mạnh.
Sau thành công của sầu riêng tươi, năm nay sầu riêng đông lạnh sẽ là đích đến tiếp theo. Việt Nam hiện đã hoàn thành thủ tục, hồ sơ và sẽ được thị trường Trung Quốc cấp phép nhập khẩu trong đầu năm nay. Dự kiến, tổng kim ngạch xuất khẩu sầu riêng sẽ tăng thêm 30% nhờ mặt hàng này.
Chia sẻ với báo chí, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Ngô Xuân Nam, cho biết "Các sản phẩm sơ chế chế biến đòi hỏi thiết kế nhà máy an toàn thực phẩm, phải đảm bảo thiết kế một chiều, không lây nhiễm chéo từ khâu nhập vào, đến khâu chế biến, lưu kho, xuất khẩu.
Nếu có sự chuẩn bị tốt, các mặt hàng nông sản tỷ USD của Việt Nam đều khá lạc quan trong năm 2024. Tuy nhiên, mục tiêu trở thành nhà cung ứng hàng xuất khẩu nông sản ngày càng chất lượng vẫn đang cần những nỗ lực và thay đổi.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, ông Đỗ Thanh Hải, nhận định "năm 2023, sản phẩm gạo đạt được mức giá kỷ lục, nhưng đó là nhờ vào thị trường nhiều hơn là thương hiệu. Vì vậy, chúng ta cần xây dựng thương hiệu truy xuất nguồn gốc cũng rất cần thiết. Không chỉ EU, Nhật Bản yêu cầu mà cả Trung Quốc và các nước Đông Nam Á cũng đang quan tâm", ông Đỗ Thanh Hải,.
Trong bối cảnh cạnh tranh hiện nay, vị trí nhất, nhì về sản lượng đã không còn nhiều tác động, mà thị trường đang cần những sản phẩm có giá trị về chất lượng. Sản xuất nông sản không phá rừng, nông sản carbon thấp... sẽ là hướng đi để tăng giá trị và thương hiệu cho Việt Nam.
Nguồn:Xuất khẩu rau quả năm 2024: Dự báo mang về 6,5 tỷ USD