2022 – năm của thiên tai hoành hành trên toàn cầu
Châu Á thiệt hại kinh tế nghiêm trọng do thiên tai khắc nghiệt gia tăng Chủ động ứng phó gió mạnh trên biển |
Năm 2022 sắp đi qua. Nhìn lại một năm thế giới đầy sóng gió với quá nhiều sự kiện, người ta thấy rằng 2022 là một năm của thiên tai, khi hầu hết các khu vực trên khắp hành tinh đều phải chịu tổn thất do bão lũ, nắng nóng, hạn hán và cháy rừng.
Cuộc chiến chống biến đổi khí hậu đã đạt được một số tiến triển quan trọng trong năm nay. Đặc biệt, nhiều dự luật mới tại Mỹ và châu Âu được thông qua. Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP27) tại thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập) vào tháng trước cũng đạt nhất trí về một thỏa thuận nhằm giúp các nước dễ bị tổn thương đối phó với những tác động ngày càng gia tăng của biến đổi khí hậu.
Tuy nhiên, mục tiêu hạn chế tăng nhiệt toàn cầu ở mức an toàn tức là tăng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp dường như ngày càng xa vời. Trong năm nay, lượng khí thải CO2 từ nhiên liệu hóa thạch, tác nhân chính gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu, đang tiến tới mức cao nhất trong lịch sử. Tại hội nghị COP27 vừa qua, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres cảnh báo nhân loại phải đối mặt với một lựa chọn khó khăn là hợp tác với nhau trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu hay "cuộc tự sát tập thể".
Siêu bão Hinnamnor đổ bộ vào Hàn Quốc ngày 6/9. Sóng ập vào con đường ven biển ở Busan, Hàn Quốc (Nguồn: Yonhap) |
Nhà khoa học khí hậu và là người đứng đầu Viện Pierre-Simon Laplace của Pháp, ông Robert Vautard, nói: “Các đợt nắng nóng kỷ lục tàn phá mùa màng từ châu Á đến châu Âu, trong khi hạn hán khiến hàng triệu người tại Vùng Sừng châu Phi rơi vào cảnh thiếu ăn. Lũ lụt do biến đổi khí hậu gây ra đã khiến hơn 30% diện tích Pakistan ngập trong nước, ảnh hưởng đến 33 triệu người và gây thiệt hại kinh tế khoảng 30 tỷ USD. Những trận bão dữ dội tấn công Philippine, Mỹ; Thủ đô Seoul của Hàn Quốc bị ngập lụt... Tất cả đã cho thấy năm 2022 là năm của thiên tai hoành hành”
Ông cũng cho rằng năm 2022 sẽ là một trong những năm nóng nhất trên Trái đất khi tất cả các hiện tượng thời tiết đi kèm với nhiệt độ cao hơn và “đây mới chỉ là bắt đầu".
Năm nay đang tiến tới trở thành năm nóng thứ 5 hoặc thứ 6 trong lịch sử dù có ảnh hưởng của hiện tượng La Nina từ năm 2020. Chuyên gia này cảnh báo khi hiện tượng này chấm dứt, khả năng trong vài tháng tới, nhiệt độ của Trái đất có thể sẽ tăng lên một mức mới. Rất có thể năm 2023 sẽ chứng kiến những cột mốc quan trọng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Khi năm 2022 đang trôi về những ngày cuối, bà Laurence Tubiana - Giám đốc điều hành Quỹ khí hậu châu Âu đã “điểm lại” những thảm họa thiên nhiên. Tại Trung Quốc, đó là trận động đất mạnh 6,8 độ Richter tại huyên Lôi Định, tỉnh Tứ Xuyên. Nắng nóng khiến nhiều diện tích đất trồng trọt hoang hóa. Cùng đó, mưa lũ kéo dài ở miền nam Trung Quốc cũng ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất và cuộc sống của người dân.
Còn tại Pakistan, có tới 30% diện tích chìm dưới biển nước khi quốc gia này phải đối mặt với trận lũ lụt tồi tệ nhất trong lịch sử mà nguyên nhân là do mưa lớn. Các đợt mưa kéo dài lê thê từ giữa tháng 6 cho đến cuối tháng 8 đã khiến hơn 1.300 người dân Pakistan thiệt mạng, hơn 1.200 người bị thương. Thiệt hại do mưa lũ ước tính hơn 10 tỷ USD. Trong khi đó, Quỹ nhi đồng LHQ cảnh báo khoảng 3 triệu trẻ em tại Pakistan cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp do nguy cơ gia tăng các bệnh lây truyền qua đường nước, đuối nước và suy dinh dưỡng.
Tương tự, tại Sri Lanka, mưa lũ đã khiến hàng chục nghìn người phải rời bỏ nhà cửa. Tuần lễ đầu tháng 9, siêu bão Hinnamnor đổ bộ vào đảo Geoje, nam Gyeongsang (Hàn Quốc). Đây là cơn bão thứ 11 đổ bộ vào nước này kể từ đầu năm, có sức gió tối đa vùng tâm bão lên tới 49m/s, cấp siêu bão (tương đương cấp 14-15).
Trong khi đó, trái ngược với hình thái mưa bão, nhiều quốc gia lại phải chịu cảnh nắng nóng cùng với cháy rừng. Theo cơ quan khí tượng Hungary, mùa hè năm 2022 là mùa hè nóng nhất ở nước này kể từ năm 1901. Với 5 đợt nắng nóng kể từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 8, nhiều khu vực ở Hungary nền nhiệt hầu như liên tục ở ngưỡng trên dưới 40 độ C.
Nhìn chung, mùa hè năm 2022 là mùa hè lịch sử đối với hầu hết các quốc gia châu Âu khi nắng nóng liên tục kéo dài. Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Italy... ghi nhận nền nhiệt kỷ lục trong vòng 100 năm. Nước các dòng sông lớn ở Italy, Đức, Pháp cạn kiệt do quá ít mưa. Những cánh rừng trở nên khô nỏ và bốc cháy. Tại Kazakhstan, một đám cháy bùng phát đầu tháng 9 đã thiêu trụi 428 km2 rừng ở tỉnh Kostanay. Cùng thời điểm, khu vực núi Brocken (Đức) cháy rừng bùng phát và nhanh chóng lan rộng, 130 ha rừng bị “biến mất” chỉ trong vài giờ.
Tại Mỹ, ngay từ đầu tháng 9, nhiệt độ tại thung lũng trung tâm của bang California lên tới 42,7 độ C. Nắng nóng dữ dội khiến Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ đã phải kêu gọi người dân ở trong nhà để tránh say nắng. Nắng nóng và khô hạn đã biến California thành “hỏa ngục”, hơn 10.000 người phải sơ tán khẩn cấp. Theo Cục Lâm nghiệp và phòng cháy chữa cháy bang California, đám cháy có tên “Oak" đã thiêu rụi 5.780ha rừng ở hạt Mariposa nằm rìa bên ngoài công viên quốc gia Yosemite.
Cuối tháng 9/2022, bão Ian đã tàn phá bang Florida của Mỹ. Đây là một trong những cơn bão mạnh nhất trong lịch sử nước này, với sức gió duy trì tối đa ở mức 240km/h, mang theo lượng mưa lên tới 610mm và triều cường cao tới 5,5m. Trận bão đã khiến 2,5 triệu người dân sinh sống tại các vùng ven biển phải sơ tán, làm ảnh hưởng đến hàng triệu người tại các bang Florida, Georgia và bang Nam Carolina.
Giám đốc Cơ quan thời tiết quốc gia Mỹ, Ken Graham, cho biết: "Trận bão này là trận bão lịch sử mà chúng ta còn phải nói đến trong nhiều năm tới, cũng như nhân loại còn phải nhắc đến năm 2022 như một năm nhiều thảm họa thiên nhiên bậc nhất”
Theo Tổ chức khí tượng thế giới (WMO), thiệt hại do hạn hán, lũ lụt và lở đất đã tăng vọt ở châu Á và châu Âu trong năm 2022, với hơn 100 vụ, trong đó 82% là lũ lụt và mưa bão. Tổng thiệt hại kinh tế ước chừng 45 tỷ USD. WMO nhấn mạnh mức độ ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với đời sống con người ngày càng tăng, kéo giảm sự phát triển bền vững.
Bà Armida Salsiah Alisjahbana - Thư ký điều hành của Ủy ban kinh tế và xã hội LHQ khu vực châu Á - Thái Bình dương (ESCAP) cho rằng, trước những tác hại ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết cực đoan, các quốc gia cần tăng cường hệ thống cảnh báo sớm, xây dựng cơ sở hạ tầng linh hoạt, cải tiến trong quản lý tài nguyên nước và sản xuất cây trồng nông nghiệp trên vùng đất khô hạn. Tính mạng người dân trong vùng có khả năng xảy ra thiên tai phải được đặt lên hàng đầu.
Nguồn: 2022 – năm của thiên tai hoành hành trên toàn cầu