Bắc Kạn nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp
Sớm làm rõ nguyên nhân ốc nuôi chết hàng loạt ở Bắc Kạn Bắc Kạn hướng tới bán tín chỉ carbon, điện sinh khối và du lịch |
Thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XII nhiệm kỳ 2020 - 2025, tháng 4/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển KTTT, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025 và Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 về phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Tạo động lực cho phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực KTTT trên địa bàn tỉnh (Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND); Nghị quyết số 08/2022/NQ-HĐND ngày 19/7/2022 quy định một số cơ chế triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 …
Trên cơ sở đó, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1253/QĐ-UBND ngày 11/7/2022 hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực KTTT trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn theo Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND, trong đó tập trung vào 3 nhóm chính sách chính: Chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; Chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực KTTT.
Tháng 9/2022, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1750/QĐ-UBND hướng dẫn thực hiện hoạt động hỗ trợ hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021 - 2025, trong đó bao gồm quy định và hướng dẫn các nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành và UBND cấp huyện, xã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, tổ chức thực hiện và kiểm tra tình hình thực hiện trên địa bàn; phê duyệt các ngành hàng, sản phẩm chủ lực cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ; phê duyệt hỗ trợ các dự án liên kết sản xuất…
Tổ hợp tác Chè Bản Dao, xã Đôn phong, huyện Bạch Thông thu hái chè. |
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 371 hợp tác xã, với 3.713 thành viên, tổng vốn điều lệ 535.724 triệu đồng, (trong đó có 316 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Doanh thu bình quân của HTX đạt khoảng 800 triệu đồng/HTX/năm; bình quân thu nhập của thành viên đạt 59 triệu đồng/người/năm. Những kết quả này góp phần tích cực vào giải quyết việc làm, đóng góp cho tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm ưu thế và có hoạt động ổn định, từng bước khẳng định và giữ vai trò nền tảng trong tổ chức lại sản xuất ở nông thôn. Quy mô hoạt động sản xuất kinh doanh các HTX ngày càng mở rộng, nhiều mô hình HTX hoạt động kinh doanh có hiệu quả, sản xuất hàng hóa phù hợp với nhu cầu của thị trường, từng bước khẳng định vai trò của khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã trong phát triển kinh tế của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện một số mô hình HTX hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị công nghệ cao, cụ thể như: Mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng của HTX công nghệ cao Thành Đạt (Ngân Sơn); HTX Nông nghiệp Thanh Niên Như Cố (Chợ Mới); HTX Đại Hà (Bạch Thông); HTX Dương Quang (thành phố Bắc Kạn)... Bên cạnh đó là các mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả theo phương thức sản xuất gắn với chuỗi giá trị như: HTX Nông nghiệp Tân Thành, thành phố Bắc Kạn; HTX Thiên An (Bạch Thông); HTX rượu men lá Thanh Tâm (Chợ Đồn); HTX Tài Hoan (Na Rì)... từ nguồn ngân sách và nguồn vay ưu đãi từ các quỹ, tỉnh đã hỗ trợ cho 104 hợp tác xã với số kinh phí hơn 13 tỷ đồng.
Bắc Kạn đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ các HTX nâng cao hiệu quả sản xuất. Trong đó, về đầu tư công nghệ, Bắc Kạn đã hỗ trợ 2,1 tỷ đồng cho 7 hợp tác xã thực hiện mô hình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Hỗ trợ hơn 24 tỷ đồng thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị cho 122 hợp tác xã. Hỗ trợ hơn 31 tỷ đồng đầu tư kết cấu hạ tầng cho 14 hợp tác xã. Tỉnh cũng rà soát, tổng hợp nhu cầu kinh phí hỗ trợ hạ tầng của 90 hợp tác xã nông nghiệp (dự kiến 249 tỷ đồng), lập chủ trương đầu tư báo cáo trình cấp có thẩm quyền xem xét, cân đối bố trí kinh phí thực hiện.
Tỉnh hỗ trợ hơn 3,8 tỷ đồng cho 14 hợp tác xã xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới, sản xuất gắn với chuỗi giá trị; cấp hơn 332 triệu đồng hỗ trợ bảo hiểm cho 21 hợp tác xã sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số tại khu vực miền núi, đặc biệt khó khăn; hỗ trợ 500 triệu đồng cho 1 hợp tác xã đầu tư xây dựng điểm trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ nông sản. Thông qua chương trình khuyến công, tỉnh hỗ trợ hơn 1,6 tỷ đồng cho 14 hợp tác xã ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…
Nhờ được hỗ trợ, các hợp tác xã đã hoạt động hiệu quả với doanh thu tăng bình quân 180%, lợi nhuận tăng 150%, thu nhập tăng 200% so năm 2016. Toàn tỉnh có 181 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 1 sản phẩm đạt 5 sao cấp quốc gia, đều là các sản phẩm liên kết sản xuất giữa hợp tác xã với nông dân. Đặc biệt, có hai hợp tác xã ở vùng cao đã xuất khẩu được sản phẩm sang Nhật Bản và châu Âu.
Tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ về công nghệ để nâng cao chất lượng sản xuất tại các HTX trên địa bàn. |
Tỉnh Bắc Kạn đặt mục tiêu đến năm 2025, số lượng HTX nông nghiệp đạt loại tốt, khá chiếm từ 60% trở lên trong tổng số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Xây dựng ít nhất 5 mô hình HTX nông nghiệp điển hình hoạt động hiệu quả, có nhiều thành viên tham gia; thu nhập bình quân của các HTX đạt từ 6 triệu đồng/người/tháng; phù hợp với điều kiện, yêu cầu sản xuất kinh doanh ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh. Mở rộng số lượng thành viên, quy mô kinh doanh, thông qua các hình thức liên kết, hợp tác giữa các HTX; vận động các hộ nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia thành viên HTX nông nghiệp.
Đồng thời, giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích sản xuất nông nghiệp tăng ít nhất 10%; doanh thu tăng ít nhất 20%; khoảng 35% HTX nông nghiệp có liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phấn đấu có trên 15% số HTX nông nghiệp trở lên trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ cao, áp dụng biện pháp thực hành nông nghiệp tốt (GAP), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức.
Để triển khai hiệu quả các mục tiêu trên, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành chức năng, các địa phương tập trung xây dựng mô hình HTX nông nghiệp phát triển bền vững, hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng lĩnh vực, ngành hàng, sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh; rà soát, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kịp thời đề xuất, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển HTX nông nghiệp; tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng cho phát triển bền vững HTX nông nghiệp; đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực quản trị cho cán bộ quản lý, thành viên HTX nông nghiệp; đẩy mạnh thu hút đầu tư, hỗ trợ phát triển HTX nông nghiệp; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và hỗ trợ phát triển các HTX nông nghiệp...
Nguồn:Bắc Kạn nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác xã nông nghiệp