"Báu vật thoát nghèo" giúp nông dân lãi đậm dịp Tết Nguyên đán
Lào Cai bảo đảm cung ứng hàng hóa cho thị trường Tết Nguyên đán 2024 Đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024 |
Xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) là một trong những địa phương có diện tích trồng cây trà hoa vàng lớn nhất vùng.
Tại đây, không ít thì nhiều, gia đình nào cũng có một khoảng đất để trồng loại cây này. Sở dĩ, trà hoa vàng được người dân coi như báu vật bởi nó đem lại giá trị kinh tế cao. Mặt khác, địa hình đồi núi rất thích hợp cho cây sinh trưởng và phát triển mà ít tốn công chăm sóc.
Là hộ dân có diện tích trồng trà hoa vàng thuộc diện lớn nhất vùng, gia đình ông Đàm Văn Cường (65 tuổi, thôn Khe Lọng Ngoài, xã Thanh Sơn) có khoảng 5.000 cây trà trồng trên diện tích 2,5ha đất đồi.
Cũng theo ông Cường, cây trà hoa vàng sau 5 năm trồng sẽ cho hoa. Để hoa đạt chất lượng cao nhất, cây phải có tuổi đời từ 8 đến 10 năm.
Vụ thu hoạch trà hoa vàng bắt đầu từ thời điểm gần Tết Nguyên đán kéo dài tới tháng 3 Âm lịch.
Để có được những bông trà loại 1, người dân phải hái vào các thời điểm khác nhau trong ngày, như 6 đến 8h sáng và cuối giờ chiều.
"Gần Tết Nguyên đán hàng năm là thời điểm chính vụ, tất cả mọi người trong gia đình tôi và nhân công thuê bên ngoài tất bật thu hái hoa, kể cả vào ban đêm. Giá trà hoa vàng hiện khoảng 500.000 đồng/kg tươi và 15 triệu đồng/kg khô. Thời điểm này có bao nhiêu trà hoa vàng là thương lái mua hết", ông Cường cho biết.
Chị Phoòng Thị Dân (cháu ông Cường) những ngày gần đây cũng luôn chân luôn tay thu hoạch trà hoa vàng. Chị Dân chia sẻ, ngày thường chị hái được 7kg hoa, nhưng thời điểm cận Tết số lượng lên tới khoảng 20 kg/ngày.
Chủ tịch UBND xã Thanh Sơn ông Phạm Thế Hiền thông tin, thời điểm này đang trong vụ thu hoạch, trung bình mỗi hộ dân trồng trà hoa vàng mỗi ngày hái được khoảng 8 đến 10kg. Số lượng sẽ tăng dần vào thời điểm cận kề Tết Nguyên đán.
"Do khan hiếm trà hoa vàng thời điểm gần Tết Nguyên đán nên thương lái túc trực ở vườn để mua luôn sau khi người dân hái xong. Bình quân mỗi hộ trồng trà hoa vàng thu nhập khoảng 5 triệu đồng/ngày, những hộ gia dân trồng nhiều và phải thuê nhân công thì sẽ thu nhập nhiều hơn", ông Hiền nói.
Theo thông tin từ UBND huyện Ba Chẽ, trước đây trà hoa vàng là loại cây sống tự nhiên trong rừng, sau khi nhận thấy công dụng của hoa bà con đã mở rộng vùng trồng làm mô hình phát triển kinh tế.
Tại huyện Ba Chẽ có khoảng 150ha trồng cây trà hoa vàng, tập trung ở các xã trên địa bàn. Hiện có khoảng 100ha đủ điều kiện cho thu hoạch, đáp ứng nhu cầu của người dân trong dịp Tết Giáp Thìn 2024.
Trà hoa vàng có tên khoa học là Camellia chrysantha và được mệnh danh là nữ hoàng của các loại trà và được đánh giá cao bởi giá trị dinh dưỡng mang lại.
Trong trà hoa vàng có các chất với công dụng làm chậm quá trình lão hoá, tăng cường sức khỏe tim mạch, hạ đường huyết, thanh lọc cơ thể, giải độc gan, giải toả căng thẳng và chữa mất ngủ kinh niên.
Nguồn: 'Báu vật thoát nghèo' giúp nông dân lãi đậm dịp Tết Nguyên đán