Biến đổi khí hậu tác động như thế nào đến từng quốc gia trên thế giới?
Tìm giải pháp thu hút tài chính hỗ trợ Việt Nam chuyển đổi năng lượng, thích ứng với biến đổi khí hậu Thách thức của biến đổi khí hậu đối với tài nguyên rừng |
Sóng nhiệt có thể tấn công Đông Nam Á vào năm 2100 |
Vào tháng 2, cơ quan chuyên nghiên cứu các vấn đề khí tượng học của Liên Hợp Quốc đã công bố một báo cáo quan trọng về việc thích ứng với một thế giới ấm hơn, và nêu chi tiết nỗ lực này sẽ khác nhau như thế nào ở mỗi nơi. Báo cáo của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết, trong khi một số quốc gia sẽ xảy ra tình trạng băng tan hoặc đường bờ biển dâng cao, những quốc gia khác sẽ phải đối mặt với cháy rừng và nắng nóng khắc nghiệt.
Điều này sẽ đòi hỏi phải có các khoản đầu tư và giải pháp khác nhau. Dưới đây là một số tình huống mà biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến các quốc gia trong mỗi khu vực.
CHÂU Á
Báo cáo cho biết, các quốc gia ở quanh dãy núi Himalaya, như Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal và Pakistan, có thể phải đối mặt với lũ quét. Khi băng tan, nước có thể đọng lại sau các rặng núi đá tạo thành hồ. Và khi những tảng đá đó không chịu được nữa, nước sẽ tràn xuống - gây nguy hiểm cho những người dân miền núi sống ở hạ lưu.
Xa hơn về phía nam, muỗi có khả năng mang các bệnh như sốt xuất huyết và sốt rét có thể sẽ lây lan đến các khu vực mới của châu Á cận nhiệt đới do nhiệt độ ấm hơn và mưa lớn. Và hàng trăm triệu người sẽ di chuyển đến nơi khác. Vào tháng 9, một báo cáo của Ngân hàng Thế giới cảnh báo rằng các tác động của khí hậu, bao gồm khan hiếm nước và sản lượng nông nghiệp giảm, có thể buộc khoảng 216 triệu người trong nước phải di cư vào năm 2050.
Biểu đồ mô tả nhiệt độ trái đất thay đổi trong 50 năm qua |
CHÂU PHI
Sống trên lục địa nóng nhất thế giới, người châu Phi có nguy cơ bị stress nhiệt đặc biệt cao. Theo IPCC, nếu hiện tượng nóng lên toàn cầu vượt quá mức 1,5°C (2,7°F) so với mức thời kỳ tiền công nghiệp, thì cứ 100.000 người sẽ có ít nhất 15 người chết mỗi năm vì nắng nóng khắc nghiệt.
Trong thế kỷ 21, dân số châu Phi có khả năng tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác và nhiều người sẽ kéo tới sinh sống ở các thành phố ven biển. Đến năm 2060, người ta dự đoán rằng hơn 200 triệu người ở châu Phi sẽ dễ bị ảnh hưởng bởi mực nước biển dâng.
Thủ đô ven biển của Nigeria, Lagos, đang trên đà trở thành thành phố đông dân nhất thế giới vào năm 2100. Sự gia tăng dân số trên lục địa cũng có thể làm tăng sự khan hiếm tài nguyên.
TRUNG VÀ NAM MỸ
Rừng nhiệt đới Amazon và hàng ngàn loài động thực vật sinh sống tại đây rất dễ bị tổn thương do hạn hán và cháy rừng, càng trở nên tồi tệ hơn do những người nông dân phát quang cây cối để làm nông nghiệp.
Hạn hán, bão và lũ lụt sẽ trở nên tồi tệ hơn ở các khu vực của dãy núi Andes, phía đông bắc Brazil và một số vùng của Trung Mỹ. Cùng với bất ổn địa chính trị và kinh tế, những tác động này có thể dẫn đến làn sóng di cư.
Các bệnh lây lan do muỗi, như zika, chikungunya và sốt xuất huyết có thể khiến nhiều người bị bệnh hơn.
CHÂU ÂU
Đợt nắng nóng mùa hè 2019 chỉ là một cái nhìn thoáng qua về những gì sẽ xảy ra đối với châu Âu nếu sự nóng lên đạt 3°C. Ở nhiệt độ như vậy, các trường hợp stress nhiệt và tử vong do nắng nóng sẽ tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba lần so với 1,5°C.
“Có những giới hạn đối với tiềm năng thích ứng của con người và hệ thống y tế hiện có”, báo cáo của IPCC cho biết.
Thiệt hại do lũ lụt ven biển dự kiến sẽ tăng ít nhất gấp 10 lần vào cuối thế kỷ này.
Mặc dù châu Âu giàu có, nhưng các biện pháp thích ứng hiện tại là không phù hợp. Các nhà khoa học dự đoán những trường hợp tử vong liên quan đến nắng nóng, mất mùa và phân bổ lượng nước trong thời kỳ hạn hán ở Nam Âu trong những thập kỷ tới sẽ tiếp tục xảy ra.
BẮC MỸ
Các vụ cháy rừng lớn sẽ tiếp tục xảy ra và làm bầu trời ở miền Tây Hoa Kỳ và Canada trở nên tối đen, điều này phá hủy thiên nhiên và sinh kế, đồng thời gây ô nhiễm không khí và nước.
Ngay cả khi sự nóng lên toàn cầu được duy trì ở mức 1,5°C, nhiều vùng của Hoa Kỳ sẽ có nguy cơ cao hứng chịu các trận bão và cuồng phong nghiêm trọng, ngoài lũ lụt từ mực nước biển dâng và triều cường.
Hôm thứ Hai (14/11), báo cáo Đánh giá Khí hậu Quốc gia lần thứ năm của Mỹ cảnh báo rằng những sự kiện này sẽ đe dọa “những thứ mà người Mỹ coi trọng nhất”, chẳng hạn như nhà ở an toàn, gia đình khỏe mạnh, các dịch vụ công cộng và nền kinh tế bền vững. IPCC cũng cho biết những tác động khí hậu như vậy sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và thương mại quốc tế.
Và ở Bắc Cực, băng tan, nhiệt độ nóng lên và lớp băng vĩnh cửu tan dần sẽ đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng. Trong một báo cáo mới được công bố hôm thứ Hai, các nhà khoa học dự đoán rằng băng biển mùa hè sẽ biến mất hoàn toàn vào năm 2030.
ÚC
Rạn san hô Great Barrier và rừng tảo bẹ ở Úc sẽ đạt đến giới hạn thích nghi trên 1,5°C nhờ trải qua những thay đổi do sóng nhiệt biển. Theo IPCC, doanh thu từ du lịch sẽ giảm mạnh.
Các đám cháy sẽ gây thiệt hại cho miền nam và miền đông nước Úc và các vùng của New Zealand. Và khi các khu rừng của Úc khô cạn, các rừng cây bạch đàn phía bắc phần lớn sẽ sụp đổ.
Nguồn:COP27:Biến đổi khí hậu tác động như thế nào đến từng quốc gia trên thế giới?