Bình Định: Mở hướng thành lập vườn quốc gia đầu tiên của Bình Định
Bình Định: Phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ thu gom chất thải rắn đô thị đạt 90% Bình Định: Hoài Nhơn bàn giao mặt bằng thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam |
Dự án Điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loài động vật, thực vật đặc hữu, có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn do Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT) phối hợp với Viện Sinh thái học miền Nam thực hiện từ tháng 11.2021 - 4.2022.
TS Nguyễn Việt Cường, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, cho biết: Dự án nhằm đánh giá hiện trạng đa dạng sinh học, xây dựng cơ sở dữ liệu và đề xuất các giải pháp bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Đây là cơ sở quan trọng để hướng tới việc thành lập Vườn quốc gia An Toàn trong tương lai.
Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn có hệ sinh thái rừng tự nhiên trải rộng trên diện tích khoảng hơn 22.000 ha, tiếp giáp với các huyện Vĩnh Thạnh, Hoài Ân và các tỉnh Gia Lai, Quảng Ngãi; độ che phủ rừng tự nhiên đạt 95,53%. Hệ sinh thái rừng đặc trưng của vùng Nam Trung Bộ và Tây Nguyên ở đây còn tương đối nguyên vẹn, được Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. Hơn nữa, nhiều năm qua tỉnh Bình Định cũng có nhiều chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số bản địa ổn định sinh kế (khoán bảo vệ rừng; hỗ trợ khoanh nuôi, tái sinh cây mây rừng để khai thác bền vững; cho bà con khai thác lâm sản dưới tán rừng…), nhờ đó, hệ sinh thái rừng đặc trưng nơi đây được bảo vệ tốt, ít bị tác động từ bên ngoài.
Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn với hệ sinh thái rừng đặc trưng được quản lý, bảo vệ nghiêm ngặt. Ảnh: NGỌC NHUẬN |
Ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban Quản lý rừng đặc dụng An Toàn, cho hay: “UBND tỉnh cũng đã phê duyệt đề cương kỹ thuật xây dựng phương án quản lý rừng bền vững của đơn vị trong giai đoạn 2021 - 2030. Đây là cơ sở để chúng tôi tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý rừng bền vững về kinh tế, môi trường và xã hội. Từ đó, đảm bảo sử dụng rừng lâu dài, liên tục và duy trì được khả năng phòng hộ môi trường, tính đa dạng sinh học; thực hiện các nghĩa vụ đóng góp, duy trì mối quan hệ tốt với cộng đồng”.
Đến nay, Dự án đã hoàn thành các mục tiêu và sản phẩm đã đề ra. Sở TN&MT cũng đã tổ chức báo cáo nghiệm thu dự án, gửi văn bản để lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan, các địa phương để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
Bà Hà Thị Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Kết quả thực hiện Dự án có thể dùng làm bước đệm để xây dựng kế hoạch các nghiên cứu khác sau này. Sở TN&MT cũng đề nghị đơn vị tư vấn hoàn thiện dự án. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh đề xuất Trung ương thành lập Vườn quốc gia An Toàn - vườn quốc gia đầu tiên ở Bình Định trong tương lai, nhằm nâng tầm công tác bảo tồn hệ sinh thái đặc trưng, phục vụ nghiên cứu khoa học, phát triển du lịch sinh thái…
Dự án Điều tra, thống kê định kỳ các hệ sinh thái, các loài động vật, thực vật đặc hữu, có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang có nguy cơ tuyệt chủng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên An Toàn đã ghi nhận có 739 loài thực vật thuộc 419 chi, 133 họ, bổ sung 194 loài thực vật thuộc 156 chi và 84 họ vào danh mục; 343 loài động vật có xương sống ở cạn (40 loài lưỡng cư, 54 loài bò sát, 164 loài chim và 85 loài thú), bổ sung 12 loài lưỡng cư, 7 loài bò sát, 21 loài chim và 1 loài thú. Đáng chú ý, lần đầu tiên ghi nhận tại đây có 11 loài côn trùng, 15 loài cá đặc hữu, có giá trị khoa học, kinh tế hoặc đang bị đe dọa tuyệt chủng; xác định thêm 5 loài thực vật, 3 loài cá ngoại lai xâm hại. Bên cạnh đó, dự án đã ghi nhận được 59 loài thực vật, 128 loài động vật nằm trong nhóm nguy cấp, quý hiếm thuộc danh lục trong Sách Đỏ Việt Nam, Sách Đỏ Liên minh Bảo tồn thiên nhiên quốc tế, Nghị định 84/2021/NĐ-CP và Công ước CITES. |
Nguồn: Mở hướng thành lập vườn quốc gia đầu tiên của Bình Định