Cần nâng cao công tác quản lý vận tải than tại Cụm cảng Mông Dương – Khe Dây
Thay đổi đơn vị quản lý các cảng vụ, bến thuỷ Hủy niêm yết gần 327 triệu cổ phiếu PHP của Cảng Hải Phòng |
Trong các năm qua mặc dù các cơ quan quản lý đã có nhiều biện pháp quyết liệt, song tình trạng xe quá khổ, quá tải vẫn hoạt động rầm rộ và có chiều hướng gia tăng là do nhiều nguyên nhân trong đó có thể kể đến các doanh nghiệp tìm mọi cách giảm chi phí đầu tư ban đầu, hạn chế số lượng xe mua vào, chở quá tải, tăng ca, tăng chuyến để cạnh tranh và giảm giá thành vận chuyển. Tiếp đó việc nhận thức về pháp luật, kỹ thuật xe và ý thức bảo đảm an toàn giao thông của nhiều chủ xe, lái xe còn yếu kém và hạn chế. Công tác tuyên truyền, quản lý, kiểm tra, giám sát và xử lý đối với hành vi chở quá tải trong nhiều năm qua còn chưa đồng bộ, nghiêm khắc. |
Cụm cảng Mông Dương - Khe Dây tại tỉnh Quảng Ninh là cụm cảng chuyên dụng để vận chuyển than bao gồm hệ thống bến cập, kho bãi, dây chuyền rót than, chuyển tải xuất khẩu than và vật tư, thiết bị phục vụ cho hoạt động khai thác than. Tổng diện tích là 2.73,5ha, trong đó diện tích thuộc phường Mông Dương là 115,3ha, diện tích thuộc phường Cửa Ông là 158,2ha.
Đây là cụm cảng được đồng bộ hệ thống kỹ thuật, phục vụ sản xuất hàng hóa than đối với các đơn vị thuộc Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng Công ty Đông Bắc.
Được biết, tại cụm cảng Khe Dây – Mông Dương, hiện có các đơn vị, doanh nghiệp đang hoạt động, gồm: Công ty Kho vận và cảng Cẩm Phả - TKV, Công ty Cổ phần đầu tư phát triển Bảo Nguyên, Công ty TNHH Hạnh Toàn, Công ty Cảng – Tổng Công ty Đông Bắc, Công ty CP tập đoàn INDEVCO, ...
Mới đây UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 296/UBND-XD6 về việc đảm bảo hoạt động khai thác, tập kết, chế biến, vận chuyển, kinh doanh than trên địa bàn tỉnh. Theo đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam; Tổng công ty Đông Bắc; Liên hiệp Khoa học, Công nghệ, Tài nguyên, Khoáng sản, Môi trường và Năng lượng chủ động bố trí nguồn lực để thực hiện khảo sát, đầu tư, lắp đặt hoặc nâng cấp hệ thống camera giám sát tại các cảng, bến tiêu thụ than do đơn vị mình quản lý đảm bảo các yêu cầu theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải. Hệ thống camera phải đảm bảo đường truyền kết nối về Trung tâm điều hành Thành phố thông minh của tỉnh để giám sát toàn diện 24/24 các hoạt động sản xuất, tiêu thụ, kinh doanh tại các cảng, bến. Thời gian hoàn thành trong quý 1/2022. |
Do đây là cụm cảng lớn, nên TKV và Tổng Công ty Đông Bắc đã đầu tư, quản lý, sử dụng tuyến đường nội mỏ chuyên dùng từ các kho mỏ về cụm cảng.
Để quản lý tuyến đường được hiệu quả, Tổng Công ty Đông Bắc đã thành lập Trung tâm quản lý đường vận tải mỏ với nhiệm vụ chính là: Tuần tra, bảo vệ tài nguyên ranh giới mỏ và kiểm soát các phương tiện vận chuyển trên các cung tuyến đường được giao quản lý; thường xuyên bảo đảm công tác vệ sinh môi trường và duy tu bảo dưỡng, sửa chữa đường vận tải mỏ tại các tuyến đường: Bàng Nâu - Bắc Cọc Sáu ra cảng Khe Dây, đường Khe Tam ra cảng Km6, đường Khe Chuối ra MB+14 Công ty Cảng; 02 tuyến cầu vượt qua quốc lộ 18.
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, trên tuyến đường Bàng Nâu – Bắc Cọc Sáu – Khe Dây, đi qua các Trạm kiểm soát số 2, Trạm kiểm soát số 3 – Đường Bắc Cọc 6 để đến cảng Khe Dây hiện đang có dấu hiệu xuống cấp, nứt vỡ.
Hầu hết các xe tải chở than qua đây đều có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở quá khổ quá tải, ảnh hưởng tới kết cấu hạ tầng đường chuyên dụng. Nhiều xe được cơi nới gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần thùng, chiều cao vượt nóc cabin xe.
|
Ngoài ra trong quá trình vận chuyển than, các xe tải thường xuyên làm rơi vãi than ra ngoài gây ô nhiễm môi trường, nguồn nước. Đặc biệt, là tuyến đường phía ngoài cổng các bãi kho than trong cụm cảng thường xuyên trong tình trạng lầy lội bùn than, trơn trượt.
Nhiều xe có dấu hiệu cơi nới thành thùng, chở quá khổ quá tải như mang các logo Vinacomin, Đèo Nai, 790, THĐ, CP. Một số xe mang các BKS như: 14G-305.19, 14C-210.59, 14C-217.24, 14H-008.01, 14C-102.72, 14H-021.92, 14H-031.89, 14KT-00427,…
Theo TKV, các xe vận chuyển than từ các kho Mỏ về nhập kho cho cảng Hóa Chất – Mông Dương, Khe Dây đều được cân bì, cân tải đầy đủ theo quy trình, các xe vận chuyển than được yêu cầu không chở quá tải, cơi nới thành thùng. Tổng số xe vận tải của Công ty KVCP là 84 xe, tổng số xe thuê ngoài là 180 xe. Hiện tượng than rơi vãi, bùn đất trên đường cơ bản đã được khắc phục; xe vận chuyển than đều có bạt che phủ, chở than không vượt thành thùng.
Tuy nhiên, khi PV đề nghị được đối chiếu biển số các xe tải chở than có dấu hiệu quá khổ, quá tải mà phóng viên đã ghi nhận được, so sánh với sổ sách quản lý của TKV thì không được đơn vị này phối hợp cung cấp.
Còn theo UBND TP Cẩm Phả cho rằng tuyến đường dẫn vào cảng Mông Dương – Khe Dây là đường chuyên dùng do Công ty Cảng – Tổng Công ty Đông Bắc quản lý vận hành. Việc duy tu, bảo dưỡng sửa chữa tuyến đường theo kế hoạch hàng năm của Công ty.
Phóng viên cũng liên hệ với Tổng Công ty Đông Bắc, tuy nhiên chưa nhận được câu trả lời chính thức nào từ đơn vị này.
Tài nguyên than ở Quảng Ninh được phân bố rộng rãi, trải dài từ TX Đông Triều đến huyện Vân Đồn, với trữ lượng rất lớn. Để đảm bảo công tác quản lý khai thác, vận chuyển, chế biến và kinh doanh khoáng sản, bảo vệ tài nguyên, môi trường, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 9/5/2019 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên than, khoáng sản trên địa bàn tỉnh”.
Cùng với đó, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã ban hành hàng loạt văn bản để quản lý, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương. Trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản được chú trọng. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện được tăng cường, là trọng tâm của tỉnh và các ngành, địa phương, đơn vị liên quan; chú trọng triển khai chỉ đạo của Tỉnh ủy, đánh giá đúng tình hình, bám sát đặc điểm của địa phương, đơn vị, phân công rõ trách nhiệm, có chỉ đạo sát thực tiễn; tổ chức thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn các hoạt động liên quan tới than, khoáng sản trái phép trên địa bàn; phát hiện xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Nguồn: Cần nâng cao công tác quản lý vận tải than tại Cụm cảng Mông Dương – Khe Dây