Chất thải thuốc lá - Nguồn gây ô nhiễm môi trường
Người dân bức xúc vì xưởng nghiền đá trái phép gây ô nhiễm môi trường Tây Ninh: “Nhận diện” các nguồn gây ô nhiễm môi trường |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ngành công nghiệp thuốc lá là nguyên nhân khiến 600 triệu cây xanh bị biến mất, chịu trách nhiệm gây ra hơn 8 triệu ca tử vong hàng năm. Việc trồng thuốc lá cũng sử dụng 200.000 ha đất và 22 tỷ tấn nước hàng năm và thải ra khoảng 84 triệu tấn CO2.
Theo chuyên gia của WHO, các sản phẩm thuốc lá là chất thải chính trên hành tinh, và chứa hơn 7.000 hóa chất độc hại, chúng xâm nhập vào môi trường của chúng ta khi bị thải bỏ. Khoảng 4,5 nghìn tỷ đầu lọc thuốc lá gây ô nhiễm đại dương, sông ngòi, vỉa hè, công viên, đất và bãi biển của chúng ta mỗi năm. Trong khi đó, một nghiên cứu cũng chỉ ra rằng lượng khí thải carbon của ngành công nghiệp phát sinh từ quá trình sản xuất, chế biến và vận chuyển thuốc lá tương đương với 1/5 lượng CO2 do ngành hàng không kinh doanh hàng năm. Điều này góp phần vào sự nóng lên toàn cầu.
Các sản phẩm như thuốc lá điếu, thuốc lá không khói và thuốc lá điện tử cũng góp phần vào việc tích tụ ô nhiễm nhựa |
Các sản phẩm như thuốc lá điếu, thuốc lá không khói và thuốc lá điện tử cũng góp phần vào việc tích tụ ô nhiễm nhựa. Đầu lọc thuốc lá chứa vi nhựa và là loại ô nhiễm nhựa cao thứ hai trên thế giới. Thực tế thuốc lá thường được trồng ở các nước đang phát triển, nơi có nhu cầu thiết yếu về nước và đất nông nghiệp để sản xuất lương thực cho khu vực. Thay vào đó, những nguồn tài nguyên này đang được sử dụng để trồng những cây thuốc lá, trong khi nạn phá rừng ngày càng nhiều.
Thêm vào đó, những chi phí cho việc làm sạch chất thải của ngành công nghiệp thuốc lá do những người nộp thuế trên khắp thế giới phải gánh chịu là rất lớn.
Tại Việt Nam, WHO ước tính, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá và nếu không có biện pháp kịp thời, đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên tới 70.000 người (gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ tại nước ta mỗi năm).
Hằng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá; Ứớc tính mỗi năm cần 18 tỷ cây xanh để làm củi sấy thuốc lá.
Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường khoảng 3.000 đến 6.000 tấn formaldehyde, từ 12.000 đến 47.000 tấn nicotine và từ 300 đến 600 triệu kg chất thải độc hại của các mẩu thuốc lá.
Các tác động môi trường của việc sử dụng thuốc lá gây thêm áp lực không cần thiết đối với các nguồn tài nguyên vốn đã khan hiếm.
Khói thuốc sản xuất ra nhiều hạt muội, yếu tố gây ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất đối với sức khỏe con người, hơn cả khói diesel.
Hút thuốc là nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm không khí trong nhà, nơi làm việc, trường học, khu vực công cộng do khói thuốc thải ra ngoài không khí hàng ngàn chất hóa học độc hại.
Hằng năm có khoảng 5% diện tích rừng bị phá để trồng cây thuốc lá và lấy gỗ để sấy thuốc lá |
Tại Việt Nam, những năm qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận: Tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung và tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm. Đặc biệt, tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà. Theo Bộ Y tế, so với năm 2015, năm 2020 tỷ lệ sử dụng hút thuốc lá chung giảm từ 22,5% năm 2015 xuống 21,7% năm 2020. Tỷ lệ nam giới hút thuốc giảm từ 45,3% năm 2015 xuống 42,3% năm 2020. Kết quả khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam do WHO thực hiện năm 2019 cho thấy, tỷ lệ hút thuốc trong học sinh trong độ tuổi 13-17 từ 5,36% năm 2013 xuống 2,78% năm 2019.
Bộ Y tế đề nghị tiếp tục thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc tại nơi làm việc tại cơ quan bộ và các cơ quan, đơn vị trong ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách với các nội dung cụ thể, như đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định cấm hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của cơ quan, đơn vị; treo biển cấm hút thuốc tại nơi làm việc; đưa tiêu chí không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào tiêu chuẩn thi đua của cán bộ, viên chức và người lao động của cơ quan, đơn vị; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá thuộc lĩnh vực của các bộ, ngành; có hình thức động viên khen thưởng các cá nhân, tổ chức thực hiện tốt công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá; đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá …
Thuốc lá là nguyên nhân gây nên nhiều bệnh tật và tử vong nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nếu mọi người thực hiện nghiêm theo những quy định của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Xây dựng môi trường không có khói thuốc lá đã được chứng minh là cách tiếp cận đơn giản, hiệu quả để dự phòng phơi nhiễm và tác hại liên quan đến thuốc lá.
Nguồn: Chất thải thuốc lá - Nguồn gây ô nhiễm môi trường