Chính phủ chưa đồng ý bỏ trần giá vé máy bay
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng môi trường xung quanh Tài chính xanh cho mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 - Khơi thông nguồn lực tạo bước đột phá |
Kiến nghị bỏ trần giá vé máy bay từng được giới chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra nhiều lần trước đây. Tuy nhiên, Chính phủ chưa đồng ý do lo ngại lợi ích người tiêu dùng.
Chính phủ vừa có báo cáo giải trình Luật Giá (sửa đổi) gửi Quốc hội để Quốc hội thảo luận Dự kiến Luật Giá (sửa đổi) lần hai tại kỳ họp khai mạc ngày 22/5.
Trong báo cáo này, nói về bỏ trần giá vé máy bay nội địa, Chính phủ cho biết Luật Hàng không dân dụng và dự thảo Luật Giá hoàn chỉnh cơ chế định giá vé máy bay tới đây được chuyển từ khung giá sang giá tối thiểu, tức bỏ quy định giá sàn. Việc này nhằm khuyến khích cạnh tranh để giảm giá dịch vụ, bảo vệ lợi ích người tiêu dùng, nhất là đối tượng có thu nhập thấp được tiếp cận các dịch vụ.
"Việc này giúp giảm chi phí xã hội cho các nhu cầu vận chuyển của người dân cũng như thúc đẩy kinh tế xã hội phát triển. Nếu tiếp tục bỏ cả giá trần sẽ dẫn đến không còn công cụ để điều tiết giá đối với dịch vụ vận chuyển hành khách hàng không nội địa", Chính phủ nhấn mạnh.
Ngoài ra, dịch vụ hàng không nội địa là dịch vụ thiết yếu, tác động tới đời sống người dân, sản xuất, kinh doanh. Nếu bỏ giá trần, các hãng sẽ đưa ra giá vé rất cao, nhất là một số tuyến cạnh tranh sẽ hạn chế vé trong giai đoạn cao điểm. Điều này có thể ảnh hưởng tới quyền lợi người tiêu dùng, tác động tiêu cực xã hội.
Chính phủ cũng cho rằng so với mức thu nhập bình quân của người dân Việt Nam hiện nay thì càng thu hẹp điều kiện để người dân được tiếp cận dịch vụ hàng không nếu trường hợp giá vé tăng cao.
Tham khảo kinh nghiệm quốc tế, Chính phủ cho biết một số nước có các biện pháp quản lý đối với dịch vụ vận tải hành khách hàng không bằng các phương thức gián tiếp hoặc trực tiếp khác nhau.
Ví dụ như Trung Quốc, Indonesia... có quy định về mức giá tối đa đối với dịch vụ này. Bên cạnh đó, cũng có những quốc gia có sự cạnh tranh cao đối với việc cung cấp dịch vụ này thì không đặt ra quy định và để thị trường tự điều tiết .
Về dài hạn, Chính phủ cho rằng khi khả năng cung ứng của vận tải hàng không đáp ứng tốt hơn yêu cầu xã hội; thị trường có sự tham gia đa dạng của nhiều nhiều hãng hàng không Việt Nam, thúc đẩy cạnh tranh thực chất bằng giá vé, chất lượng dịch vụ, hành khách được quyền lựa chọn theo nhu cầu, khả năng với mức giá hợp lý thì khi đó đề xuất bỏ quy định giá trần dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa là phù hợp.
Với việc này, nhà nước sẽ thực hiện quản lý giá dịch vụ hàng không nội địa theo cơ chế do thị trường tự điều tiết và kiểm soát giá bán của các hãng hàng không theo quy định của Luật Cạnh tranh.
"Việc dỡ bỏ dần quy định về giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa cần có lộ trình", báo cáo của Chính phủ nhấn mạnh.
Hiện tại, trần giá vé máy bay nội địa không thay đổi 8 năm nay. Khung giá cụ thể gồm: giá vé máy bay tối đa cho nhóm đường bay phát triển kinh tế - xã hội dưới 500km sẽ là 1,6 triệu đồng/lượt, nhóm đường bay khác dưới 500km là 1,7 triệu đồng/lượt; từ 500-800km, mức giá vé tối đa là 2,2 triệu đồng/lượt; từ 850km - dưới 1.000km có giá 2,79 triệu đồng; từ 1.000 - dưới 1.280km giá 3,2 triệu đồng; từ 1.280km trở lên giá 3,75 triệu đồng/vé/chiều.
Bộ Giao thông Vận tải dự kiến tăng mức trần từ quý 2 hoặc quý 3 với mức tăng trung bình 3,75% so với hiện tại.
Nguồn: Chính phủ chưa đồng ý bỏ trần giá vé máy bay