Chủ động các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô
Nâng cao hiệu quả từ phát triển nông nghiệp hữu cơ Giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp |
Thông tin từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam cho biết, dự báo, tổng lượng mưa năm 2023 khoảng 1.350 mm, chỉ cao hơn 1% so với năm 2015 (năm hạn hán khốc liệt) và thiếu hụt khoảng 13% so với trung bình nhiều năm. Theo đó, dự báo tình trạng thiếu nước ngọt tại một vùng 66.000 ha thuộc các tỉnh Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh và Sóc Trăng. Vụ lúa Đông Xuân 2023 - 2024, vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xuống giống gần 1,5 triệu ha với sản lượng dự kiến hơn 10 triệu tấn lúa.
Theo nhận định từ Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, trạng thái El Nino khả năng kéo dài đến hết năm 2023 và sang đầu năm 2024, ngoài các địa phương kể trên chịu ảnh hưởng trực tiếp của xâm nhập mặn, khô hạn có khả năng gây ảnh hưởng cho các vùng cách biển từ 30 km đến 70 km. Nếu xâm nhập mặn đến sớm và thời gian kéo dài với nồng độ mặn cao, một số vùng cặp theo sông Tiền, sông Hậu thuộc Vĩnh Long, Cần Thơ, Bến Tre và Tiền Giang có thể bị hạn mặn cục bộ cho các trà lúa và vườn cây ăn trái.
Các chuyên gia dự báo, trong các tháng mùa khô 2023 - 2024, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long khả năng đến sớm hơn, gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Dự báo, có 43.300 ha cây ăn trái ở một số địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng. Do đó, các địa phương cần lưu ý tích nước từ đầu mùa khô để sử dụng trong suốt mùa khô. Vụ Đông Xuân 2023 - 2024 cần xuống giống sớm, hết năm 2023 phải cơ bản xong.
Tỉnh Trà Vinh là tỉnh nằm cuối nguồn tiếp ngọt của Sông Hậu và giáp biển, do đó khả năng xâm nhập mặn và khô hạn sẽ tác động rất lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trong việc góp phần ngăn mặn và khô hạn trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; trong năm 2023, ngành nông nghiệp tỉnh đã và đang triển khai xây dựng, đưa vào vận hành 51 công trình cống (từ 01 - 02 cửa) và 15 trạm bơm điện (tổng công suất 2.400 m3/giờ/trạm) kết hợp kênh bê-tông, phục vụ cho diện tích khoảng 4.325ha đất nông nghiệp, của khoảng 5.500 hộ dân sản xuất chịu ảnh hưởng của khô hạn, xâm nhập mặn hiện tại cũng như tương lai sau này. Ngoài ra, các địa phương thực hiện hoàn thành 380 công trình thủy lợi nội đồng, đạt 100% kế hoạch.
Tại huyện Trà Cú (Trà Vinh) hiện có 14 công trình cống đang được triển khai ở các xã Phước Hưng, Tân Hiệp, Long Hiệp và Ngọc Biên; trong đó, các công trình ở xã Phước Hưng đã hoàn thành. Riêng các hệ thống bọng và đê bao do huyện làm chủ đầu tư đã thực hiện xong, sẵn sàng cho công tác ngăn mặn cũng như trữ ngọt tại các vùng sản xuất cuối nguồn tiếp ngọt (giáp huyện Duyên Hải)…Trên địa bàn huyện Cầu Kè, các công trình thủy lợi, đê bao, cống… nhằm ngăn triều cường, mặn xâm nhập để bảo vệ vùng cây ăn trái trên địa bàn các xã An Phú Tân, Tam Ngãi, Thông Hòa đang được triển khai thi công.
Các địa phương tại khu vực ĐBSCL chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp ứng phó linh hoạt với hạn mặn. Ảnh: TTX. |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, trước tình trạng xâm nhập mặn dự kiến xảy ra trong mùa khô năm 2023 - 2024, ngành nông nghiệp địa phương này sẽ theo dõi và kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, độ mặn trên kênh và nội đồng, thông tin thường xuyên đến người dân để ứng phó kịp thời. Để bảo vệ sản xuất của người dân các huyện phía Tây của tỉnh Tiền Giang, đặc biệt là vùng chuyên canh cây ăn trái ở các huyện phía Tây, đến nay, 6 công trình thủy lợi ngăn mặn, trữ ngọt ven sông Tiền thuộc địa bàn huyện Châu Thành và Cai Lậy đã cơ bản hoàn thành.
Trong đó, tại vùng dự án ngọt hóa Gò Công, các địa phương tiếp tục thực hiện Đề án cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng đối với diện tích lúa Thu Đông 2023 trễ vụ không thể xuống giống kịp lịch thời vụ Đông Xuân 2023 - 2024 theo khuyến cáo nhằm đảm bảo vụ Đông Xuân cắt nước trước ngày 15/02/2024; tuyên truyền, vận động Nhân dân sử dụng tiết kiệm nước; giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác và nước nhiễm bẩn vào nguồn cung cấp nước, nhằm hạn chế tình trạng gây ô nhiễm nguồn nước trong mùa khô. Tổ chức đo đạc, kiểm tra chặt chẽ diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước, mặn trên các tuyến sông và nội đồng.
Kiểm soát chặt chẽ những khu vùng trũng để có kế hoạch tiêu úng chủ động khi trữ nước; vận động Nhân dân tôn cao bờ vùng, bờ thửa đối với những khu vực trũng thấp để hạn chế ngập úng khi công trình đầu mối vận hành lấy trữ nước. Khẩn trương triển khai thi công sửa chữa các công trình cống, đập, nạo vét các tuyến kênh, rạch đã được bố trí kinh phí trong năm 2023; đồng thời chủ động bố trí nguồn ngân sách cấp huyện được phân cấp quản lý theo quy định để phục vụ cho công tác phòng, chống hạn mặn, bảo vệ sản xuất.
Để ứng phó hiệu quả với các hiện tượng cực đoan của biến đổi khí hậu, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn, tỉnh Sóc Trăng luôn chủ động trong công tác dự báo, cảnh báo, thường xuyên cập nhật và thông tin rộng rãi trên các phương tiện truyền thông về độ mặn trong ngày cho người dân nắm để linh hoạt sản xuất; đồng thời, điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, lịch mùa vụ, khuyến cáo người dân sử dụng các giống ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để sử dụng nước hiệu quả.
Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng còn quy hoạch hơn 250.000 ha để xây dựng các vùng sản xuất lúa, cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản theo sinh thái nguồn nước ngọt, nước mặn, nước lợ. Đối với vùng ven biển thường xuyên xảy ra tình trạng xâm nhập mặn thuộc các địa phương như Vĩnh Châu, Trần Đề và một phần huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng đã tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản và trồng rừng ngập mặn kết hợp nuôi thủy hải sản dưới tán rừng. Các vùng thuộc huyện Kế Sách, Long Phú, Thạnh Trị,… tỉnh Sóc Trăng tập trung phát triển diện tích lúa và cây ăn trái.
Chủ động nguồn nước tới là một trong những nhiệm vụ quan trọng để hạn chế thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp trước tình hình hạn, mặn. |
Tại tỉnh Bến Tre, công tác phòng, chống hạn mặn đang được đặt ra hàng đầu, nhất là công tác thủy lợi. Bến Tre có 2 cống đập có quy mô lớn là Bến Rớ và Tân Phú tại đầu nguồn sông Ba Lai mới xây dựng hoàn thành, có nhiệm vụ ngăn mặn xâm nhập từ sông Tiền, sông Hàm Luông và sông Ba Lai ngay mùa khô này. Dòng Ba Lai trở thành hồ chứa nước ngọt phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt cho hàng chục nghìn hộ dân các huyện Châu Thành, Giồng Trôm, Bình Đại và cả thành phố Bến Tre.
Chợ Lách là vùng chuyên canh hoa kiểng, cây giống, cây ăn trái lớn nhất của tỉnh Bến Tre thường chịu tác động của nước mặn từ sông Cổ Chiên, Hàm Luông dâng cao. Huyện đã lập kế hoạch đưa ra 4 kịch bản để ứng phó với đợt hạn mặn này. Trong đó, tập trung theo dõi thông tin, tuyên truyền, vận động người dân mặn đến phải trữ nước, ao, trên 200 m3 nước đã có hơn 100 cái, người dân đang đào thêm nữa. Huyện Chợ Lách phải tập trung đắp đập tạm, nếu thấy khó khăn có thể vận chuyển nước ngọt về.
Theo dự báo của Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang, đợt hạn mặn năm nay, toàn tỉnh có khoảng 150 ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng. Qua các đợt hạn mặn gay gắt, người dân Hậu Giang chủ động trong sản xuất và xây dựng đê bao kiên cố, hạn chế thiệt hại. Các huyện đầu nguồn như Châu Thành, Châu Thành A, Thành phố Ngã Bảy, một phần của huyện Phụng Hiệp. Khoảng 90 đến 100 ngàn héc ta bị ảnh hưởng bởi vườn cây ăn trái, nuôi trồng thủy sản và diện tích lúa Đông xuân. Các chuyện hạ nguồn như Long Mỹ, Thị xã Long Mỹ, Thành phố Vị Thanh sẽ ảnh hưởng nặng nề bởi mặn bởi hướng xâm nhập triều biển Đông, triều biển Tây. Đây là vùng ảnh hưởng có thể gay gắt ở Hậu Giang.
Chi cục Thủy lợi Hậu Giang khuyến khích người dân trong việc theo dõi diễn biến tình hình, xâm nhập mặn. Xuống giống vụ lúa Đông xuân 2023-2024 đúng theo lịch thời khuyến cáo của cơ quan chức năng cũng như chuyển đổi cây trồng phù hợp. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang cho biết, từ đầu tháng 10 ngành đã đưa ra khung lịch xuống giống vụ lúa Đông xuân 2023-2024. Theo đó, thời điểm xuống giống đợt 1 từ ngày 21 đến 27-11-2023, đối với các khu vực có đê bao khép kín và hệ thống bơm thoát nước hoàn chỉnh nhằm đảm bảo tránh được ảnh hưởng của triều cường vào các tháng cuối năm và các vùng có nguy cơ xâm nhập mặn để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của hạn, mặn, thiếu nước tưới ở cuối vụ lúa. Đợt 2 từ ngày 19 đến 25-12-2023 đối với trà lúa Đông xuân chính vụ trên địa bàn tỉnh. Đợt 3 từ ngày 17 đến 23-1-2024, đối với vùng trũng thấp, nước lũ rút chậm hàng năm gieo sạ trễ.
Để ứng phó với tình trạng xâm nhập mặn diễn ra thường xuyên ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là những nơi giáp biển, các địa phương tại đây đã chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp từ sử dụng nước ngọt sang sử dụng nước lợ, nước mặn vừa để thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Xâm nhập mặn gia tăng cũng đã thúc đẩy các cơ quan có thẩm quyền thay đổi chính sách quản lý về tài nguyên, cơ sở hạ tầng cho phù hợp. Cùng với những chính sách quản lý, khai thác tài nguyên nước, đầu tư cơ sở hạ tầng, người dân khu vực này cũng đã mạnh dạn thay đổi tập quán sản xuất để thích ứng với xâm nhập mặn bằng việc chuyển cơ cấu cây trồng trên đất lúa.
Nguồn:Chủ động các phương án bảo vệ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô