Giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp
Giảm thiểu rác thải nhựa hướng đến du lịch xanh Giải pháp nào cho bài toán giảm thiểu rác thải nhựa tại Việt Nam? |
Rác thải nhựa phát sinh từ quá trình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bao gồm các loại chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật, túi bọc hoa quả… xả thải ra môi trường đang ở mức cao và tăng theo từng năm, ảnh hưởng lớn đến đời sống và sản xuất của người dân. Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các địa phương, tổ chức và cá nhân về ảnh hưởng ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa khó phân hủy trong sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp, năm 2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025.
Sau hơn 1 năm thực hiện Đề án Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025 trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã bước đầu thu được những kết quả tích cực, được người dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao; nhận thức và hành động về thu gom, xử lý chất thải nhựa tiếp tục chuyển biến, có sự lan tỏa ở các cấp, các ngành, các địa phương, nhất là người nông dân trên địa bàn toàn tỉnh.
Công tác thu gom chất thải nguy hại từ sản xuất nông nghiệp được các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con triển khai. |
Ngay sau khi ban hành kế hoạch triển khai Đề án Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 - 2025. Xác định rõ tính cấp thiết và tầm quan trọng của Đề án các địa phương đã tập trung lãnh, chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ và linh hoạt thực hiện các giải pháp với quyết tâm giảm ô nhiễm môi trường nông thôn ngay chính trên địa phương mình. Trong đó tập trung công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về tác hại của chất thải nhựa và túi nilon gây ra đối với môi trường nói chung; chất thải nhựa là vỏ bao bì chứa đựng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), vỏ vacxin tiêm phòng cho đàn gia súc gia cầm sau sử dụng nói riêng đến bà con nông dân các thôn bản.
Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh đã thành lập mô hình “Cộng đồng tự quản thu gom bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng”, đây là mô hình hoạt động theo nhóm tự quản do trưởng thôn làm nhóm trưởng, các thành viên gồm cán bộ khuyến nông, cán bộ chi hội nông dân, phụ nữ, đoàn viên chi đoàn. Nhóm tự quản chịu trách nhiệm phụ trách khu vực, cánh đồng về việc kiểm tra, giám sát khi người dân sử dụng thuốc BVTV và yêu cầu mọi người bỏ vào các bể chứa đúng nơi quy định. Được tập huấn, nên bà con đã hiểu rõ hơn tác hại của rác thải độc hại là bao bì thuốc bảo vệ thực vật, do đó ai cũng ý thức được cần phải bỏ rác thải thuốc bảo vệ thực vật vào bể chứa để giữ môi trường sống trong sạch. Mô hình này đã phát huy hiệu quả tích cực đối với bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn, trong thời gian tới, địa phương sẽ huy động thêm nguồn lực để đầu tư xây nhiều bể chứa rác thải hơn nữa.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cũng đã triển khai Dự án “Xây dựng mô hình cộng đồng tự quản thu bao bì thuốc BVTV sau khi sử dụng”. Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện đã tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật cho người dân quy cách sử dụng thuốc BVTV an toàn theo nguyên tắc “4 đúng”. Việc xây dựng các bể chứa vỏ thuốc BVTV cũng khá hợp lý, bởi trước khi thực hiện, các thôn đều tổ chức họp dân để lựa chọn vị trí, vừa thuận lợi trong sản xuất nhưng cũng tránh xa nguồn nước, xa khu dân cư.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được, trên địa bàn các huyện, xã thiếu nhiều bể chứa, các bể lại xây dựng cách xa nhau nên chưa thuận lợi cho người dân thu gom.Việc thiếu bể chứa đang là trở ngại bởi người nông dân sau khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sẽ không biết phải thu gom chuyển đi đâu vì nơi có bể, nơi lại không. Nhiều địa phương chưa thật sự quan tâm tới việc tổ chức thu gom vỏ, bao, gói thuốc bảo vệ thực vật và tuyên truyền nâng cao ý thức trong nhân dân. Cùng với đó, kinh phí để thu gom, xử lý vỏ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật còn hạn hẹp.
Hiện toàn tỉnh Lào Cai có trên 2.000 bể thu gom vỏ bao gói thuốc bảo vệ thực vật, trong đó, nhiều nhất là huyện Bảo Thắng với 445 bể. Tuy nhiên, số lượng còn rất thấp so với nhu cầu thực tế. Qua phân tích về diện tích sản xuất cây trồng nông nghiệp thì toàn tỉnh cần đến gần 40.000 bể. Vì thế, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi người dân sản xuất về tác hại của chất thải nhựa và túi nilon gây ra đối với môi trường; đặc biệt chất thải nhựa là vỏ bao bì chứa đựng thuốc bảo vệ thực vật, vỏ vắc xin tiêm phòng cho vật nuôi...
Với việc sử dụng bao bì nilon trong canh tác, thu hoạch chuối tại huyện Mường Khương cần được kiểm soát, quản lý để hạn chế nguy cơ ô nhiễm rác thải nhựa. |
Triển khai đề án Giảm thiểu ô nhiễm môi trường do chất thải nhựa trên địa bàn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2020 – 2025, Sở NN&PTNT xây dựng tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn thu gom, phân loại, xử lý chất thải nhựa trong nông nghiệp, lâm nghiệp, chăn nuôi, thú y, thủy sản. Khuyến khích, hướng dẫn về ứng dụng các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp để hạn chế sử dụng sản phẩm nhựa (màng phủ nilon). Hướng dẫn phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa và túi ni lông khó phân hủy;
Tăng cường khuyến khích nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường. Hướng dẫn phân loại chất thải tại nguồn, thu gom, tái chế chất thải nhựa và túi nilon. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thực hiện dịch vụ, thu gom, tái chế chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy tiếp cận các công nghệ tiên tiến tái chế chất thải nhựa và túi nilon khó phân hủy trở thành các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Sở NN&PTNT Lào Cai cũng đề nghị các địa phương tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong việc phân loại từ nguồn, thu gom các chất thải từ nhựa và nilon sử dụng trong nông nghiệp như vỏ bao bì thuốc BVTV, phân bón, giống cây trồng, màng phủ nilon, vỏ túi bầu, vỏ bao bì thuốc thú y, thuốc thủy sản, thức ăn chăn nuôi, thủy sản… và những chất liệu khó phân hủy để vận chuyển đến nơi quản lý tiêu hủy, xử lý, tái chế thep quy định.
Sản xuất nông nghiệp từng bước chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng tăng trưởng và thu nhập cho nông dân. Mặc dù vậy, một vấn đề trong phát triển nông nghiệp hiện nay cần sớm được giải quyết đó là việc sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất còn rất lớn gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Qua thống kê của cơ quan chức năng, tổng lượng chất thải rắn (bao gồm chất thải nhựa) phát sinh từ trồng trọt khoảng 661,5 nghìn tấn/năm (gồm 550 nghìn tấn ni-lông, 77,49 nghìn tấn vỏ bao bì phân bón và 33,98 nghìn tấn vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật)...
Nhằm hạn chế sử dụng chất thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp, ngày 18/7/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có Quyết định số 2711/QĐ-BNN-KHCN ban hành kế hoạch giảm thiểu, thu gom, phân loại, tái sử dụng chất thải nhựa trong ngành nông nghiệp. Theo đó, mục tiêu đề ra giai đoạn 2022 đến năm 2025 trong trồng trọt giảm sử dụng tối thiểu 15% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 60% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa. Ở lĩnh vực bảo vệ thực vật giảm sử dụng tối thiểu 20% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 12% chất thải nhựa. Trong chăn nuôi giảm sử dụng tối thiểu 30% vật liệu nhựa; thu gom, phân loại được tối thiểu 80% và tái sử dụng được tối thiểu 25% chất thải nhựa…
Nguồn:Giảm thiểu rác thải nhựa trong sản xuất nông nghiệp