Chủ động kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường
Tăng cường hợp tác, huy động nguồn lực quốc tế trong bảo vệ môi trường Giải pháp nào để giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm môi trường ở Miền Trung - Tây Nguyên? |
Thông tin từ Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, chất lượng không khí tại Việt Nam có sự phân hóa theo vùng, miền và theo quy luật mùa trong năm, dưới tác động của hiện tượng nghịch nhiệt. Ô nhiễm không khí chủ yếu xuất hiện tại các đô thị lớn với thông số bụi (TSP, PM10, PM2.5) đều vượt quá Quy chuẩn Việt Nam 05:2013/BTNMT. Ðối với chất lượng môi trường nước trên các lưu vực sông chưa ghi nhận ô nhiễm kim loại và hóa chất bảo vệ thực vật. Tuy nhiên, ô nhiễm cục bộ vẫn diễn ra tại các đoạn sông chảy qua khu vực đông dân cư, khu vực sản xuất như lưu vực các sông: Cầu, Nhuệ-Ðáy, Ðồng Nai, Bắc Hưng Hải...
Ô nhiễm môi trường diễn biến phức tạp, chất lượng môi trường một số nơi suy giảm mạnh, nhất là ở các khu vực tập trung nhiều hoạt động công nghiệp; hiện tượng hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng tại một số vùng, địa phương... ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh kế của người dân, an ninh sinh thái bị đe dọa. Xác định hoạt động quan trắc, phân tích môi trường là một trong những công cụ không thể thiếu trong quản lý, bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung đầu tư, phát triển hệ thống quan trắc chất lượng môi trường từ Trung ương đến địa phương.
Hiện cả nước có gần 2.000 trạm quan trắc môi trường tự động; trong đó có hơn 1.600 trạm đang truyền số liệu về Bộ, khoảng 300 trạm đang trong giai đoạn lắp đặt, vận hành thử nghiệm. Dữ liệu từ các trạm quan trắc được truyền về liên tục với tần suất 60 phút/lần, thậm chí 5 phút/lần. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng hệ thống tích hợp dữ liệu quan trắc môi trường quốc gia. Hệ thống được tích hợp các nền tảng: Dữ liệu quan trắc định kỳ của Trung ương và địa phương; dữ liệu viễn thám và GIS; nền tảng công khai thông tin môi trường; hệ thống cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường và hệ thống thu phí nước thải.
Hệ thống các trạm quan trắc tự động đã cung cấp chuỗi số liệu liên tục về diễn biến chất lượng môi trường theo thời gian. |
Hệ thống các trạm quan trắc tự động đã cung cấp chuỗi số liệu liên tục về diễn biến chất lượng môi trường theo thời gian, phản ánh chất lượng môi trường theo thời gian thực, đồng thời cung cấp thông tin về chất lượng môi trường cho cộng đồng một cách kịp thời và dễ hiểu. Số liệu từ các trạm quan trắc đã cung cấp một phần bức tranh hiện trạng môi trường không khí và nước trên phạm vi toàn quốc, giúp cơ quan quản lý nhận diện các “vùng ô nhiễm” để điều chỉnh chính sách và đưa ra các giải pháp quản lý thiết thực.
Hoạt động quan trắc môi trường thuộc Chương trình quan trắc môi trường quốc gia được triển khai đồng bộ tại ba miền Bắc - Trung - Nam do 3 Trung tâm Quan trắc môi trường vùng thực hiện với 8 đợt/năm. Khu vực miền Bắc thực hiện quan trắc trên 5 lưu vực sông gồm lưu vực sông Hồng, sông Đà và sông Thái Bình; lưu vực sông Cầu; lưu vực sông Nhuệ - Đáy; lưu vực sông Mã Chu và lưu vực sông Cả La. Môi trường không khí thực hiện quan trắc tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và một số điểm nóng về môi trường tại Hà Tĩnh.
Khu vực miền Trung và Tây Nguyên thực hiện quan trắc môi trường nước trên lưu vực sông Hương, lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn và môi trường không khí tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Khu vực miền Nam thực hiện quan trắc môi trường nước trên hệ thống sông Đồng Nai, Sài Gòn và sông Tiền, môi trường không khí tại các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm Phía Nam và vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.
Tuy nhiên, trước vấn đề ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm không khí tiếp tục tăng cao đòi hỏi cơ quan quản lý phải có những biện pháp kịp thời, hữu hiệu để giải quyết tình trạng này. Việc nắm bắt được các thông tin, số liệu quan trắc môi trường là một trong những việc phải làm trước tiên đối với các cơ quan quản lý.
Nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhấn mạnh đến mục tiêu xây dựng hệ thống quan trắc môi trường quốc gia đồng bộ, tiên tiến hiện đại, giám sát được các khu vực trọng yếu có tính chất liên vùng, liên tỉnh, xuyên biên giới, khu vực tập trung nhiều nguồn thải và thực hiện quan trắc đa dạng sinh học tại các khu bảo tồn thiên nhiên, hành lang đa dạng sinh học, khu vực đa dạng sinh học cao.
Đồng thời, tăng cường tính liên kết với các hệ thống quan trắc môi trường cấp tỉnh; bảo đảm theo dõi diễn biến chất lượng môi trường; đáp ứng yêu cầu về cung cấp, công bố, công khai thông tin, dữ liệu quan trắc môi trường và nâng cao năng lực cho công tác cảnh báo, dự báo môi trường. Trong đó, duy trì, bổ sung, nâng cấp mạng lưới quan trắc chất lượng không khí, chất lượng nước mặt: quan trắc chất lượng nước cửa sông và nước biển...
Kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường thông qua mạng lưới quan trắc môi trường tự động được đẩy mạnh triển khai. |
Theo các chuyên gia, Quy hoạch tổng thể sẽ hoàn thiện mạng lưới quan trắc môi trường để theo dõi diễn biến chất lượng môi trường, kịp thời cung cấp thông tin, dữ liệu và nâng cao năng lực cảnh báo môi trường. Cụ thể, đến năm 2030, ngoài duy trì 19 trạm quan trắc chất lượng không khí tự động, liên tục đã được vận hành và hoàn thành lắp đặt 18 trạm quan trắc từ quy hoạch trước, Bộ TN&MT sẽ đầu tư, bổ sung mới 31 trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục trên cả nước bao gồm: 6 trạm tại 6 vùng kinh tế - xã hội; các điểm quan trắc chất lượng môi trường không khí định kỳ tại các khu vực đông dân cư, khu công nghiệp tập trung nhiều nguồn thải...
Đồng thời, ưu tiên triển khai quan trắc tại các khu bảo tồn thiên nhiên trên phạm vi toàn quốc; mạng lưới quan trắc chất lượng môi trường nước sông, hồ liên tỉnh tại các vị trí đầu nguồn, xuyên biên giới và các điểm giáp ranh, cửa sông, ven biển; thiết lập mạng lưới quan trắc chất lượng nước biển tại các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Đến năm 2050, mở rộng các trạm quan trắc chất lượng không khí và chất lượng nước tự động, liên tục ứng dụng các công nghệ hiện đại, các mô hình xử lý thông tin có sử dụng trí tuệ nhân tạo cho hoạt động quản lý dữ liệu quan trắc môi trường phục vụ cho hoạt động cảnh báo, dự báo chất lượng môi trường...
Với Quy hoạch tổng thể đảm bảo tính đồng bộ, tiên tiến, hiện đại và toàn diện, mạng lưới quan trắc môi trường quốc gia trong thời gian tới sẽ cung cấp đầy đủ hơn hiện trạng môi trường không khí và nước trên phạm vi toàn quốc, giúp cơ quan quản lý điều chỉnh chính sách và đưa ra các giải pháp quản lý, bảo vệ môi trường thiết thực, qua đó kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Nguồn:Chủ động kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường