Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Các "ông lớn" dầu khí hướng tới năng lượng xanh
Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Các "ông lớn" dầu khí nhắm tới năng lượng xanh
Nhiều quốc gia đang hướng tới một tương lai mà năng lượng sạch đóng vai trò trung tâm trong bối cảnh phát thải khí nhà kính và các hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng gia tăng. Trong đó, các “ông lớn” dầu khí đóng vai trò tiên phong trong quá trình dịch chuyển từ năng lượng hóa thạch sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh.
Shell hướng đến mục tiêu không phát thải ròng vào năm 2050, trước mắt là giảm lượng carbon xuống 50% vào cuối thập niên này.
TotalEnergies đang đa dạng hóa lĩnh vực kinh doanh với các hoạt động ít tác động tới môi trường, như đầu tư vào năng lượng tái tạo hay các nhà máy điện khí.
Hồi cuối tháng 4/2022, TotalEnergies cũng mua lại Core Solar, một công ty chuyên phát triển các dự án năng lượng mặt trời trên khắp Đại Tây Dương với danh mục các dự án được xây dựng gồm 4 GW. Đến nay, “ông lớn” năng lượng Pháp có 5,4 GW công suất sản xuất năng lượng tái tạo ròng trên toàn thế giới và 10,7 GW tổng công suất. Danh mục các dự án năng lượng tái tạo đang xây dựng và đang phát triển tới 46,8 GW.
Đến năm 2030, TotalEnergies đặt mục tiêu 100 GW tổng công suất lắp đặt, vươn tầm trở thành 1 trong 5 nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất toàn cầu.
Tháng 6/2022, “ông lớn” BP thông báo đã mua 40,5% cổ phần của Trung tâm Năng lượng tái tạo châu Á (AREH), bờ Tây Australia, có tiềm năng trở thành dự án năng lượng tái tạo lớn nhất trên thế giới.
BP sẽ vận hành AREH với diện tích 6.500km tại vùng Pilbara, một trong những khu vực khai thác mỏ lớn nhất thế giới. AREH có vốn đầu tư 52 tỉ AUD (khoảng 36 tỉ USD), dự kiến có công suất 26 GW điện gió và điện mặt trời, tức hơn 90 TWh mỗi năm, chiếm hơn 30% tổng sản lượng điện được sản xuất tại Australia năm 2020. AREH cũng sẽ sản xuất 1,6 triệu tấn hydro xanh mỗi năm.
Lượng khí thải carbon trong môi trường nước đang gia tăng
Các nhà khoa học của Phòng thí nghiệm Quốc gia Oak Ridge - Hoa Kỳ (ORNL) cho biết lượng khí thải carbon từ các vùng nước nội địa như hồ, sông, suối và ao trên toàn cầu đang cao hơn khoảng 13% so với ước tính trước đây và có khả năng nó sẽ tiếp tục tăng lên do thay đổi khí hậu và sử dụng đất.
Các nhà nghiên cứu ước tính rằng các vùng nước nội địa sẽ thải ra 4,4 tỷ tấn carbon vào khí quyển hằng năm, dựa trên mô hình mới của các ước tính trước đây, cải thiện lấy mẫu và dữ liệu từ nhiều loại nước hơn, bao gồm cả những vùng đã bị khô nước hoặc đang dần bị thu hẹp. Khoảng 73% lượng carbon này được thải ra dưới dạng carbon dioxide hoặc metan.
"Khoảng 70% đến 80% lượng carbon đi vào vùng nước nội địa từ đất liền không thoát ra đại dương, nó được xử lý trước tiên ở trong đất liền", Rachel Pilla của ORNL cho biết.
Thị trường năng lượng mặt trời của Mỹ sẽ tăng gấp ba lần trong 5 năm tới
Theo một báo cáo mới từ Hiệp hội Công nghiệp Năng lượng Mặt trời và Wood Mackenzie (Mỹ), thị trường năng lượng mặt trời của Mỹ sẽ tăng gần gấp ba lần trong vòng 5 năm tới, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký Đạo luật Giảm lạm phát (Inflation Reduction Act), tài trợ cho khí hậu và năng lượng sạch lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Báo cáo đã chốt tổng số lượng lắp đặt năng lượng mặt trời trên các phân khúc thị trường đang tăng từ 129 gigawatt (GW) hiện nay lên 336 GW trong 5 năm tới.
Nhưng trong thời gian tới, báo cáo cho biết các vấn đề gây khó khăn cho ngành, bao gồm cả sự chậm trễ của chuỗi cung ứng, sẽ tiếp tục kìm hãm tăng trưởng.
Trong quý II năm 2022, ngành công nghiệp đã lắp đặt 4,6 GW năng lượng mặt trời mới, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tăng 12% so với quý I/2022. Đối với ước tính cả năm, hiện đã tăng thêm 15,7 GW, đây sẽ là tổng số hàng năm thấp nhất kể từ năm 2019.
Báo cáo cho rằng phần lớn sự chậm trễ gần đây là do cuộc điều tra chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp của Bộ Thương mại Mỹ đối với hàng nhập khẩu năng lượng mặt trời từ Campuchia, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Vào tháng Sáu, Nhà Trắng đã tạm dừng các mức thuế năng lượng mặt trời mới trong hai năm, nhưng những tháng không chắc chắn đã làm đình trệ việc lắp đặt năng lượng mặt trời mới khi các nhà phát triển phải chờ đợi sự rõ ràng về các chính sách trong tương lai.
Ấn Độ sẽ trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của thế giới
Một số công ty trên toàn cầu đã đánh giá cao Ấn Độ là thị trường quan trọng để đầu tư vào mảng năng lượng tái tạo của họ, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi và ngành năng lượng sạch sẵn sàng phát triển nhanh chóng.
Hồi cuối tháng trước, Na Uy đã công bố đầu tư mạnh vào năng lượng mặt trời ở Ấn Độ, nhấn mạnh nước này là thị trường ưu tiên cho tăng trưởng năng lượng tái tạo. Nguồn vốn đến từ Quỹ Đầu tư Khí hậu của Na Uy (CIF) và công ty hưu trí KLP, với kế hoạch phát triển một dự án năng lượng mặt trời 420MW ở Rajasthan. Các công ty dự kiến sẽ chi 35 triệu USD để phát triển dự án, với 49% cổ phần trong dự án Thar Surya 1, cùng với công ty Ý Enel Green Power.
Ấn Độ đã ghi nhận các khoản đầu tư nước ngoài nhiều hơn vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của mình sau khi Thủ tướng Narendra Modi nhấn mạnh nhu cầu tăng cường tài trợ từ nước ngoài tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 vào năm 2021 và một lần nữa tại hội nghị thượng đỉnh G7 hồi tháng 6 vừa qua. Trên thực tế, FDI vào lĩnh vực năng lượng tái tạo của Ấn Độ đã tăng 100 % lên 1,6 tỷ USD trong giai đoạn 2021-2022, so với 797,21 triệu USD của năm trước.
Trong những năm gần đây, Ấn Độ liên tục nhấn mạnh sự cởi mở đối với chương trình phát triển mạnh mẽ của ngành năng lượng tái tạo, nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước để trở thành một trung tâm năng lượng xanh ở châu Á.
Ấn Độ hiện là quốc gia phát thải CO2 lớn thứ ba trên thế giới, mặc dù điều này phần lớn là do dân số khổng lồ. Điều này có nghĩa là để đạt được mục tiêu carbon, Ấn Độ sẽ cần phát triển một ngành công nghiệp năng lượng tái tạo mạnh mẽ và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, phần lớn thông qua đầu tư nước ngoài. Cơ quan Năng lượng Quốc tế ước tính rằng Ấn Độ sẽ cần 160 tỷ USD mỗi năm để đạt được các mục tiêu về khí hậu.
Italy công bố chiến lược tiết kiệm năng lượng
Ngày 6/9, Bộ Chuyển đổi sinh thái Italy ban hành những biện pháp quan trọng với mục tiêu tiết kiệm khoảng 3,6 tỷ m3 khí đốt, tương đương mức 7% từ nay đến hết tháng 3/2023 để đủ trữ lượng cho mùa đông 2022-2023 và 2023-2024. Đây là một trong những kế hoạch lớn cuối cùng được chính phủ của Thủ tướng Mario Draghi thông qua trước thềm tổng tuyển cử sớm vào ngày 25/9 tới.
Các biện pháp ngắn hạn bao gồm việc rút ngắn thời gian sưởi mùa đông 2 tuần, giới hạn nhiệt độ phòng đến 19°C, giảm số giờ sưởi ấm trong các tòa nhà, văn phòng và tăng cường sản xuất điện từ các nguồn thay thế như than đá. Chiến lược cũng vạch ra một lộ trình trung hạn để “giảm mạnh” phụ thuộc vào khí đốt của Nga và ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Các sáng kiến cho phép Italy thay thế 25/30 tỷ m3 khí đốt Nga thông qua đa dạng hóa nguồn cung, bao gồm tăng sản lượng khí đốt nội địa từ 3 đến 6 tỷ m3 và 5 tỷ m3 còn lại bằng các biện pháp thúc đẩy hiệu suất và sử dụng năng lượng tái tạo đến 2025.
Nguồn:Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Các "ông lớn" dầu khí hướng tới năng lượng xanh