Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Singapore dự kiến khai thác nhà máy điện hydro đầu tiên vào năm 2026
Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Singapore dự kiến khai thác nhà máy điện hydro đầu tiên vào năm 2026
Singapore sẽ đưa vào hoạt động Keppel Sakra Cogen - nhà máy điện hydro đầu tiên vào nửa đầu năm 2026 trong bối cảnh quốc gia này đang trong quá trình chuyển ngành điện sang sử dụng nhiên liệu ít phát thải khí carbon.
Nhà máy Keppel Sakra Cogen có thể chạy hoàn toàn bằng hydro đốt sạch sẽ được xây dựng trên đảo Jurong và dự kiến công suất lên đến 600 MW. Công suất này chiếm khoảng 9% nhu cầu điện thời kỳ cao điểm của Singapore vào năm 2020 và có thể cung cấp năng lượng cho khoảng 864.000 căn hộ 4 phòng ngủ trong một năm.
Nhà máy điện hydro sẽ sử dụng khí tự nhiên làm nhiên liệu chính. Tuy nhiên, nó cũng được thiết kế để hoạt động bằng nhiên liệu có hàm lượng hydro 30%, tạo ra ít khí carbon hơn nhiên liệu hóa thạch và có khả năng chuyển hoàn toàn sang chạy bằng hydro. Hydro có thể được lấy theo một số cách, và khi được sử dụng làm nhiên liệu sẽ tạo ra nước dưới dạng sản phẩm phụ.
Trang trại điện gió ngoài khơi Hornsea 2 bắt đầu đi vào hoạt động
Trang trại điện gió ngoài khơi Hornsea 2 được phát triển và thuộc sở hữu của gã khổng lồ gió Ørsted hiện đã chính thức đi vào hoạt động.
Khu phức hợp có công suất 1,3 GW, được cho là trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất thế giới cho đến nay, bao gồm 165 tuabin gió, cách bờ biển Yorkshire khoảng 89 km.
Ørsted hiện có 13 trang trại gió ngoài khơi đang hoạt động ở vùng biển Vương quốc Anh, cung cấp 6,2 GW điện tái tạo.
Năng lượng được tạo ra bởi các tuabin Hornsea 2 sẽ được chuyển qua 390 km đường ống dưới biển đến Horseshoe Point ở Lincolnshire.
Ai Cập đầu tư hơn 30 tỷ USD vào các dự án hydro và amoniac
Chính quyền Ai Cập đã ký thỏa thuận trị giá hơn 30 tỷ USD với các tập đoàn năng lượng nước ngoài và địa phương để xây dựng các đơn vị sản xuất hydro và amoniac xanh ở Sokhna, một thành phố nằm trên bờ biển phía Tây của Vịnh Suez.
Theo báo cáo của SCZONE, công ty ACME Group (Ấn Độ) sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất hydro xanh với tổng công suất 2,2 triệu tấn/năm. Dự kiến vốn đầu tư là 13 tỷ USD.
Còn tập đoàn Globeleq của Anh sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất nhiên liệu xanh với công suất sản xuất 2 triệu tấn/năm. Dự kiến vốn đầu tư là 11 tỷ (USD).
Công ty Alfanar (Ả Rập Xê Út) sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất nhiên liệu xanh với công suất 500.000 tấn/năm (tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD), trong khi tập đoàn Alcazar (UAE) sẽ khởi động một nhà máy sản xuất nhiên liệu xanh tương tự (vốn đầu tư 2 tỷ USD).
Một tập đoàn UAE khác có tên K&K sẽ xây dựng một nhà máy hydro xanh với công suất 230.000 tấn/năm. Hiện vốn đầu tư chưa được công bố.
Một thỏa thuận cũng đã được ký kết với quỹ đầu tư Actis (Anh) để xây dựng các nhà máy sản xuất nhiên liệu xanh với công suất sản xuất 200.000 tấn/năm. Dự kiến vốn đầu tư là 1,5 tỷ USD.
Công ty Mediterranean Energy Partners (MEP - Ai Cập) sẽ đầu tư 250 triệu USD để xây dựng một nhà máy amoniac xanh với công suất sản xuất 120.000 tấn/năm.
Phần Lan công bố chiến dịch tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc
Chính phủ Phần Lan vừa công bố chi tiết về chiến dịch tiết kiệm năng lượng trên toàn quốc mang tên 'Giảm một độ'. Chiến dịch kêu gọi tất cả người dân sống thực hiện tiết kiệm năng lượng. Mục tiêu, ít nhất 75% người Phần Lan giảm mức tiêu thụ năng lượng của họ.
Đây không phải là lần đầu tiên Phần Lan kêu gọi tiết kiệm năng lượng. Chiến dịch tương tự đã được thực hiện trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ vào năm 1973. Lúc đó, chính phủ đã kêu gọi hạ thấp nhiệt độ trong nhà, giảm bớt ánh sáng quảng cáo và tốc độ giao thông đường bộ giảm xuống 80 km/h. Chiến dịch đã dẫn đến việc tiêu thụ dầu giảm hơn 10%.
Theo Bộ Kinh tế và Việc làm, chiến dịch sẽ chính thức thực hiện vào ngày 10/10, sau khi thời tiết hạ nhiệt và mùa lạnh bắt đầu. Các hành động cụ thể của chiến dịch bao gồm cam kết lái xe với tốc độ thấp hơn trên đường, đặt nhiệt độ phòng thấp hơn và tiết kiệm nước nóng.
Mỹ kêu gọi đóng cửa nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu
Các quan chức cấp cao của Mỹ đã thúc giục đóng cửa hoàn toàn nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine, do Nga kiểm soát. Thông tin này được người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby nói với báo chí hôm 30/8.
Trước đó một ngày, Bộ Quốc phòng Nga cho biết nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia đã bị quân đội Ukraine nã pháo trở lại. Ba quả đạn rơi trong khu vực một tòa nhà đặc biệt của nhà máy Zaporizhzhia và 5 quả khác rơi xuống đối diện một trạm bơm, nơi cung cấp hệ thống làm mát cho một trong các lò phản ứng.
Theo người đứng đầu chính quyền khu vực Zaporizhzhia Yevgeny Balitsky, các cuộc pháo kích của quân đội Ukraine có thể dẫn đến tai nạn tại nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia (ZNPP), gây hậu quả tương đương với thảm kịch Chernobyl và Fukushima. Ông Balitsky cũng nói rằng tai nạn xảy ra tại Zaporizhzhia từ các cuộc pháo kích liên tục của Ukraine có thể trở thành thảm họa đối với châu Âu, và bức xạ có thể lan tới kênh Crimea và biển Đen.
Đan Mạch tăng nguồn cung năng lượng tái tạo cho châu Âu
Bộ Năng lượng Đan Mạch ngày 29/8 thông báo nước này sẽ nâng công suất phát điện của hòn đảo năng lượng tái tạo Bornholm tại biển Baltic để đảm bảo tăng kết nối điện tới Đức và phần còn lại của châu Âu.
Bornholm là một trung tâm năng lượng ngoài khơi cách thủ đô Copenhagen 169 km về phía Đông Nam, dự kiến sẽ tăng công suất từ 2 lên 3 gigawatt vào năm 2030, đủ để đáp ứng nhu cầu của 3,3 triệu dân Đan Mạch hoặc 4,5 triệu hộ gia đình Đức. Cũng theo thông cáo, Đan Mạch và Đức đã đạt được thỏa thuận chính trị về xây cáp từ đảo năng lượng này tới Đức, để nguồn điện trên đảo có thể kết nối trực tiếp với lưới điện của Đức và phần còn lại của châu Âu.
Thông cáo nhấn mạnh thỏa thuận với Đức là một hình thức hợp tác mới, trong đó chi phí và lợi ích của Bornholm sẽ được chia đều giữa các bên. Nguồn điện xanh từ đảo năng lượng Bornholm được khẳng định sẽ bổ sung cho dây chuyền sản xuất điện quốc gia và giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch, đồng thời thực hiện cùng lúc 2 mục tiêu là đảm bảo an ninh năng lượng và trung hòa khí thải của châu Âu.
Pháp cảnh báo về nguy cơ phải phân phối năng lượng trong mùa đông
Ngày 29/8, tại Hiệp hội giới chủ Pháp MEDEF, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne cảnh báo về nguy cơ phải thực hiện "phân phối năng lượng" trong mùa đông này, đồng thời thúc giục giới lãnh đạo các công ty triển khai các biện pháp giảm tiêu thụ năng lượng.
Thủ tướng Pháp cho biết nếu buộc phải phân bổ năng lượng thì các công ty sẽ phải chịu tác động nhất. Chính phủ Pháp đã đề ra một kế hoạch dự phòng bao gồm "một hệ thống giao dịch hạn ngạch", có thể giúp các công ty mua và bán hạn ngạch điện, đồng thời đang chuẩn bị các biện pháp hỗ trợ cho các công ty. Bà Borne cũng kêu gọi từng công ty đề ra kế hoạch tiết kiệm năng lượng riêng vào tháng 9.
Nguồn:Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Singapore dự kiến khai thác nhà máy điện hydro đầu tiên vào năm 2026