Chuyển động Năng lượng bền vững tuần qua: Đông Nam Á cần đầu tư 210 tỉ USD mỗi năm cho năng lượng tái tạo
Ảnh minh họa/ https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đông Nam Á cần đầu tư 210 tỉ USD mỗi năm vào năng lượng tái tạo
Báo cáo của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) ngày 19/9 cho biết, về dài hạn, các nước Đông Nam Á cần đầu tư trung bình 210 tỉ USD/năm vào năng lượng tái tạo, hiệu suất năng lượng và để hỗ trợ công nghệ và cơ sở hạ tầng trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, góp phần hạn chế tăng nhiệt toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
IRENA lưu ý mức đầu tư này cao gấp 2,5 lần so với khoản ngân sách mà chính phủ các nước Đông Nam Á đang lên kế hoạch để đạt mục tiêu về khí hậu. Báo cáo nêu rõ tổng mức đầu tư có thể lên tới 6.000 tỉ USD đến năm 2050. Các cơ hội đầu tư bao gồm đầu tư vào năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học, hiệu suất năng lượng, hydrogen...
Theo IRENA, đến năm 2050, các nước có thể giảm tới 160 tỉ chi phí năng lượng. Với việc đầu tư nhiều hơn vào năng lượng tái tạo, đến năm 2050, ASEAN cũng có thể giảm chi phí năng lượng và tiết kiệm được 1.500 tỉ USD liên quan đến sức khỏe của con người và thiệt hại môi trường do sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Lào xây nhà máy điện gió, dự kiến xuất khẩu điện sang Việt Nam
Báo chí Lào đưa tin Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Lào, ông Sathabandith Insisiengmay, mới đây đã ký với Công ty Savan Vayu Renewable và Công ty LTM Lào Biên bản ghi nhớ về việc xem xét khả năng triển khai các dự án điện gió trong khu vực.
Theo kế hoạch, nhà máy điện gió nói trên được xây dựng tại huyện Sepon, tỉnh Savannakhet, Trung Lào, sẽ có công suất lắp đặt 1.200 MW, chi phí xây dựng khoảng 2,15 tỉ USD, và việc xây dựng sẽ hoàn thành vào cuối năm 2025.
Điện được tạo ra từ nhà máy điện gió này sẽ phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là Việt Nam. Theo báo chí Lào, việc ký Biên bản ghi nhớ trên nằm trong kế hoạch hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng.
Engie và P&G hợp tác trong dự án năng lượng mặt trời mới ở Texas
Engie North America Inc đã ký một thỏa thuận mua bán dự án điện mặt trời công suất 200 MW (PPA) với hãng sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất của Mỹ P&G.
PPA - loại hợp đồng lớn nhất của P&G trên toàn thế giới gắn với dự án năng lượng mặt trời Sun Valley 250 MW ở Hill County (Texas).
Dự kiến đi vào hoạt động vào cuối năm 2022, Sun Valley sẽ cung cấp hơn 530.000 MWh năng lượng tái tạo cho P&G mỗi năm. Khối lượng công suất điện này đủ để đáp ứng nhu cầu của hơn 50.000 hộ gia đình tại địa phương.
"Gã khổng lồ hàng tiêu dùng" P&G đang tìm cách để đạt mức phát thải khí nhà kính (GHG) bằng 0 ròng vào năm 2040.
Engie chỉ ra rằng một phần diện tích của Sun Valley sẽ được trồng các loại thực vật thích hợp tại địa phương để hỗ trợ hệ sinh thái nông nghiệp cùng với 1.500 con cừu đầu đàn cũng sẽ chăn thả tại khu vực này.
EU phê duyệt khoản tài trợ công tới 5,2 tỉ USD cho các dự án hydro
Cơ quan điều hành của EU cho biết đây là dự án hàng đầu của khối nhằm hỗ trợ nghiên cứu, triển khai và xây dựng cơ sở hạ tầng hydro, được gọi là IPCEI Hy2Use, đã được 13 quốc gia thành viên chuẩn bị cung cấp nguồn vốn công.
Theo Ủy ban châu Âu, IPCEI Hy2Use sẽ có 29 doanh nghiệp tham gia vào 35 dự án. IPCEI Hy2Use sẽ hỗ trợ việc xây dựng “máy điện phân quy mô lớn và cơ sở hạ tầng giao thông, để sản xuất, lưu trữ và vận chuyển hydro carbon thấp và tái tạo”. Sáng kiến này sẽ tập trung vào việc phát triển “các công nghệ sáng tạo và bền vững hơn để tích hợp hydro vào các quy trình công nghiệp của nhiều lĩnh vực” như thủy tinh, xi măng và thép.
Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch điều hành tại Ủy ban phụ trách chính sách cạnh tranh, cho biết các khoản đầu tư được phê duyệt theo Hy2Use sẽ cho phép sản xuất khoảng 3,5 gigawatt công suất điện phân. Điều này sẽ dẫn đến “sản lượng khoảng 340.000 tấn hydro carbon thấp và tái tạo mỗi năm”. Ủy ban châu Âu trước đây cho biết họ muốn 40 GW thiết bị điện phân hydro tái tạo được lắp đặt ở EU vào năm 2030.
Được Cơ quan Năng lượng Quốc tế mô tả là “chất mang năng lượng đa năng”, hydro có nhiều ứng dụng đa dạng và có thể được triển khai trong nhiều ngành công nghiệp. Nếu điện được sử dụng trong quá trình này đến từ một nguồn tái tạo như gió hoặc mặt trời thì một số người gọi nó là hydro “xanh” hoặc “tái tạo”. Ngày nay, phần lớn quá trình tạo hydro dựa trên nhiên liệu hóa thạch.
Pháp tìm cách đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án năng lượng tái tạo
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 22/9 kêu gọi tiếp tục phát triển chương trình năng lượng tái tạo ở nước này, bao gồm các trang trại gió ngoài khơi và điện mặt trời. Tổng thống Macron bày tỏ mong muốn Pháp sẽ trở nên độc lập hơn trong lĩnh vực sản xuất điện và kế hoạch mới của Pháp sẽ đưa nước này đến gần hơn với các chính sách năng lượng của các nước láng giềng châu Âu.
Tổng thống Macron đã đưa ra một loạt các biện pháp để đẩy nhanh các dự án năng lượng tái tạo. Vào tuần tới, một dự luật mới sẽ được trình bày trong cuộc họp nội các. "Chúng ta cần đẩy nhanh quá trình này. Tôi muốn nước Pháp có thể đi nhanh hơn, ít nhất là nhanh gấp đôi trong các dự án năng lượng tái tạo”, ông Macron nói.
Theo AP, kế hoạch mới của Tổng thống Macron được đưa ra như một phản ứng ứng phó lâu dài đối với cuộc khủng hoảng năng lượng nhưng chưa thể giúp ích nhanh trong việc đối phó với các thách thức ngắn hạn. Pháp và các nước châu Âu khác cũng lo ngại sẽ trải qua tình trạng thiếu điện nghiêm trọng vào mùa đông tới do Moscow đã cắt nguồn cung khí đốt tự nhiên giá rẻ mà lục địa này phụ thuộc trong nhiều năm qua để vận hành nhà máy, sản xuất điện và sưởi ấm cho các ngôi nhà.
Bỉ tắt đèn Cung điện Hoàng gia để tiết kiệm điện
Trước bối cảnh cuộc khủng hoảng năng lượng tại Bỉ và châu Âu, người dân cũng như Chính phủ Bỉ đang thực hành tiết kiệm năng lượng ở cấp độ cá nhân cũng như tại các khu vực công và những nơi công cộng.
Theo đó, Cung điện Hoàng gia của Bỉ cũng đã phải tắt ánh sáng tại mặt tiền của tòa nhà kể từ ngày 19/9. Bên trong tòa nhà, đèn ở các hành lang không còn sáng và các nhân viên cung điện đã được yêu cầu tắt các đèn không cần thiết. Ngoài ra, Hoàng gia Bỉ cũng đang tiến hành các cuộc tham vấn để lắp đặt các tấm pin mặt trời và các hoạt động cải tạo khác đối với các tòa nhà tiêu thụ nhiều năng lượng trong những năm tới.
Vào tháng 8/2022, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo thông báo hệ thống sưởi trong các tòa nhà công cộng sẽ được giới hạn ở mức 19 độ C; đèn tại các công sở và tượng đài sẽ tắt lúc 19h. Chính phủ Bỉ cũng đang tiến hành tham vấn để quyết định tắt đèn ở các đường cao tốc và thành phố vào các giờ cụ thể. Đối với các cửa hàng, từ ngày 1/10, các bảng hiệu sẽ được tắt sau khi cửa hàng đóng cửa, với hệ thống sưởi được hạ xuống 19 độ C.
Thụy Điển cảnh báo nguy cơ thiếu điện trong mùa đông
Cơ quan Dự phòng Dân sự Thụy Điển (MSB) mới đây cảnh báo các bệnh nhân đang sử dụng thiết bị y tế để duy trì sự sống có thể gặp nguy hiểm trong mùa đông này do sự cố năng lượng có thể dẫn tới tình trạng mất điện.
Ông Jan-Olof Olsson, Giám đốc MSB, cho biết mặc dù các bệnh viện có hệ thống điện dự phòng, song sẽ có sự chậm trễ, điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Bên cạnh đó, việc cắt điện có thể gây ra các vấn đề khác như khóa điện tử bị kẹt, đèn giao thông không hoạt động và các vấn đề về hệ thống sưởi.
Thông thường, Thụy Điển sản xuất nhiều điện hơn mức tiêu thụ. Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất khẩu năng lượng toàn châu Âu gia tăng và 1 trong 6 nhà máy hạt nhân của Thụy Điển dự kiến không hoạt động cho đến ngày 31/1 do phải sửa chữa, nhà điều hành lưới điện quốc gia Svenska kraftnat cảnh báo một số vùng của đất nước có nguy cơ bị cắt điện mà không có thông báo nếu nhu cầu vượt cung.