Đắk Lắk: Cần cái “tâm” để giữ chân du khách
Đắk Lắk: Những phụ nữ làm kinh tế giỏi ở Krông Năng Đắk Lắk: Để Buôn Ma Thuột hiện đại, giàu bản sắc |
Người “đa zi năng”
Anh Ngô Trần Hồng Quý (TP. Buôn Ma Thuột), một HDV có gần 15 năm kinh nghiệm trong nghề tâm sự: “HDV du lịch không chỉ đơn giản là được đi nhiều, tiếp xúc nhiều với những điều mới lạ, mà còn là một người “đa zi năng” với rất nhiều vai trò, mà vai trò nào cũng quan trọng. Vì vậy, nếu chỉ nhìn vẻ hấp dẫn bên ngoài mà không yêu nghề, không có tâm thì HDV khó có thể trụ được với nghề”.
Anh Quý cho hay, để du khách được thư giãn, thoải mái trên cả hành trình, HDV hầu như hoạt động liên tục, từ việc lo nơi ăn chốn nghỉ, trên mỗi chuyến xe trở thành hoạt náo viên, luôn sẵn sàng tâm thế ứng phó với những bất trắc, từ chuyện xe hư, đường hỏng, thời tiết thay đổi làm sai lộ trình…
Anh Ngô Trần Hồng Quý (bìa phải) chụp ảnh cùng du khách tại thác Dray Nur. Ảnh: NVCC |
HDV còn được ví như những đại sứ văn hóa, truyền tải thông tin về điểm đến cho du khách. Du khách trải nghiệm dịch vụ du lịch và tiếp nhận những kiến thức văn hóa lịch sử ở mỗi vùng có trọn vẹn, hài lòng hay không đều qua tương tác trực tiếp với HDV. Ông Nguyễn Minh Toàn, du khách từ Đà Nẵng trong một chuyến cùng người thân tham quan tại huyện Buôn Đôn đã rất hài lòng với HDV của chuyến đi, vì sự linh hoạt và hiểu nhu cầu khách hàng. Ông Toàn chia sẻ, theo lịch trình tour thì thời gian ít, nhưng điểm đến nhiều. Thế nên, tranh thủ thời gian di chuyển trên xe, HDV đã giới thiệu tổng quan về nơi sắp đến, nhờ vậy, ông Toàn cùng đoàn đã phần nào mường tượng ra được khung cảnh, đến nơi có thời gian tìm hiểu sâu những vấn đề yêu thích.
Chạm vào cảm xúc của du khách
Hoạt động du lịch đang có nhiều thay đổi trong xu thế chuyển đổi số. Thay vì chỉ tiếp nhận thông tin từ HDV như trước, nay du khách dễ dàng tự tìm kiếm thông tin trên mạng về các dịch vụ, địa điểm du lịch nên vai trò HDV dường như mờ nhạt, đó cũng chính là thách thức mà người làm nghề cần tìm cách vượt qua.
Hiện toàn tỉnh có 71 HDV du lịch thuộc Chi hội Hướng dẫn viên Du lịch (Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk) được cấp thẻ; trong đó có 19 HDV quốc tế, 52 HDV nội địa. Đa số HDV đều qua các lớp đào tạo với trình độ cao đẳng, đại học trở lên. |
Tập huấn chuyên môn cho HDV du lịch trên địa bàn tỉnh, thầy Phan Bửu Toàn, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Sài Gòn (TP. Hồ Chí Minh) nhấn mạnh: “Trước xu thế đổi mới hiện nay, HDV du lịch cần phải tích cực thay đổi hơn để thích ứng, đó là trở nên đa nhiệm hơn. Cụ thể, HDV sẽ rèn luyện nhiều kỹ năng hơn, không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin có chiều sâu, mà còn biết tận dụng những lợi thế mà công nghệ thông tin không thể làm được như chăm sóc khách hàng, hỗ trợ xử lý những tình huống phát sinh trên tour; hơn thế là trở thành nhiếp ảnh gia gửi đến khách hàng những bức ảnh đẹp thông qua kỹ năng, kinh nghiệm của bản thân; dựng clip về những hình ảnh vui nhộn của chuyến đi, giúp khách vui vẻ hơn và tạo liên kết cho những chuyến đi sau. Trên thực tế, hiện nay đã có rất nhiều HDV đã thích ứng, được du khách mến mộ.
Hướng dẫn viên thuyết minh với du khách về Di tích Đồn điền CADA. |
Thầy Toàn cũng không quên gửi lời động viên rằng: “Giữa máy móc, công nghệ và con người, thì chạm vào cảm xúc của du khách sẽ phải là con người. Vì vậy, ngoài sự thay đổi tích cực, cập nhật kiến thức mới liên tục thì HDV cần phải có cái tâm, xem khách hàng là người thân thì sẽ không bị đào thải và giữ chân được du khách”.
Thời gian vừa qua, Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch đã mở nhiều lớp tập huấn, hỗ trợ HDV các kỹ năng mới để phù hợp với tình hình thực tế. Năm 2021, Chi hội Hướng dẫn viên du lịch được thành lập cũng đã hỗ trợ HDV trên địa bàn tỉnh các vấn đề liên quan để hoạt động hiệu quả.
Ông Võ Văn Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đắk Lắk nhận xét, mỗi HDV đều đóng góp tích cực cho ngành du lịch, là những cánh tay nối dài của điểm đến, là cầu nối đưa du khách đến gần hơn với du lịch địa phương.
Nguồn: Cần cái “tâm” để giữ chân du khách