Đắk Lắk: Để “đất vàng” đẻ được “trứng vàng (kỳ 3)
Đắk Lắk: Để “đất vàng” đẻ được “trứng vàng” (kỳ 2) Đắk Lắk: Để “đất vàng” đẻ được “trứng vàng” (Kỳ 1) |
“Vênh” trong quy định
GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) cho rằng, Đắk Lắk cùng các tỉnh thành khác hiện đang phải đối mặt với nhiều vướng mắc trong thực thi Luật Đất đai cũng như việc triển khai hài hòa giữa Luật Đất đai với các bộ luật khác có liên quan như Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư… Điều này khiến người phê duyệt một dự án đầu tư không thể yên tâm để phê duyệt.
Chính Sở TN-MT cũng tự thấy, có những thời điểm, đơn vị còn lúng túng trong việc xác định hình thức giao đất, cho thuê đất đối với các dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước do bất cập từ cơ chế, chính sách, sự chồng chéo, chưa đồng bộ giữa pháp luật đất đai và pháp luật khác có liên quan. Chẳng hạn như, theo quy định của pháp luật về đầu tư, tỉnh Đắk Lắk có 14 đơn vị hành chính cấp huyện là địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn và TP. Buôn Ma Thuột là địa bàn có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn. Theo quy định tại khoản 1 Điều 110 Luật Đất đai 2013 và khoản 2 Điều 118 Luật Đất đai 2013 thì các dự án đầu tư có sử dụng đất (trừ dự án nhà ở thương mại) thực hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Đoàn giám sát của HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quản lý, bảo vệ rừng, trồng rừng tập trung và phát triển rừng trên địa bàn huyện Krông Bông. |
Tuy nhiên, trước ngày 8/2/2021 (Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực) chưa có quy định cụ thể việc áp dụng quy định trên đối với trường hợp miễn tiền thuê đất cho cả thời gian thuê hay miễn một số năm trong cả thời gian thuê. Hơn nữa, quan điểm của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính và Bộ TN-MT về vấn đề trên cũng khác nhau, nên có giai đoạn Sở TN-MT gặp khó khăn trong việc xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư, giao đất, cho thuê đất thực hiện dự án ngoài ngân sách.
Hay như quy định về tiêu chí, điều kiện xác định hình thức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất giữa Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở còn “vênh” nhau, thiếu đồng bộ, dẫn đến vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện. Do đó, khi xem xét đề xuất dự án đầu tư, cơ quan TN-MT đề nghị áp dụng theo Luật Đất đai, cơ quan xúc tiến đầu tư, nhà đầu tư đề nghị theo Luật Đấu thầu, Luật Nhà ở và Luật Đầu tư, dẫn đến nhiều khu đất kêu gọi đầu tư gặp vướng mắc trong quá trình xem xét, xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư.
“Vấn đề đất đai hiện đang là cản trở lớn nhất, “ngáng đường” nhà đầu tư. Luật Đất đai 2013 đã có quy định chi tiết về yêu cầu công khai, minh bạch trong rất nhiều trường hợp, chỉ trừ trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất cho các dự án đầu tư. Vì thế nên chúng ta không thể biết được sự "thăng trầm" của các "thửa đất vàng" ra sao?” – GS.TS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. |
Ngoài ra, trong giai đoạn 2020 - 2022 có những dự án đã xác định hình thức lựa chọn nhà đầu tư và được UBND tỉnh ban hành quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên khi thực hiện việc giao đất, cho thuê đất lại gặp vướng mắc tại khoản 2 Điều 68 Luật Đất đai 2013 và Nghị định số 148/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Điều này dẫn đến chưa thể thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất để triển khai dự án, ảnh hưởng đến tiến độ dự án và tâm lý của nhà đầu tư.
Quy hoạch “yếu” và “chậm”
Theo đánh giá của UBND tỉnh, hiện nay, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành, lĩnh vực theo Luật Đất đai 2013 và các pháp luật khác có liên quan tại địa phương được cấp thẩm quyền phê duyệt còn chậm, chồng chéo.
Hơn nữa, nội dung, chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất lại chưa cao, chưa tính toán hết tiềm năng, lợi thế đất đai, nhu cầu sử dụng đất cho các ngành, lĩnh vực. Cũng chưa dự báo, định hướng đầy đủ, kịp thời nhu cầu sử dụng đất trên thực tiễn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh và nhu cầu chính đáng của người dân, doanh nghiệp. Điều này dẫn đến hệ lụy là có nơi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải lập thủ tục điều chỉnh, bổ sung nhiều lần, mất nhiều thời gian dẫn đến chậm đưa đất vào sử dụng, ảnh hưởng đến công tác giao đất, cho thuê đất triển khai các dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ông Võ Đại Huế, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, theo quy định, kế hoạch sử dụng đất hằng năm đều phải hoàn thành trước ngày 31/12, nhưng hầu hết các địa phương đều ban hành chậm. Việc này làm ảnh hưởng quyền lợi của người dân cũng như công tác quản lý.
Hiện nay chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trên địa bàn tỉnh chưa cao (Trong ảnh: Một góc đô thị Buôn Ma Thuột). |
Theo Sở TN-MT, những hạn chế trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nêu trên có nguyên nhân căn bản xuất phát từ hệ thống thể chế, quy định của pháp luật đất đai, quy hoạch. Đây là tồn tại chung trong công tác quản lý đất đai ở cơ sở trong thời gian qua. Cụ thể: hiện nay, pháp luật chưa quy định rõ, trong một thời kỳ, giai đoạn thì quy hoạch nào là quy hoạch gốc, quy hoạch nào là quy hoạch phải điều chỉnh theo quy hoạch căn bản, cơ sở. Đối với trường hợp đã phù hợp với quy hoạch căn bản, cơ sở thì có được triển khai dự án hay không?
Điều này dẫn đến khó khăn trong việc lập quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch ngành có liên quan và tổ chức thực hiện công tác giao đất, cho thuê đất. Điển hình là việc lập Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của TP. Buôn Ma Thuột gặp khó khăn trong việc xác định sự đồng bộ, thống nhất với Điều chỉnh quy hoạch chung của thành phố. Hệ lụy là Quy hoạch sử dụng đất năm 2023 của thành phố phải đến tận tháng 5/2023 mới được phê duyệt nên nhiều vấn đề liên quan đến thu hút đầu tư, xây dựng, triển khai các dự án… đều phải “dậm chân tại chỗ” chờ quy hoạch.
Bên cạnh đó, một số đơn vị tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất do UBND cấp huyện lựa chọn năng lực còn hạn chế, thực hiện chưa đảm bảo nội dung, chất lượng theo hợp đồng ký kết... cũng đã ảnh hưởng đến tiến độ cũng như chất lượng của công tác này.
Ngoài những nguyên nhân trên, UBND tỉnh cũng đánh giá, thời gian qua công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện, xử lý các sai phạm trong lĩnh vực đất đai vẫn còn chưa kịp thời, chưa đáp ứng được so với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn. Bên cạnh đó, một số địa phương chưa thực hiện hết vai trò trách nhiệm trong công tác quản lý đất đai nói chung và theo dõi, kiểm tra việc sử dụng đất của các dự án nói riêng theo điều 208 Luật Đất đai 2013. Vì vậy chưa kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo các sai phạm, vi phạm của các dự án về Sở TN-MT để có kế hoạch thanh tra, kiểm tra xử lý theo quy định của pháp luật.
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Để “tấc đất” xứng là “tấc vàng”
Nguồn: Để “đất vàng” đẻ được “trứng vàng (kỳ 3)