Đắk Lắk: Diện mạo mới của kinh tế hợp tác xã
Đắk Lắk: Đồng hành cùng sĩ tử Đắk Lắk: Bắt kịp “trend” để kích cầu du lịch |
Đắk Lắk hiện có 727 HTX, trong đó có 501 HTX nông nghiệp, 51 HTX công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, 81 HTX thương mại dịch vụ, 27 HTX xây dựng, 55 HTX giao thông vận tải và 12 quỹ tín dụng nhân dân.
Riêng từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh thành lập mới 65 HTX, trong đó có 53 HTX nông nghiệp và 12 HTX phi nông nghiệp. Các HTX thu hút 69.791 thành viên, tạo việc làm thường xuyên cho 22.820 lao động. Điều đáng nói là hoạt động của các HTX ngày càng thực chất, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Đến nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 100% việc chuyển đổi HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012, cơ bản các HTX đang hoạt động ổn định tổ chức bộ máy và quản lý, điều hành theo mô hình mới.
Cùng với đó, trình độ cán bộ quản lý HTX đã được nâng cao. Trong những năm gần đây, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng, cán bộ các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nghỉ hưu đã đứng ra thành lập, quản lý HTX, qua đó mang lại nhiều khởi sắc trong tổ chức và quản lý đối với thành phần kinh tế này. Doanh thu bình quân của HTX hiện đạt 1,8 tỷ đồng/năm; lợi nhuận bình quân 250 triệu đồng/năm.
Giới thiệu sản phẩm của Hợp tác xã Nông nghiệp chế biến thực phẩm An Phú (huyện Ea Súp). |
Thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể hằng năm của tỉnh, Liên minh HTX tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình HTX điển hình tiên tiến, sản xuất gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực của tỉnh, góp phần tích cực vào Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, nhận thức cho khu vực kinh tế tập thể; tư vấn, hỗ trợ thành lập mới HTX; hỗ trợ xây dựng mô hình HTX và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường. Đặc biệt, nhiều HTX đã được hỗ trợ vốn để có thêm nguồn lực đầu tư sản xuất, kinh doanh.
Cụ thể, Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đã giải ngân cho 38 HTX vay vốn, với tổng dư nợ gần 21 tỷ đồng. Trong thời gian bị ảnh hưởng của dịch bệnh COVD-19, có 8 HTX gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, thu nhập giảm mạnh đã được Ban điều hành Quỹ cho kéo dài thêm thời hạn vay, cơ cấu lại phân kỳ trả nợ. Riêng từ đầu năm đến nay có 6 HTX được vay vốn, với tổng số vốn vay 3,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Quỹ hỗ trợ giải quyết việc làm đã triển khai cho 8 HTX vay vốn, với tổng số tiền vay hơn 1 tỷ đồng.
Các thành viên Hợp tác xã Dệt thổ cẩm Tơng Bông giới thiệu sản phẩm thổ cẩm truyền thống. |
Ông Huỳnh Bài, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động tư vấn, hỗ trợ; phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động thành lập mới HTX, trong đó chú trọng tư vấn, hỗ trợ để thành lập, củng cố các HTX nông nghiệp ở những xã chưa đạt tiêu chí số 13 trong Chương trình xây dựng nông thôn mới. Phối hợp với các ngành, địa phương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, giúp HTX phát triển ổn định. Đối với HTX không còn khả năng củng cố thì phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố để có hình thức xử lý theo quy định. Đồng thời, triển khai hỗ trợ xây dựng mô hình HTX điển hình tiên tiến, mô hình HTX sản xuất gắn với chuỗi giá trị nông sản chủ lực; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ HTX; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu hút lao động chất lượng cao, tạo sự phát triển bền vững cho khu vực kinh tế tập thể, HTX.
Cùng với đó, sẽ lựa chọn, hỗ trợ và hướng dẫn các HTX tham gia những hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, đưa sản phẩm của các HTX đi tham dự hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, Liên minh HTX tỉnh sẽ khai trương, vận hành cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm của các HTX, tổ hợp tác tại TP. Buôn Ma Thuột; phối hợp với các đơn vị liên quan thiết lập và vận hành cửa hàng giới thiệu sản phẩm cho các HTX, tổ hợp tác tại các huyện.
Nguồn: Diện mạo mới của kinh tế hợp tác xã