Đắk Lắk: Hành trình nông nghiệp số
Đắk Lắk: Phong sắc đại ngàn Đắk Lắk: Miên man du xuân cùng lễ hội |
“Cú hích” cho nền nông nghiệp tiên tiến
Theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nông nghiệp là một trong tám lĩnh vực được ưu tiên thực hiện (y tế; giáo dục; tài chính - ngân hàng; nông nghiệp; giao thông vận tải và logistics; năng lượng; tài nguyên và môi trường; sản xuất công nghiệp). Các nội dung chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp gồm: nhận thức số, thể chế số, dữ liệu số, nền tảng số, nhân lực số, an toàn thông tin mạng, chính phủ số, kinh tế nông nghiệp số, hạ tầng số.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế số, ngành đã chủ động tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp (DN) tiếp cận và ứng dụng chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu đã được đưa lên sàn giao dịch thương mại điện tử PostMart.vn và Voso.vn hoặc các nền tảng xã hội khác. Đa số các DN, hợp tác xã (HTX) đều có website giới thiệu và kinh doanh của riêng đơn vị mình. Đối với các hộ kinh doanh, chủ yếu sử dụng phương thức giới thiệu sản phẩm và kinh doanh qua các nền tảng xã hội… Tại các vùng sản xuất tập trung đã ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới thông minh, quy trình canh tác tiên tiến. Ðối với sản xuất lúa, nhiều địa phương đã đưa thiết bị bay không người lái phục vụ khâu bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật... góp phần tăng hiệu quả kinh tế.
Trang trại trồng cà chua Nova ứng dụng công nghệ cao của Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm. |
Bên cạnh đó, đã có nhiều DN trên địa bàn tỉnh ứng dụng công nghệ số vào các khâu như quản trị nội bộ, marketing, bán hàng, thanh toán và một số DN mạnh dạn đầu tư chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất. Đơn cử như Công ty Cổ phần Ban Mê Green Farm đã liên kết với người dân thực hiện mô hình “Cà chua trái cây Nova ứng dụng nhật ký điện tử và các thiết bị thông minh”. Theo bà Nguyễn Thị Thái Thanh, Giám đốc công ty, ngoài chuyển đổi số trong hoạt động quản lý, kinh doanh, thì việc ứng dụng công nghệ số trong sản xuất được DN chú trọng tại các trang trại liên kết sản xuất. Tại đây, tất cả quá trình canh tác đều áp dụng kỹ thuật cao, ứng dụng nhật ký điện tử và các thiết bị thông minh như hệ thống tưới, châm dinh dưỡng tự động, hệ thống quạt thông gió cảm biến, hệ thống đo cường độ ánh sáng, độ ẩm không khí… Thông qua hệ thống điều hành thông minh sẽ cảnh báo những tác động tiêu cực của thời tiết để có phương án khắc phục kịp thời, hạn chế rủi ro trong quá trình canh tác, mang lại năng suất, chất lượng cao. Sự thay đổi này đã giúp DN tiết kiệm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm sức khỏe và thu nhập của những nông dân tham gia vào chuỗi liên kết.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vũ Đức Côn cho biết, những năm gần đây, việc số hóa trong từng khâu sản xuất hoặc số hóa hoàn toàn được nhiều hộ dân, DN, HTX ứng dụng vào các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi… Chuyển đổi số trong sản xuất không những góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo sự cạnh tranh mà cũng là cơ hội để thay đổi tư duy sản xuất từ nhỏ lẻ, manh mún kém hiệu quả, thiếu chuỗi liên kết sang nền nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.
Hành trình còn dài
Trong ngành nông nghiệp, chuyển đổi số giúp nông dân tiếp cận với phương pháp canh tác tiên tiến, tăng cường năng lực quản lý và giám sát quy trình sản xuất. Hơn nữa, chuyển đổi số còn tạo ra sự minh bạch trong từng khâu sản xuất, từ gieo trồng đến thu hoạch và phân phối.
Ông Huỳnh Đoàn, đại diện HTX Nông nghiệp bền vững Helena - Chư Kbô (huyện Krông Búk) cho biết, đơn vị đang đầu tư phát triển cà phê chất lượng cao, vì vậy việc áp dụng công nghệ số vào quản lý vườn cây và chất lượng sản phẩm là rất cần thiết. Bởi nó sẽ hỗ trợ bà con truy xuất nguồn gốc nông sản, chứng minh chất lượng sản phẩm trước những yêu cầu khắt khe của các thị trường khó tính.
Mô hình ứng dụng Bộ thiết bị bón phân thông minh enfarm trên cây cà phê. |
HTX đã áp dụng thí điểm Bộ thiết bị bón phân thông minh enfarm của Công ty Công nghệ nông nghiệp enfarm. Với việc ứng dụng công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) để đánh giá, phân tích các chỉ số về đất, nước, cây trồng, phân bón trong vườn cây đã hỗ trợ các chủ vườn đưa ra giải pháp phù hợp nhất trong việc bón phân; cung cấp thông tin về độ ẩm, độ pH, GPS, lượng nước tưới và ngày tưới tối ưu cho cây trồng… giúp giải quyết các vấn đề suy thoái đất và duy trì hệ sinh thái bền vững. “Tuy nhiên, đối với người nông dân, để sử dụng được tốt công nghệ thông minh này là cả một vấn đề do hạn chế về tuổi tác, trình độ… Vì vậy, cần có những hướng dẫn chi tiết, cụ thể và dễ hiểu hơn để người nông dân dễ ứng dụng trong thực tế”, ông Đoàn chia sẻ.
Thực tế cho thấy, chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp khó hơn rất nhiều so với các ngành nghề khác vì liên quan trực tiếp đến người nông dân - những người “yếu thế” trong chuyển đổi số. Do đó, tri thức hóa nông dân là yêu cầu bắt buộc trong quá trình xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NN-PTNT), trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số nông nghiệp, đặc biệt tại vùng Tây Nguyên, có sự đan xen cả thuận lợi và thách thức. Thuận lợi là mọi người đều nhìn thấy sự tiện dụng, hữu ích của các ứng dụng công nghệ số trong các dạng hình canh tác, đặc biệt là canh tác trên diện rộng như cà phê, tiêu, cây ăn trái…; sự thích ứng với các cam kết quốc tế về vấn đề truy xuất nguồn gốc, tín chỉ carbon (phải có những thiết bị cảm biến IOT để đo lường, đánh giá). Khó khăn lớn nhất trong chuyển đổi số nông nghiệp là các tác nhân trong ngành phải hiểu đúng cùng nhau, giống nhau và phải làm như nhau; bà con nông dân phải có không gian cho họ cùng chia sẻ những vướng mắc, phát kiến mới trong quá trình thực hiện…
Nguồn: Hành trình nông nghiệp số