Đắk Lắk: Khát vọng vươn tầm
Đắk Lắk: “Trái ngọt” từ hoạt động xuất khẩu Đắk Lắk: Khi gió reo, điện sáng… |
Cái nắng, cái gió - đặc trưng đất trời cao nguyên Đắk Lắk giờ không còn là chuyện của ông trời mà đã trở thành nguồn năng lượng tái tạo - điểm sáng trong phát triển công nghiệp của địa phương. Nắng gió đã thành tiền tỷ, mang lại giá trị kinh tế. Bức tranh nguồn năng lượng tái tạo thêm tươi sáng khi theo đánh giá của Viện Năng lượng - Bộ Công Thương, tiềm năng kỹ thuật điện năng lượng mặt trời của Đắk Lắk có thể đạt quy mô công suất 120.564 MW và tiềm năng kỹ thuật điện gió là 26.921 MW. Khát vọng xây dựng Đắk Lắk trở thành Trung tâm năng lượng của vùng Tây Nguyên thêm rõ nét khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành một nghị quyết chuyên đề, mang tầm chiến lược về phát triển năng lượng tái tạo tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngã Sáu Ban Mê. Ảnh: Hữu Hùng |
Sự đổi đời của nông sản tiếp tục xây thành đắp lũy vững chắc hơn cho bệ phóng vươn tầm của ngành nông nghiệp Đắk Lắk. Năm 2022, có niềm vui lớn mang tên sầu riêng khi sản phẩm được “xuất ngoại” chính ngạch và làm nức lòng những chủ nhân cũng như thực khách yêu thích loại trái cây này bằng Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần đầu tiên được tổ chức; những lô hàng hạt mắc ca được mệnh danh “Hoàng hậu quả khô” từ huyện Krông Năng đến thị trường Nhật Bản.
Vui cùng với sầu riêng, mắc ca, men vị “vàng nâu” thêm đậm chất khi sản phẩm cà phê ngày một vươn xa. Giá trị chiều sâu của cà phê được khai thác, lan tỏa và chỉ sau Tết Quý Mão, mùa xuân sẽ thêm dài ở mảnh đất cao nguyên này khi rộn ràng chào đón Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với việc mở rộng quy mô cùng nhiều chương trình đặc sắc.
Trên cao nguyên Đắk Lắk sẽ có cao tốc. Điều tưởng chừng như cổ tích nhưng đang dần được hiện thực hóa khi trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1 với tổng kinh phí gần 22.000 tỷ đồng. Đó sẽ là tuyến đường kết nối rừng với biển, tuyến đường của kinh tế giao thương, tuyến đường kết nối những mạch nguồn văn hóa, chắp cánh bay xa khát vọng vươn tầm.
Trong rất nhiều dấu mốc của năm 2022, ngày 15/11 có thể nói là thời khắc đáng nhớ với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk khi TP. Buôn Ma Thuột được trao cơ chế, chính sách đặc thù về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch; ưu đãi thu hút đầu tư; ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2023 và được thực hiện trong 5 năm. Đó là thời cơ, là chìa khóa vàng với kỳ vọng sẽ rộng mở những cánh cửa cho sự bứt phá ấn tượng hơn của thủ phủ Buôn Ma Thuột.
Sức xuân lan tỏa muôn nơi. Nguồn năng lượng thêm tràn trề từ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới, sáng tạo. Trên nền tảng ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cuộc sống số được khởi động và gõ cửa nhà nhà, người người với những “nông dân số”, “doanh nhân số”, những nông sản truyền thống “lên sao, lên sàn”...
Đón chào Quý Mão! Đắk Lắk - đường Xuân rộng mở, vững bước nâng tầm!