Đắk Lắk: Nông dân như "ngồi trên đống lửa" khi ngô rớt giá
Đắk Lắk: Phát huy vai trò chủ thể của nông dân trong tình hình mới Đắk Lắk: Sức mạnh nội lực cho xây dựng nông thôn mới |
Ngô liên tục rớt giá
Ngay từ đầu vụ, giá ngô được các thương lái thu mua với mức 8.000 đồng/kg ngô khô và 6.000 đồng/kg ngô tươi. Thế nhưng đến thời điểm hiện tại, giá ngô ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đang giảm xuống ở mức khá thấp, trung bình 1 kg ngô tươi chỉ dao động ở mức 3.000 - 3.500 đồng/kg (thấp hơn so với thời điểm này năm trước khoảng 1.700 đồng/kg); giá ngô đã phơi khô nằm trong khoảng 5.000 - 6.000 đồng/kg (thấp hơn khoảng 2.000 đồng/kg so với năm trước).
Nông dân huyện Cư M'gar đóng bao, tiêu thụ ngô tươi. |
Gia đình ông Ngọc Văn Dương (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) là một trong những hộ có diện tích trồng ngô lớn tại địa phương. Vụ hè thu này, gia đình ông trồng 1 ha ngô lai, thu hoạch được khoảng 12 tấn ngô tươi. Với giá bán hiện nay, sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình ông chỉ còn thu được khoảng 3 triệu đồng, chưa tính công gieo trồng và chăm sóc. Ông Dương chia sẻ, kỳ thu hoạch ngô năm nay trúng vào đợt mưa nhiều, nên nếu không nhanh chóng thu hoạch ngô sẽ bị côn trùng tấn công, phát sinh nấm, hạt ngô rất dễ nảy mầm, ảnh hưởng đến chất lượng, giá thành. Do đó, gia đình đành phải chấp nhận bán giá thấp hơn so với kỳ vọng ban đầu.
Tương tự, gia đình chị Lê Thị Diệp (Km 47, huyện Krông Pắc) cũng đang đối mặt với khó khăn khi giá ngô xuống thấp. Với diện tích 5 sào, trồng chủ yếu là giống ngô NK7328, hiện nay gia đình chị đã thu hoạch gần xong nhưng vẫn chưa quyết định bán mà để lại phơi khô vì giá thu mua quá thấp, không đảm bảo được chi phí đầu tư. “Thời tiết đang diễn biến rất thất thường, gia đình tôi không có máy sấy, sợ rằng nếu ngô không được phơi đủ nắng sẽ bị ẩm mốc, chất lượng kém, thương lái sẽ không mua hoặc ép giá rất thấp. Tuy nhiên, với giá ngô như hiện nay, nếu bán thì gia đình không đủ bù lỗ. Nhưng nếu để mấy tấn ngô trong nhà sẽ "làm mồi" cho lũ chuột đến ăn và quậy phá. Dự tính năm sau tôi sẽ chuyển sang những loại cây trồng ngắn hạn khác phù hợp hơn như đậu xanh, đậu nành, đậu phộng… để cải thiện cuộc sống”, chị Diệp lo âu.
Người dân xã Cư M'gar, huyện Cư M'gar vận chuyển ngô tươi bán cho thương lái. |
Trong khi đó, những ngày gần đây, bà H'Mok Êban (buôn Kna A, xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar) đứng ngồi không yên khi 2,5 ha ngô của gia đình đang già cỗi, rồi khô dần. Đây cũng là tình trạng chung của bà con trong buôn khi ngô đã đến kỳ thu hoạch, nhưng rất ít thương lái đến mua hoặc hỏi mua với giá rất rẻ. “Vụ mùa năm nay, đa số bà con nông dân được mùa, ai cũng mừng. Thế mà, đến lúc thu hoạch, bà con lại rơi vào tình cảnh lao đao, khốn khổ vì ngô. Với mức giá như hiện nay, nhà nào trồng càng nhiều càng lỗ nặng”, bà H'Mok than thở.
Đầu ra gặp khó
Vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh có hơn 50.000 ha ngô và các địa phương đang thu hoạch được khoảng 20.000 ha. Đa số bà con nông dân gieo trồng nhiều loại giống ngô cho năng suất cao, đồng thời chú trọng vào công tác chăm sóc. Vì vậy năng suất, chất lượng ngô tăng cao song giá bán lại thấp khiến người trồng gần như không có lãi, thậm chí lỗ vốn khi chi phí đầu tư lớn.
Một trong những nguyên nhân khiến giá ngô trên địa bàn tỉnh luôn bấp bênh và ở mức thấp bởi đầu ra vẫn đang phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái, chưa có sự liên kết, bao tiêu sản phẩm. Phần lớn nông dân khó khăn, phải ứng trước giống, vật tư nông nghiệp… từ thương lái và sau khi thu hoạch người dân phải bán lại cho thương lái nên vẫn có tình trạng chèn ép giá.
Bên cạnh đó, hiện nay bệnh dịch tả lợn châu Phi đang bùng phát ở một số địa phương nên nhiều cơ sở sản xuất, chế biến thức ăn gia súc, gia cầm không bán được hàng, kéo theo việc sử dụng ngô làm thức ăn trong chăn nuôi giảm theo.
Theo bà Hồ Thị Nhâm, đại diện Công ty TNHH Thương mại Sơn Hà Vina (huyện Cư M’gar), năm nay số lượng ngô nhập của nước ngoài nhiều hơn so với mọi năm, đồng thời người dân ồ ạt mở rộng diện tích trồng dẫn đến tình trạng cung vượt quá cầu. Mỗi ngày, công ty thu mua khoảng 20 tấn ngô hạt, với giá 5.800 đồng/kg ngô khô, còn giá ngô tươi dao động ở mức 3.300 – 3.500 đồng/kg, tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm. “Ngoài việc thu mua, hỗ trợ bà con tiêu thụ nông sản, chúng tôi còn liên kết với một số đơn vị tiến hành thu gom thân, lá, quả ngô để xay nhỏ và ủ lại làm thức ăn cho bò sữa. Từ đầu vụ đến nay, chúng tôi đã giúp người dân tiêu thụ hơn 2.000 tấn cây, đây là một trong những cách giúp nông dân có nguồn thu nhập sớm hơn và có đất gieo trồng vụ mùa mới nhanh hơn các địa phương khác", bà Nhâm cho hay.
Nguồn: Nông dân như "ngồi trên đống lửa" khi ngô rớt giá