Đắk Lắk: Quyền lợi của người dân sẽ được bảo đảm
Đắk Lắk: Du lịch cần khai thác trải nghiệm văn hóa bản địa Đắk Lắk: Chung tay sẻ chia với những mảnh đời yếu thế |
Bên cạnh đó, có 16 công trình, dự án chưa phù hợp với quy hoạch chung cũng tạm thời chưa đưa vào Quy hoạch sử dụng đất lần này. Nội dung này được dư luận đặc biệt quan tâm.
Còn những bất cập
Điểm đáng chú ý của quy hoạch mới này là một số khu dân cư, công trình, dự án tạm thời đưa ra khỏi Quy hoạch. Cụ thể khu dân cư ở các xã Cư Êbur, Ea Kao, Hòa Phú, phường Tân An; Dự án Bệnh viện Đa khoa Trung ương khu vực Tây Nguyên; Dự án Đường nối từ đường Đam San với đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Dự án Khu biệt thự hồ Ea Kao, Khu sân Golf hồ Ea Kao… Lý do, các công trình, dự án, khu dân cư này chưa phù hợp với Quy hoạch chung thành phố đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 249/QĐ-TTg ngày 13/2/2014.
Toàn cảnh TP. Buôn Ma Thuột nhìn từ trên cao. Ảnh: Thế Hùng |
Theo Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Lê Đại Thắng, việc phê duyệt quy hoạch lần này theo quy hoạch chung chưa thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và nhân dân. Đồng thời, quy hoạch lần này vẫn còn tồn tại một số bất cập, trong đó đáng chú ý là các dự án, khu dân cư trước đây đã có trong quy hoạch chi tiết, thậm chí có trong quy hoạch phân khu, song không phù hợp với quy hoạch chung nên tạm thời đưa ra. Đây không phải là “loại bỏ”, “xóa bỏ” các khu dân cư hoặc chuyển qua làm dự án mà chỉ là tạm thời đưa ra khỏi quy hoạch.
Tuy nhiên, điều này cũng khiến không ít người dân băn khoăn, lo lắng. Ông Bùi Văn Hiện, Trưởng thôn 8, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, những ngày qua, nghe thông tin về Quy hoạch sử dụng đất TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030 trên mạng xã hội và qua báo, đài, được biết nhiều khu dân cư ở xã Cư Êbur trở thành đất trồng cây lâu năm khiến ông và nhiều người dân ở thôn 8 vô cùng hoang mang. Thôn 8 (xã Cư Êbur) được thành lập từ năm 1977, đến năm 1996 Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, theo đó mỗi hộ được cấp 1.500 m2 đất, trong đó có 400 m2 đất ở. Từ đó đến nay, cuộc sống và hoạt động sản xuất của người dân trong thôn ổn định. Hiện nay, thôn có hơn 800 hộ dân, nếu Quy hoạch sử dụng đất mới đúng như thông tin dư luận trong những ngày qua thì ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của bà con, cũng như sự phát triển của địa phương. Do đó, ông mong rằng khu vực nào người dân đã ở ổn định thì chính quyền địa phương các cấp tạo điều kiện để bà con an cư lạc nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Liên, người dân thôn 8 (xã Cư Êbur) chia sẻ, gia đình bà sinh sống tại nơi ở hiện tại từ năm 1983, được cấp 1.500 m2 đất, trong đó có 400 m2 đất thổ cư. Vừa qua, bà cũng nghe thông tin về việc khu vực thôn 8 sẽ chuyển từ đất ở sang đất trồng cây lâu năm, khiến bà cảm thấy rất lo lắng. Gia đình bà có 6 người con, đất thổ cư được 400 m2, giờ mà chuyển sang đất trồng cây lâu năm thì phần đất bà chia cho các con không thể xây được nhà để ở.
Bảo đảm hài hòa quyền lợi cho người dân
Ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Giám đốc phụ trách Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Buôn Ma Thuột cho biết, người dân ở khu vực quy hoạch từ đất ở thành đất trồng cây lâu năm, hoặc đất trồng cây xanh vẫn được thế chấp ở ngân hàng, vì giá trị nhà và đất vẫn giữ nguyên. Còn theo Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố Nguyễn Ngọc Lân, các khu dân cư, công trình, dự án chưa đưa vào Quy hoạch lần này chỉ là tạm thời do chưa phù hợp với Quy hoạch chung thành phố đến năm 2025. Hiện nay, Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung thành phố đến năm 2045 đang được triển khai, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Bản đồ Quy hoạch sử dụng đất TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030. (Ảnh chụp màn hình) |
Phó Chủ tịch UBND xã Cư Êbur H’Loanh Êban cho hay, ngày 24/5/2023, UBND xã Cư Êbur nhận được thông báo về Quy hoạch sử dụng đất TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030, trong đó một số thôn, buôn sẽ có những khu vực đất ở chuyển sang đất nông nghiệp. Điều này ít nhiều ảnh hưởng đến công tác quản lý xây dựng trên địa bàn xã trong thời gian tới. Vì trên thực tế, mỗi hộ chỉ có tối đa 400 m2 đất thổ cư, phần lớn các hộ đã chia nhỏ cho con, cháu, một số hộ đã chuyển nhượng cho người khác, giờ theo Quy hoạch mới sẽ không được chuyển đổi sang đất ở, không tách được bìa đỏ, không làm được nhà thì tình hình vi phạm về xây dựng dự đoán sẽ tăng cao. Do vậy, địa phương kiến nghị chính quyền cấp trên có sự xem xét, điều chỉnh, cập nhật Quy hoạch làm sao bảo đảm các quyền lợi chính đáng của người dân. Về phía địa phương sẽ giao cho bộ phận chuyên môn tổ chức thực hiện công khai, niêm yết các thông tin về Quy hoạch mới để người dân biết.
Về giải pháp thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Lê Đại Thắng cho biết thêm, thành phố sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ lập, điều chỉnh quy hoạch chung, cập nhật Quy hoạch sử dụng đất vào quy hoạch chung trên cơ sở bảo đảm mọi quyền lợi cho người dân. Sau khi các quy hoạch chung được điều chỉnh, Quy hoạch tỉnh được phê duyệt, UBND thành phố sẽ kịp thời cập nhật những dự án, khu dân cư tạm thời đưa ra khỏi quy hoạch lần này bổ sung vào quy hoạch và kế hoạch để người dân tiếp tục được bảo đảm quyền lợi chính đáng của mình.
Nguồn: Quy hoạch sử dụng đất TP. Buôn Ma Thuột đến năm 2030: Quyền lợi của người dân sẽ được bảo đảm