Đắk Lắk: Tháo gỡ “nút thắt” tài chính
Tại Đắk Lắk, nguồn tín dụng được bố trí giai đoạn 2014 - 2020 là 3.000 tỷ đồng, để tái canh 29.600 ha cà phê. Tuy nhiên theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Chi nhánh Đắk Lắk, doanh số cho vay tái canh cà phê (theo Công văn 3227/NHNN-TD, ngày 11/5/2015 của NHNN) của các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh thời điểm cao nhất là năm 2019 cũng chỉ đạt gần 133 tỷ đồng, với 215 khách hàng dư nợ, diện tích tái canh theo hợp đồng tín dụng là 1.932 ha.
Giai đoạn này, bên cạnh diện tích cà phê của người dân không thể giải ngân được do không bảo đảm quy trình tái canh của Bộ NN-PTNT thì nhiều doanh nghiệp vốn tự có thấp, không đủ tham gia thực hiện dự án tái canh theo quy định hoặc báo cáo tài chính lỗ, không bảo đảm vốn đối ứng. Một số doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có phương án huy động vốn (vay tái canh) lớn hơn 50% vốn điều lệ nhưng không được chủ sở hữu phê duyệt nên ngân hàng không thể cho vay.
Sản xuất cà phê chất lượng cao ở xã Ea Tân, huyện Krông Năng. Ảnh: Nguyễn Gia |
Đến giai đoạn 2021 - 2025, theo Đề án tái canh cà phê của Bộ NN-PTNT, tổng diện tích cần tái canh của Đắk Lắk là 24.000 ha (trồng tái canh 23.000 ha, ghép cải tạo 1.000 ha). Việc cho vay tái canh cà phê lúc này được thực hiện theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, ngày 9/6/2015 của Chính phủ (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 116/2018/NĐ-CP, ngày 7/9/2018 của Chính phủ). NHNN Chi nhánh Đắk Lắk đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên địa bàn chủ động bố trí nguồn vốn, lãi suất cho vay hợp lý để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ tái canh cây cà phê và nhu cầu sản xuất nông nghiệp khác của người dân, doanh nghiệp. Nhờ đó, doanh số giải ngân của các tổ chức tín dụng đã được cải thiện đáng kể. Tuy nhiên, dư nợ thời điểm cao nhất là năm 2021 cũng chỉ hơn 2.914 tỷ đồng, với 9.806 khách hàng và diện tích tái canh theo hợp đồng tín dụng là hơn 9.020 ha.
Theo chia sẻ của các ngân hàng được giao cho vay tái canh cà phê, vốn cho vay tái canh luôn sẵn sàng và việc không thể giải ngân vốn như kế hoạch là điều mà phía ngân hàng không hề mong muốn.
Thực tế cho thấy, từ khi triển khai tái canh cà phê đến nay, “nút thắt” về vốn luôn là một trong những rào cản lớn. Việc tiếp cận được những chính sách tái canh cây cà phê chủ yếu là các tổ chức, tập đoàn, doanh nghiệp lớn tham gia trồng cà phê. Trong khi đó, các nông hộ - thành phần nắm giữ diện tích cà phê không nhỏ lại đang gặp rất nhiều khó khăn. Khi nguồn vốn tín dụng khó tiếp cận, hầu hết nông dân thường tự chủ động tái canh và chính vì thiếu vốn, nông dân không thể thực hiện đúng quy trình kỹ thuật dẫn đến thất bại, khó lại chồng khó. Đây chính là một trong những lý do khiến diện tích cây cà phê già cỗi cần tái canh có chiều hướng tăng lên và kết quả chương trình tái canh vẫn còn hạn chế.
Vườn cà phê tái canh của Công ty TNHH MTV Cà phê 720 được thực hiện từ nguồn vốn hỗ trợ của Ngân hàng NN-PTNT Chi nhánh Đắk Lắk. |
Theo ông Nguyễn Văn Bình, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cà phê Việt Đức, trong bối cảnh giá cà phê liên tục tăng trong những năm gần đây, nếu được thực hiện quyết liệt, bài bản ngay từ những giai đoạn đầu và nhất là tận dụng tốt nguồn lực tài chính thì việc tái canh cà phê sẽ dễ dàng hơn. Thực tế tái canh của đơn vị cũng cho thấy, những vùng mà công nhân nhận khoán thực hiện đúng quy trình kỹ thuật thì việc tiếp cận tín dụng sẽ thuận lợi hơn.
Có thể thấy, nguồn lực sẵn sàng, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho vay tái canh cà phê cũng đã được các tổ chức tín dụng từng bước tháo gỡ. Để tái canh cà phê bảo đảm tiến độ và hiệu quả, liên quan đến vấn đề tài chính, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của địa phương, cơ quan quản lý chuyên môn và nhất là người nông dân trồng cà phê.
Nguồn: Tháo gỡ “nút thắt” tài chính