Quảng Ninh: Nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi
Anh Lê Văn Tuấn (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà) chăm sóc vườn hoa, cây cảnh chuẩn bị cho thị trường Tết Nguyên đán 2025. |
Sinh năm 1993, anh Lê Văn Tuấn (thị trấn Đầm Hà, huyện Đầm Hà) được đánh giá là một trong những thanh niên xuất sắc đi đầu trong việc lập thân, lập nghiệp, phát triển kinh tế tại địa phương. Với đam mê nghề trồng cây cảnh, năm 2021 anh Tuấn đã quyết định khởi nghiệp từ chính đam mê của mình bằng việc kinh doanh dịch vụ trồng, chăm sóc cây cảnh. Với việc không ngừng học hỏi, tìm tòi kinh nghiệm, định hướng thị trường và sự nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân, tới nay việc kinh doanh cây cảnh của anh Tuấn đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hiện tại, anh Tuấn đang là chủ vườn hoa Tuấn Tùng địa chỉ tại số 176, phố Lê Lương, thị trấn Đầm Hà chuyên cung cấp hoa chậu, hoa thảm, hoa công trình; cây công trình, cây ăn quả, cây bon sai và các dịch vụ về chậu cây, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đất vi sinh và dụng cụ làm vườn…
Không chỉ cung cấp hoa, cây cảnh cho các hộ dân trong huyện, mà anh Tuấn còn cung cấp các loại cây, hoa công trình cho các đơn vị, doanh nghiệp trong huyện Đầm Hà và các huyện lân cận với doanh thu cả tỷ đồng mỗi năm. Vườn hoa Tuấn Tùng cũng tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động là những thợ làm vườn với mức thu nhập bình quân 9-10 triệu đồng/tháng. Anh Lê Văn Tuấn, cho biết: Với đam mê kinh doanh trong lĩnh vực vườn hoa, cây cảnh, cây công trình, tôi luôn mong muốn sẽ thực hiện được đam mê của mình trên chính mảnh đất quê hương. Hiện nay, việc kinh doanh của tôi đang rất thuận lợi với thị trường khách hàng ổn định. Thời gian tới, tôi sẽ xem xét mở rộng thêm quy mô và tăng hướng bán các loại hoa, cây cảnh mới theo định hướng của thị trường. Đồng thời, sẽ tiếp tục làm mới hình thức kinh doanh, tìm kiếm liên kết mở rộng thị trường, đối tượng tiêu thụ sản phẩm.
Cũng là người trẻ với đam mê kinh doanh, anh Vũ Hồng Thái, sinh năm 1992, tại xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên đã quyết định bỏ công việc kỹ sư để trở về quê lập nghiệp. Anh Thái chia sẻ: Lúc đầu khi trở về quê lập nghiệp, tôi dựa vào diện tích canh tác sẵn có của gia đình để nuôi ếch và chim bồ câu. Tuy nhiên, việc nuôi và phát triển không thuận lợi, giá trị hiệu quả kinh tế cũng không cao. Qua tìm hiểu, tôi thấy việc nuôi ốc nhồi đang là mô hình hiệu quả với chi phí thấp, nuôi đơn giản và có thị trường tiêu thụ rộng. Ngay lập tức tôi đã chuyển sang thực hiện việc nuôi ốc nhồi với những trải nghiệm đầy mới mẻ. Lúc đầu khi mới nuôi, bản thân phải tự lên mạng tìm hiểu mọi thứ, từ con giống, môi trường, diện tích nuôi, thức ăn… Cũng khoảng 1, 2 lứa ốc đầu tiên không thành công vì chưa có kinh nghiệm nên ốc bị nấm, bệnh và chết nhiều. Sau dần tôi học hỏi thêm kiến thức mới biết tại sao ốc chết, cách xử lý và tìm hiểu được kỹ thuật nhân giống ốc và đã thành công để phát triển mô hình nuôi ốc nhồi tại địa phương.
Hiện, anh Vũ Hồng Thái đã phát triển được cơ sở nuôi ốc nhồi với diện tích ao rộng khoảng 4ha, mỗi năm thu hoạch 2 lứa ốc, giá bán ra thị trường từ 70.000 - 100.000 đồng/kg tùy theo khách mua sỉ hay mua lẻ. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận từ việc nuôi ốc nhồi đạt khoảng 500 triệu đồng/năm. Hiện nay, ngoài việc bán ốc thương phẩm, anh Thái còn nhận cung cấp ốc giống cho các hộ nuôi ốc tại TX Quảng Yên và một số địa phương lân cận như: Uông Bí, Hạ Long… “Thời gian tới, để đảm bảo nguồn cung dồi dào cho thị trường, tôi dự định sẽ tiếp tục huy động vốn để đầu tư, mở rộng quy mô nuôi ốc nhồi”, anh Thái chia sẻ.
Anh Vũ Hồng Thái, xã Hiệp Hòa, TX Quảng Yên khởi nghiệp thành công nhờ mô hình nuôi ốc nhồi. |
Đến nay, các phong trào thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp ngày càng lan tỏa trong cộng đồng. Đây là động lực để đoàn viên thanh niên tiếp tục rèn luyện, mạnh dạn khởi nghiệp với nhiều mô hình sáng tạo, phù hợp với thực tế của từng địa phương.
Cùng với sự nỗ lực của các tầng lớp thanh niên tại các địa phương trên địa bàn tỉnh trong việc phát triển các mô hình kinh tế, những năm qua, Hội LHTN Quảng Ninh cũng luôn quan tâm, chú trọng và đồng hành, hỗ trợ cùng thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp với nhiều chương trình, hoạt động khích lệ hiệu quả. Có thể kể đến như: Cuộc thi "Ý tưởng khởi nghiệp sáng tạo tỉnh Quảng Ninh"; tọa đàm “Thanh niên khởi nghiệp”; “Festival Tuổi trẻ sáng tạo”; phát huy hiệu quả hoạt động của CLB Đầu tư và Khởi nghiệp tỉnh và các địa phương, khối trường học, các HTX thanh niên trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ, vận động ĐVTN tích cực khởi nghiệp, lập nghiệp… Bên cạnh đó, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, cổ vũ, động viên thanh niên làm kinh tế, tự tin khởi nghiệp; hướng dẫn, hỗ trợ và giúp đỡ đoàn viên, thanh niên xây dựng các dự án mới, vay vốn để phát triển kinh tế; duy trì hình thức góp vốn xoay vòng không tính lãi trong đoàn viên, thanh niên.
Thời gian tới, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh tiếp tục thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích thanh niên phát triển kinh tế, tổ chức các lớp tập huấn về khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình hiệu quả cao... tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và phát huy tinh thần tuổi trẻ trong xây dựng quê hương.
Nguồn: Nhân rộng các mô hình thanh niên làm kinh tế giỏi