Đắk Lắk: Thúc đẩy liên kết trong phát triển du lịch
Đắk Lắk: Thách thức giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển du lịch Đắk Lắk: Thấy gì khi "Du lịch Buôn Ma Thuột" vào top 10 danh sách tìm kiếm của Google? |
Chủ động kết nối, quảng bá
Năm 2023, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng hoạt động du lịch Đắk Lắk đã có sự phục hồi và đạt được kết quả khả quan. Theo bà Nguyễn Thụy Phương Hiếu, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL), năm 2023 lượng khách du lịch tỉnh đón ước đạt 1.160.000 lượt khách, đạt 110,48% so với kế hoạch, tăng 16,06% so cùng kỳ 2022. Trong đó, khách trong nước ước đón 1.136.460 lượt, đạt 109,16% kế hoạch; khách quốc tế 30.240 lượt, đạt 201,60% kế hoạch. Tổng thu từ du lịch ước 925 tỷ đồng, đạt 108,82% kế hoạch, tăng 10,51% so với năm 2022.
Đoàn Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh tham quan quy trình sản xuất ca cao tại điểm du lịch Trang trại ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana). |
Để có được kết quả đó, trong năm ngành du lịch Đắk Lắk đã nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp kích cầu du lịch, đẩy mạnh công tác xúc tiến ở các thị trường, tham gia các hội chợ, tổ chức đón các đoàn đến Đắk Lắk khảo sát, kết nối với doanh nghiệp du lịch trong tỉnh để trao đổi, hợp tác… Trong đó nổi bật là chương trình xúc tiến, quảng bá và liên kết du lịch.
Đắk Lắk hiện đã ký kết, hợp tác về du lịch với hơn 10 tỉnh thành trong nước, góp phần tạo thuận lợi trong công tác xúc tiến quảng bá của địa phương và là bước đệm cho sự phát triển bền vững của du lịch. |
Cụ thể, ngành du lịch tỉnh đã tham gia các ngày hội, hội chợ, các sự kiện du lịch trong và ngoài tỉnh trong năm 2023 như: Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê trong khuôn khổ Lễ hội Cà phê lần thứ 8; Hội chợ Du lịch, Ẩm thực và Đặc sản vùng miền Phú Yên; Ngày hội Du lịch TP. Hồ Chí Minh lần thứ 19; Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam… Tại các sự kiện đều có gian hàng trưng bày, quảng bá các tiềm năng du lịch, các mặt hàng tiêu biểu, giới thiệu nét văn hóa đặc trưng của tỉnh nhà.
Bắt tay để phát triển
Bên cạnh đó, Sở VH-TT&DL còn mời các tỉnh, thành phố như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh tham gia Đoàn famtrip khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch tại tỉnh Đắk Lắk.
Ông Đàm Huy Long, Giám đốc Công ty TNHH Lữ hành và Sự kiện Go Today (Hà Nội) nhận xét: “Ở Đắk Lắk có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa các dân tộc thiểu số độc đáo, các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn chinh phục được du khách ở phía Bắc, cụ thể là Hà Nội”. Ông Long cho biết thêm, sau chuyến khảo sát du lịch tại Đắk Lắk, công ty sẽ có thêm trải nghiệm, cùng thông tin các sản phẩm để thiết kế ra những tour phù hợp với nhu cầu của du khách.
Đại diện khách sạn Elephants (Đắk Lắk) và Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Việt Promotion (Khánh Hòa) ký kết hợp đồng liên kết dịch vụ nghỉ dưỡng. |
Trong năm, Sở VH-TT&DL cũng đã ký kết hợp tác du lịch với các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Hiệp hội các doanh nghiệp Khu công nghiệp TP. Hồ Chí Minh… Đơn cử, Sở VH-TT&DL cùng Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa đã ký kết hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2023 - 2025 với 5 nội dung gồm: Hợp tác trên lĩnh vực quản lý nhà nước; hợp tác phát triển sản phẩm du lịch; hợp tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch; hợp tác kêu gọi đầu tư; hợp tác bồi dưỡng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch.
Các công ty kinh doanh ngành du lịch của hai tỉnh cũng đã ký kết hợp tác như công ty TNHH Thương mại dịch vụ lữ hành Bazan Xanh (Đắk Lắk) và Công ty Cổ phần Ana Marina Nha Trang (Khánh Hòa) đã ký kết hợp đồng liên kết hợp tác về kết nối tour, tuyến du lịch; Công ty TNHH Xây dựng Phú Xuân, Khách sạn Elephants (Đắk Lắk) và Công ty TNHH Dịch vụ và Du lịch Việt Promotion (Khánh Hòa) ký kết hợp đồng liên kết dịch vụ nghỉ dưỡng…
Theo ông Lê Văn Đức, Giám đốc Khách sạn Elephants, việc liên kết đã giúp đơn vị chủ động trong trao đổi thông tin, có được những chính sách về giá, tạo mối quan hệ để phát triển lâu dài…
Liên kết vùng cũng được ngành du lịch tỉnh quan tâm thực hiện. Vào trung tuần tháng 10/2023, ngành du lịch Đắk Lắk đã phối hợp với ngành du lịch các tỉnh Gia Lai, Kon Tum ký kết chương trình hợp tác phát triển du lịch với Hải Phòng, nhằm đẩy mạnh liên kết, tạo không gian kết nối giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, góp phần gia tăng lượng khách du lịch từ TP. Hải Phòng và các tỉnh khu vực phía Bắc đến ba tỉnh Tây Nguyên và ngược lại.
Trong đó, các tỉnh Tây Nguyên đã giới thiệu tour “Một chuyến đi, nhiều điểm đến”; chọn lọc các điểm đến hấp dẫn, đặc sắc để giới thiệu đến các doanh nghiệp du lịch của Hải Phòng.
Điểm chung và cũng là thế mạnh của du lịch ba tỉnh Tây Nguyên đó là sở hữu di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên” cùng nhiều di sản khác; tài nguyên đa dạng với nhiều thắng cảnh thiên nhiên kỳ vĩ, tươi đẹp. Ngoài ra, mỗi tỉnh cũng sở hữu những thế mạnh riêng, tạo nên sự hấp dẫn trong từng sản phẩm du lịch…
Nguồn: Thúc đẩy liên kết trong phát triển du lịch