Đắk Lắk: Thúc đẩy phát triển du lịch từ vốn văn hóa truyền thống
Đắk Lắk: Khai mạc Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh năm 2023 Đắk Lắk: Đa dạng sản phẩm văn hóa, du lịch đặc trưng và ẩm thực truyền thống các dân tộc |
"Áo mới" cho thổ cẩm
Từ nguồn vốn của Dự án 6, ngành chức năng đã hỗ trợ người dân, đồng bào DTTS thành lập những mô hình hoạt động thiết thực như các câu lạc bộ (CLB) về dệt thổ cẩm, cồng chiêng, mở các lớp tập huấn, hướng dẫn truyền dạy nghề truyền thống, tặng các vật dụng liên quan phục vụ việc học cũng như sử dụng lâu dài.
Các học viên lớp hướng dẫn, truyền dạy dệt thổ cẩm truyền thống Êđê tại xã Hòa Xuân tìm hiểu, thực hành với thiết bị máy may. |
Mới đây, CLB dệt thổ cẩm truyền thống của người Êđê buôn Drai Hling (xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) được thành lập gồm 12 thành viên là phụ nữ của ba buôn trong xã. Các hoạt động của CLB không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn, phát huy giá trị truyền thống của người Êđê, mà còn hỗ trợ các thành viên phát triển sản xuất nhằm giảm nghèo bền vững. Hoạt động đầu tiên là mở lớp hướng dẫn, truyền dạy dệt thổ cẩm truyền thống Êđê cho 20 phụ nữ trong xã. Nhân dịp này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trao tặng các trang thiết bị hỗ trợ hoạt động của CLB như: máy may, máy vắt sổ, bộ khung dệt và một số dụng cụ kéo chỉ, tạo sợi truyền thống của người Êđê. Bà H’Ngao Byă, Chủ nhiệm CLB bày tỏ: “Những trang thiết bị được hỗ trợ rất cần thiết vì phần nào giảm bớt khó khăn cho CLB trong những ngày đầu thành lập. Đồng thời, nó khá phù hợp vì đáp ứng được nhu cầu sử dụng, bởi định hướng của CLB là sẽ mang đến thị trường những sản phẩm đã được sản xuất hoàn thiện như váy, áo, túi đựng điện thoại… chứ không dừng lại ở việc dệt vải”.
Theo ông Từ Văn Hợi, Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân, đây là bước khởi đầu để từng bước lan tỏa và khôi phục nghề dệt thổ cẩm ở địa phương. Sắp tới, xã sẽ tiếp tục vận động nhân rộng mô hình đến các buôn trên địa bàn xã, qua đó các buôn có thể cạnh tranh và học hỏi lẫn nhau để phát triển nghề dệt thổ cẩm theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường.
Cơ hội phát triển du lịch cộng đồng
Triển khai Dự án 6, huyện Ea H’leo đã tổ chức các chương trình truyền dạy kỹ năng đánh chiêng và múa xoang cho người dân tộc thiểu số, nhất là đối tượng thanh thiếu niên ở buôn Drài, buôn Drài Điết (xã Dliê Yang), CLB cồng chiêng buôn Treng (xã Ea H’leo), học sinh Trường Dân tộc nội trú – THCS Ea H’leo…
Theo sát các lớp học, ông Phan Hồng Thạnh (chuyên viên Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ea H’leo) cho hay: “Học viên rất háo hức muốn được hiểu hơn về bản sắc độc đáo của dân tộc mình, nghệ nhân nhiều kinh nghiệm, đầy nhiệt huyết trực tiếp truyền dạy nên hiệu quả rất khả quan. Cùng với đó, các CLB, buôn còn được cấp chiêng, phục vụ cho việc truyền dạy và sử dụng lâu dài”.
Du khách tìm hiểu về gốm của người M’nông tại buôn Dơng Băk, xã Yang Tao (huyện Lắk). |
Đây là một trong những bước quan trọng, nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư nâng cao trách nhiệm trong việc bảo tồn tài nguyên văn hóa. Cũng qua đó, giúp người dân thay đổi nhận thức, tích cực tham gia kinh doanh du lịch để được hưởng lợi từ du lịch. Ông Kpă Y Chua, Chủ nhiệm CLB cồng chiêng buôn Treng (xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) bày tỏ: “Trước đây CLB hoạt động thường xuyên nhưng chưa có chiêng nên phải đi mượn, đôi khi khá bất tiện. Từ khi biết tin được cấp chiêng, ai nấy đều vui mừng. Những cháu nhỏ đang được truyền dạy cũng phấn khởi theo, đứa nào cũng tập luyện chăm chỉ…”.
Niềm vui của bà con buôn Treng còn mang theo sự kỳ vọng về việc phát huy bản sắc dân tộc Gia Rai, gắn với phát triển du lịch cộng đồng trong thời gian tới. Đó là kết quả bước đầu trong số rất nhiều hoạt động thuộc Dự án 6 được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các địa phương triển khai thực hiện. Qua đó, người dân sẽ ngày càng nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống; từ đó tạo động lực để phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống.
Nguồn: Thúc đẩy phát triển du lịch từ vốn văn hóa truyền thống