Đẩy mạnh sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học
Ngăn chặn nguồn ô nhiễm từ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật Tây Ninh: “Nhận diện” các nguồn gây ô nhiễm môi trường |
Thuốc bảo vệ thực vật là vật tư không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc làm dụng có thể gây ra nhiều hậu quả không mong muốn, ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường. Do đó, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học là một trong những giải pháp bền vững và chủ động trong công tác bảo vệ thực vật.
Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) sinh học trong sản xuất nông nghiệp mang lại nhiều lợi ích như ít để lại dư lượng trong nông sản; ít độc hại, an toàn với con người, môi trường và hệ sinh thái; nhanh chóng phân hủy trong tự nhiên; thời gian cách ly ngắn…Trong hơn hai năm thực hiện chương trình, ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều kết quả tốt. Bước đầu, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học.
Đông Nam Bộ, đồng bằng sông Cửu Long hiện đang là khu vực có tỷ lệ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trung bình cao của cả nước. Ảnh: HV. |
Tại Việt Nam, nhằm cụ thể hóa các chính sách về thuốc bảo vệ thực vật sinh học, Cục Bảo vệ thực vật đã xây dựng và triển khai chương trình “Phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học giai đoạn 2021 - 2025”. Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có 99 cơ sở sản xuất thuốc bảo vệ thực vật đủ điều kiện sản xuất, trong đó có 85 cơ sở có sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học (BVTV sinh học). Trong đó, công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học gồm: Công nghệ vi sinh (có 84 tên thương phẩm trong danh mục); công nghệ tách chiết từ thực vật (141 tên thương phẩm trong danh mục) và công nghệ sản xuất thuốc thành phẩm từ hoạt chất thuộc nhóm hóa sinh (có 585 tên thương phẩm thuộc danh mục).
Lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu cũng tăng dần. Năm 2020, Việt Nam nhập khẩu 21.900 tấn, đạt 89,4 triệu USD; năm 2021 tăng lên 28.200 tấn, đạt 113,8 triệu USD; năm 2022 là 25.200 tấn, đạt 111,2 triệu USD. 9 tháng năm 2023 nhập khẩu 13.500 tấn, đạt 50,5 triệu USD. Lượng thuốc BVTV sinh học nhập khẩu hàng năm chiếm khoảng 15-20% tổng lượng thuốc BVTV nhập khẩu, trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu nhiều nhất, chiếm khoảng 90%.
Việc sử dụng thuốc BVTV sinh học tại Việt Nam ngày càng tăng, số liệu cho thấy trong 3 năm 2020-2022, tổng lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trung bình cả nước đang xu hướng giảm dần, từ 3,81 kg/ha năm 2020 giảm xuống 3,19 kg/ha năm 2022. Trong đó, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ có lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học sử dụng trung bình cao nhất 1,49 kg/ha. Tiếp đến là các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long 0,79 kg/ha và các tỉnh thuộc vùng Tây Nguyên, đồng bằng Sông Hồng, Trung du và miền núi phía Bắc, duyên hải Nam Trung Bộ; thấp nhất là các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ với lượng sử dụng chỉ đạt 0,19 kg/ha.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học hiện gặp một số khó khăn, thách thức. Cụ thể, hiện chưa có các chính sách cụ thể để khuyến khích nghiên cứu, hỗ trợ vốn và đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ sinh học. Điều kiện sản xuất các thuốc bảo vệ thực vật sinh học có nguồn gốc từ thảo mộc chưa được ưu tiên cắt giảm, nên việc đẩy mạnh phát triển các thuốc sinh học nhóm này còn khó khăn.
Việc sản xuất thuốc bảo vệ thực vật phần lớn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài (bản quyền, nguyên liệu, công nghệ) dẫn đến thị trường không ổn định Phần lớn các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học có mặt trên thị trường Việt Nam đều được nhập từ nước ngoài. Thủ tục đăng ký sản xuất, thử nghiệm thuốc còn rườm rà. Hệ thống trang thiết bị, phòng thử nghiệm nghiên cứu, kiểm tra chất lượng về thuốc BVTV sinh học chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế…
Ngoài ra, người dân vẫn quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học do hiệu quả cao, tức thời, giá thành rẻ. Thuốc bảo vệ thực vật sinh học ít được lựa chọn do chi phí sử dụng cao, thời gian bảo quản ngắn, phổ tác động hẹp, chuyên tính, hiệu quả chậm hơn so với thuốc hóa học, không ổn định do bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố ngoại cảnh và điều kiện sử dụng.
Các cơ quan chức năng cần bổ sung chính sách hỗ trợ khuyến khích và ưu đãi các các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học. |
Nhiều ý kiến cho rằng, để thúc đẩy sản xuất và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học, các cơ quan chức năng cần rà soát đơn giản các thủ tục đăng ký. Bổ sung một số chính sách hỗ trợ khuyến khích và ưu đãi các các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học, như: Hỗ trợ các thủ tục để tiếp nhận công nghệ, vay vốn, thuê đất làm nhà xưởng, các ưu đãi về thuế, phí để phát triển sản phẩm. Trong đó, ưu tiên các doanh nghiệp đầu tư theo hướng phát triển và khai thác những lợi thế từ các nguồn trong nước; đồng thời, bổ sung, ưu tiên các chính sách hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học…
Mục tiêu của ngành nông nghiệp đến năm 2025 tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học đăng ký đạt 30%, tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng lên 20%, tăng mô hình, diện tích sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học lên 3-5% và tăng 15% số lượng doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học so hiện nay. Do vậy, thời gian tới, Cục Bảo vệ thực vật sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đăng ký, khảo nghiệm và đưa thuốc bảo vệ thực vật sinh học vào Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng tại Việt Nam; hỗ trợ nhập khẩu nghiên cứu, thử nghiệm các thuốc bảo vệ thực vật sinh học nhóm vi sinh, thảo mộc; xây dựng quy trình và hướng dẫn sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật sinh học cho một số cây trồng có giá trị kinh tế, tiềm năng xuất khẩu.
Đồng thời, tiếp tục phối hợp với các địa phương, Hội, Hiệp hội, doanh nghiệp lựa chọn triển khai xây dựng các mô hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Trong đó, ưu tiên lựa chọn các cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao, có tiềm năng xuất khẩu; vùng có nguy cơ mất an toàn do sử dụng thuốc hóa học; vùng sản xuất hữu cơ, chuyên canh.
Nguồn:Đẩy mạnh sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sinh học