Điểm tin ngân hàng ngày 20/7: Cho vay tiêu dùng có thể đạt tới 15.000 tỷ USD
Điểm tin ngân hàng ngày 19/7: AIIB cho Việt Nam vay 5 tỷ USD với lãi suất ưu đãi Điểm tin ngân hàng ngày 18/7: Vingroup, Techcombank đề xuất gói cho vay mua nhà xã hội lãi suất 4,8%/năm |
Cho vay tiêu dùng có thể đạt tới 15.000 tỷ USD
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, quy mô thị trường tín dụng tiêu dùng toàn cầu đã đạt khoảng 11.000 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ đạt 15.000 tỷ USD trong 5 năm tới.
Cho vay tiêu dùng có thể đạt tới 15.000 tỷ USD/Ảnh minh họa |
Tại Việt Nam, dư nợ cho vay tiêu dùng đã đạt khoảng 2,8 triệu tỷ đồng, tương đương 20% tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, và có xu hướng tăng trưởng nhanh hơn so với tín dụng chung.
Tuy nhiên, thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, bao gồm tình trạng "bùng nợ" và các hoạt động lừa đảo qua mạng xã hội. Tại Hội thảo "Phát triển lành mạnh tín dụng tiêu dùng, đẩy lùi ‘tín dụng đen’" ngày 18/7, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp để cải thiện tình hình.
Những giải pháp bao gồm rà soát và hoàn thiện khung pháp lý cho vay tiêu dùng, tăng cường thanh tra và giám sát hoạt động của các tổ chức tín dụng, và thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong tín dụng tiêu dùng. Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền các chính sách tín dụng và nhận diện “tín dụng đen”.
Ông Lê Hồng Phúc, Phó tổng giám đốc Agribank, cũng đề xuất việc kết nối và khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia để nâng cao khả năng xác thực thông tin khách hàng và quản lý tín dụng hiệu quả hơn.
Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm chi hơn 4.600 tỷ đồng
Sáng 19/7, tại Hà Nội, Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) tổ chức Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ và công tác Đảng 6 tháng cuối năm 2024. Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng kiểm toán Nhà nước Ngô Văn Tuấn chủ trì Hội nghị.
Tính đến 30/6/2024, KTNN đã hoàn thành 72 kế hoạch kiểm toán, triển khai 64 đoàn kiểm toán, kết thúc 50 cuộc kiểm toán, và phát hành 24 báo cáo kiểm toán. Qua kiểm toán, KTNN đề xuất tăng thu NSNN 427 tỷ đồng, giảm chi NSNN 4.191 tỷ đồng, và kiến nghị khác 7.362 tỷ đồng, đồng thời giảm lỗ cho các doanh nghiệp 88 tỷ đồng.
KTNN đã kịp thời phát hiện và xử lý các vi phạm trong quản lý, sử dụng tài chính và tài sản công. Trong 6 tháng đầu năm, Tổng kiểm toán Nhà nước cũng đã trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, nhận được sự quan tâm và đánh giá cao từ các đại biểu Quốc hội và cử tri.
Ngoài ra, KTNN đã tổ chức thành công Lễ Kỷ niệm 30 năm thành lập (11/7/1994-11/7/2024) và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất.
Trong thời gian tới, KTNN sẽ tập trung hoàn thành tốt nhiệm vụ kiểm toán, tăng cường kiểm soát chất lượng, giám sát và xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, KTNN sẽ chuẩn bị ý kiến về dự toán NSNN năm 2025, thúc đẩy thực hiện kiến nghị kiểm toán, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, và đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về ngành.
Sacombank tăng mạnh lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) vừa công bố tăng lãi suất huy động tiền gửi trực tuyến ở nhiều kỳ hạn, với mức tăng cao nhất lên tới 0,7%/năm.
Sacombank tăng mạnh lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn |
Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 1 tháng tăng thêm 0,3%/năm lên 3%/năm; kỳ hạn 2 tháng tăng 0,2%/năm lên 3,1%/năm; và kỳ hạn 3 tháng tăng 0,1%/năm lên 3,3%/năm. Đáng chú ý, lãi suất kỳ hạn 4 và 5 tháng tăng mạnh, lần lượt lên 3,4% và 3,5%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng tăng nhẹ lên 4,1%/năm, trong khi kỳ hạn 7-8 tháng tăng lên 4,2%/năm và kỳ hạn 9-11 tháng lên 4,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 13 tháng tăng lên 4,9%/năm.
Mặc dù có sự tăng mạnh, lãi suất huy động của Sacombank vẫn thấp so với mặt bằng chung. Ngân hàng cũng không thay đổi lãi suất huy động tiền gửi tại quầy, với mức cao nhất là 5,2%/năm cho kỳ hạn 36 tháng.
Sacombank trở thành ngân hàng thương mại thứ 14 tăng lãi suất huy động trong tháng 7, tham gia cùng các ngân hàng như MB và VPBank. Theo nghiên cứu của Ngân hàng UOB Việt Nam, mặt bằng lãi suất VND đã tăng từ đầu quý 2 năm nay và dự kiến sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong 6 tháng cuối năm.
Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng thêm 0,7-1,0 điểm % từ nay đến cuối năm, do áp lực từ tỷ giá và cầu tín dụng hồi phục.
Phê duyệt Đề án cơ cấu lại SCIC đến hết năm 2025
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 690/QĐ-TTg ngày 17/7/2024 phê duyệt “Kế hoạch sắp xếp lại và Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước đến năm 2025".
Mục tiêu là cơ cấu lại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đảm bảo cơ cấu hợp lý, phát huy vai trò chủ đạo là doanh nghiệp đầu tư và kinh doanh vốn theo quy định
SCIC sẽ tập trung đầu tư vào các doanh nghiệp và dự án quan trọng, có đóng góp lớn cho nền kinh tế, đồng thời khai thác cơ hội đầu tư trong nước và quốc tế.
SCIC đặt mục tiêu đạt doanh thu bình quân hàng năm là 9.400 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 6.700 tỷ đồng. Các chỉ tiêu quan trọng khác bao gồm tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 10%, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản (ROA) đạt 9,6%, và nộp ngân sách nhà nước 5.400 tỷ đồng mỗi năm.
SCIC sẽ tập trung vào các ngành nghề kinh doanh chính như đầu tư và quản lý vốn đầu tư, tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, SCIC cũng sẽ đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mang lại hiệu quả kinh tế và cung cấp các dịch vụ tư vấn, tài chính, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp.
Kế hoạch sắp xếp lại SCIC bao gồm duy trì là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ đến năm 2025, và tiếp tục nắm giữ cổ phần chi phối tại một số doanh nghiệp quan trọng như Tổng công ty Dược Việt Nam, Công ty cổ phần Bệnh viện Giao thông vận tải, và Tổng công ty Sông Đà.
SCIC đặt mục tiêu trở thành tổ chức đầu tư tài chính hàng đầu tại Việt Nam sau năm 2025, với định hướng phát triển bền vững và bảo vệ môi trường.
Thực hiện quy định mới về cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán
Theo Thông tư 40, dịch vụ trung gian thanh toán (trừ dịch vụ chuyển mạch tài chính) được sử dụng cho các giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, bao gồm cả trường hợp thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ nước ngoài.
Ảnh minh họa |
Các giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt thực hiện qua dịch vụ trung gian thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam phải được thực hiện bằng đồng Việt Nam, trừ các trường hợp được sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
Trường hợp tổ chức nước ngoài cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho khách hàng là người không cư trú và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam để thực hiện giao dịch thanh toán hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam, đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam chỉ được nhận thanh toán bằng đồng Việt Nam, trừ các trường hợp đơn vị chấp nhận thanh toán tại Việt Nam được nhận thanh toán bằng ngoại tệ tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.
Thông tư 40 cũng quy định, trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (trừ tổ chức cung ứng dịch vụ chuyển mạch tài chính) cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho khách hàng để thực hiện giao dịch thanh toán cho hàng hóa, dịch vụ nước ngoài, đồng tiền khách hàng sử dụng để thanh toán qua một, hoặc một số dịch vụ trung gian thanh toán là đồng Việt Nam.
Việc quy đổi từ ngoại tệ ra đồng Việt Nam (hoặc từ đồng Việt Nam ra ngoại tệ), tỷ giá giữa đồng Việt Nam và ngoại tệ theo tỷ giá do các bên thỏa thuận phù hợp với quy định của pháp luật./.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng ngày 20/7: Cho vay tiêu dùng có thể đạt tới 15.000 tỷ USD