Điểm tin ngân hàng ngày 25/7: NHNN sẽ duy trì lãi suất chính sách 4,5% trong năm 2024
Điểm tin ngân hàng ngày 24/7: Đề xuất giảm lãi vay gói 120.000 tỷ đồng mua nhà ở xã hội Điểm tin ngân hàng ngày 23/7: ABBank tăng lãi suất tiết kiệm lên mức cao nhất hệ thống |
NHNN sẽ duy trì lãi suất chính sách 4,5% trong năm 2024
Trong báo cáo "Vietnam at a glance" mới nhất, HSBC Việt Nam nhận định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% trong năm 2024, dù có những quan ngại chưa dứt về ngoại hối.
Theo HSBC, lạm phát toàn phần trong tháng 6 tăng 0,2% so với tháng trước, khiến lạm phát so với cùng kỳ năm trước vẫn ở mức cao 4,3%. Dù giá dầu giảm trong tháng nhưng không đủ để bù đắp sự tăng giá thịt lợn do dịch tả lợn châu Phi bùng phát từ đầu năm nay. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã yêu cầu bốn tỉnh đối phó với dịch bệnh sau khi các tỉnh này phải tiêu hủy gần 10.000 con lợn, chiếm 40% tổng số lợn bị tiêu hủy trên cả nước.
HSBC lưu ý rằng biến động giá thịt lợn đã từng đẩy lạm phát vượt qua mức mục tiêu. Tuy nhiên, trừ khi dịch bệnh diễn biến xấu hơn, lạm phát có thể đã đạt đỉnh. HSBC dự báo lạm phát bình quân 6 tháng cuối năm sẽ giảm xuống mức hơn 3%, đưa lạm phát bình quân cả năm 2024 xuống 3,6%.
HSBC tin rằng Việt Nam đang trên đà tăng trưởng sáng sủa hơn trong năm 2024. Với kết quả tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng trong 6 tháng đầu năm, HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 6,5% (so với mức dự báo trước đây là 6%). Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có khả năng trở thành nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ASEAN trong năm 2024, sau khi tạm nhường vị trí này cho Malaysia và Philippines trong năm 2022 và 2023.
Mặc dù vậy, HSBC cảnh báo rằng mức độ ổn định trong phục hồi thương mại và sự lan tỏa của phục hồi này sang lĩnh vực trong nước là những yếu tố cần theo dõi chặt chẽ. HSBC vẫn giữ quan điểm rằng NHNN sẽ duy trì lãi suất chính sách ổn định ở 4,5% trong năm nay, bất chấp những quan ngại về ngoại hối. Tăng lãi suất không nằm trong viễn cảnh dự báo của HSBC.
Nhiều doanh nghiệp sở hữu hàng nghìn tỷ đồng cổ phiếu ngân hàng
Theo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7, cổ đông sở hữu từ 01% vốn điều lệ trở lên của tổ chức tín dụng phải cung cấp thông tin về danh tính và tỷ lệ sở hữu cổ phần của mình cùng người liên quan.
CTCP Tập đoàn Gelex nắm giữ 85,5 triệu cổ phiếu của Eximbank/Ảnh minh họa |
Gần đây, nhiều ngân hàng đã công bố danh sách cổ đông nắm giữ từ 1% vốn điều lệ trở lên. Eximbank có 5 cổ đông lớn, trong đó CTCP Tập đoàn Gelex nắm giữ 85,5 triệu cổ phiếu, tương đương 4,9% vốn điều lệ, là cổ đông lớn nhất. CTCP Chứng khoán VIX và CTCP Thắng Phương lần lượt nắm giữ 62,3 triệu và 53,4 triệu cổ phiếu, tương đương 3,58% và 3,07% vốn điều lệ.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng đã công bố thông tin về 20 cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên, bao gồm Tổng Công ty Bến Thành (sở hữu 4,96% vốn điều lệ) và CTCP Đầu tư Bình An House (sở hữu 4,74% vốn điều lệ).
VPBank có 4 cổ đông lớn, bao gồm Sumitomo Mitsui Banking Corporation (nắm giữ hơn 15% vốn điều lệ) và Công Ty Cổ Phần DIERACORP (nắm giữ 4,3957% vốn điều lệ).
MB công bố thông tin về hai cổ đông lớn là Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ Prudential Việt Nam và quỹ ngoại Pyn Elite Fund, lần lượt nắm giữ 1,24% và 1,63% vốn điều lệ ngân hàng.
Trước đó, cổ đông chỉ phải công bố thông tin về các giao dịch, sở hữu, người liên quan khi nắm giữ từ 5% vốn ngân hàng trở lên (cổ đông lớn).
Theo Ngân hàng Nhà nước, quy định về công bố thông tin trên là nhằm ngăn chăn tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng.
116 doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu khoảng 209.800 tỷ đồng
Trong tháng 7/2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam ghi nhận thêm 3 doanh nghiệp chậm trả nợ trái phiếu, nâng tổng số doanh nghiệp chậm thanh toán từ đầu năm lên 116, với tổng giá trị ước tính khoảng 209.800 tỷ đồng.
Theo báo cáo từ Công ty Chứng khoán MBS, trong nửa đầu tháng 7, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công giảm 82% so với tháng trước và giảm 38% so với cùng kỳ năm trước. Tính từ đầu năm, tổng giá trị phát hành đạt hơn 148.700 tỷ đồng, tăng 33% so với cùng kỳ.
Một số đợt phát hành đáng chú ý trong thời gian qua bao gồm VietinBank (3.000 tỷ đồng, kỳ hạn 120 tháng, lãi suất 6,1%), SHB (2.000 tỷ đồng, kỳ hạn 36 tháng, lãi suất 6%) và HDBank (1.000 tỷ đồng, kỳ hạn 96 tháng, lãi suất 7,47%).
Ngân hàng vẫn là nhóm ngành có giá trị phát hành cao nhất, với khoảng 96.200 tỷ đồng từ đầu năm, tăng 140% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 65% tổng giá trị phát hành. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu ngân hàng là 5,4%/năm, kỳ hạn bình quân là 4 năm.
Nhóm ngành bất động sản xếp thứ hai với tổng giá trị phát hành đạt 32.600 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 22%. Lãi suất bình quân gia quyền của trái phiếu bất động sản ở mức 12%/năm, kỳ hạn bình quân là 2,7 năm. Các doanh nghiệp phát hành giá trị lớn nhất trong ngành này bao gồm CTCP Vinhomes (12.500 tỷ đồng), Tập đoàn Vingroup - Công ty cổ phần (10.000 tỷ đồng) và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Hải Đăng (2.500 tỷ đồng).
Trong tháng 7/2024, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp chậm thanh toán ước tính khoảng 209.800 tỷ đồng, chiếm 21% dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của toàn thị trường, trong đó nhóm ngành bất động sản chiếm 68% giá trị chậm trả. Dự kiến có khoảng 95.300 tỷ đồng trái phiếu sẽ đáo hạn trong 6 tháng cuối năm, trong đó trái phiếu bất động sản chiếm 65% tổng giá trị đáo hạn.
Tính đến ngày 18/7, giá trị trái phiếu mua lại trước hạn ước tính khoảng 10.100 tỷ đồng, giảm 60% so với tháng trước. Từ đầu năm đến nay, khoảng 84.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp đã được mua lại trước hạn, giảm 42% so với cùng kỳ năm trước.
SHB mở rộng quy mô gói tín dụng cá nhân hỗ trợ khách hàng
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm, hệ thống tổ chức tín dụng đã cung ứng hơn 600.000 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ tín dụng lên 14,17 triệu tỷ đồng, với 2,8 triệu tỷ đồng phục vụ đời sống và tiêu dùng.
SHB mở rộng quy mô gói tín dụng cá nhân hỗ trợ khách hàng |
Dự báo, hoạt động vay vốn sẽ sôi động hơn trong nửa cuối năm 2024 khi Thông tư 12/2024/TT-NHNN có hiệu lực, giúp các tổ chức tín dụng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn. SHB đã tích cực hỗ trợ khách hàng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua việc tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng và kinh doanh.
SHB vừa nâng quy mô gói vay ưu đãi "Vay ưu đãi – Rồng phát tài" lên gần 30 nghìn tỷ đồng với lãi suất từ 5,79%/năm. Ngân hàng cũng giảm lãi suất tối đa 0,3%/năm cho các khoản vay trung và dài hạn, cùng nhiều ưu đãi khác như ân hạn nợ gốc 24 tháng, tặng thẻ tín dụng hạn mức 200 triệu đồng và giảm lãi suất vay thấu chi.
Ngoài ra, SHB còn cấp hạn mức thấu chi lên đến 500 triệu đồng và tặng 100.000 VNĐ vào tài khoản cho khách hàng mở tài khoản thấu chi. Trước đó, SHB đã giảm lãi suất tới 2,5% cho cá nhân và doanh nghiệp, giúp khách hàng tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng hơn.
Ngân hàng cũng ký kết nhiều khoản hợp tác tín dụng quốc tế và tài trợ cho 26 dự án ODA với tổng giá trị trên 2,6 tỷ USD. Với uy tín và vị thế quốc tế, SHB được xếp hạng thứ 137 trong danh sách 500 tập đoàn tài chính lớn nhất Đông Nam Á và đứng thứ 17 trong các tổ chức tài chính tại Việt Nam.13 cá nhân nắm giữ từ 1% vốn của VPBank
Theo công bố của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) tính đến ngày 19/7, có 13 cá nhân sở hữu trên 1% vốn điều lệ ngân hàng, tổng cộng nắm giữ hơn 40,8% vốn VPBank.
Ảnh minh họa |
Đối với nhóm tổ chức, Sumitomo Mitsui nắm hơn 15% cổ phần, Công ty cổ phần Diera Corp nắm hơn 4,39%, và người liên quan đến Diera Corp nắm 13,65%. Composite Capital Master sở hữu 2,73% và Vietnam Enterprise nắm 1,28%, cùng người liên quan nắm 2,19%.
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi đã giảm giới hạn tỷ lệ sở hữu cho cổ đông là tổ chức từ 15% xuống 10%.
Chủ tịch VPBank, ông Ngô Chí Dũng, nắm hơn 328,5 triệu cổ phiếu VPB, tương đương hơn 4,14% vốn điều lệ. Người có liên quan đến ông Dũng sở hữu 2,34 tỷ cổ phiếu, chiếm 29,5% vốn điều lệ. Như vậy, ông Dũng và người liên quan nắm giữ hơn 33,6% vốn điều lệ VPBank, tăng so với 13% cuối năm 2023.
Sự thay đổi này do Luật Các tổ chức tín dụng mới mở rộng khái niệm "người có liên quan", bao gồm cả cha mẹ nuôi, cha mẹ vợ/chồng, anh em rể, chị em dâu, ông bà nội ngoại, và các mối quan hệ tiềm ẩn rủi ro cho hoạt động của tổ chức tín dụng.
Theo quy định mới, cổ đông và người liên quan được phép nắm giữ 15% thay vì 20% như trước, nhưng nếu sở hữu cổ phần vượt trần trước 1/7 vẫn được duy trì mà không được phép tăng thêm, trừ khi nhận cổ tức bằng cổ phiếu.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng ngày 25/7: NHNN sẽ duy trì lãi suất chính sách 4,5% trong năm 2024