Điểm tin ngân hàng ngày 26/11: Tăng trưởng tín dụng sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP
Điểm tin ngân hàng ngày 25/11: OCB mua lại lượng lớn trái phiếu trước hạn Điểm tin ngân hàng tuần qua: Tín dụng tăng trưởng mạnh, nợ xấu gia tăng |
Tăng trưởng tín dụng sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP
Theo đánh giá của các chuyên gia từ VPBanks, Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng cho các ngân hàng đạt từ 80% chỉ tiêu được cấp, dựa trên cơ sở điểm xếp hạng. Chính sách này sẽ thúc đẩy cạnh tranh giữa các ngân hàng trong việc giành room tín dụng và thị phần, dẫn đến xu hướng lãi suất ưu đãi hơn, có lợi cho người đi vay.
Ảnh minh họa |
Về nguồn cung tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng cung tín dụng. Nhà điều hành đã thực hiện nhiều giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân, đồng thời đưa ra một số kiến nghị với các bộ, các ngành liên quan để thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15% mà ngành ngân hàng đưa ra cho cả năm nay, hệ thống ngân hàng sẽ phải bơm ra nền kinh tế hơn 2 triệu tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước , đến cuối tháng 10, tín dụng đã tăng khoảng 10,08%. Con số này cao hơn so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm ngoái. Như vậy sẽ có gần 670.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế 2 tháng cuối năm nay.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân - giảng viên cao cấp Đại học Kinh tế TP HCM - cho rằng, việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế cần phải hợp lý và không nên bằng mọi giá, đặc biệt là phải kiểm soát được lạm phát. Chuyên gia này cho hay, nếu 670.000 tỷ đồng chảy vào sản xuất kinh doanh và tiêu dùng của người dân, có thể tạo ra tăng trưởng GDP vượt 6%.
Ngân hàng Nhà nước sửa đổi quy định tỷ lệ an toàn vốn, áp dụng Basel III
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang nghiên cứu và lấy ý kiến đối với Dự thảo Thông tư Quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đây là bước đi quan trọng nhằm cập nhật các quy định mới của Chuẩn mực Basel III, nhằm nâng cao chất lượng vốn và năng lực thanh khoản cho hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Theo NHNN, Chuẩn mực Basel III, áp dụng từ năm 2010 và cải cách vào năm 2017, đã được nhiều quốc gia áp dụng để quản lý rủi ro và đảm bảo hệ thống ngân hàng ổn định. Dự thảo Thông tư này sẽ điều chỉnh tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu cho các ngân hàng, với mức 10,5%, bao gồm các yêu cầu về vốn cấp 1, vốn cấp 2 và vốn đệm bảo toàn vốn.
Cụ thể, tỷ lệ vốn lõi cấp 1 tối thiểu là 4,5%, tỷ lệ vốn cấp 1 là 6%, và tổng tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 8%. Đặc biệt, NHNN cũng dự kiến giao quyền quyết định linh hoạt về tỷ lệ đệm vốn phản chu kỳ để điều chỉnh phù hợp với tình hình thị trường, giúp ngăn ngừa nguy cơ suy thoái kinh tế.
Thông tư sửa đổi này nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho các ngân hàng thương mại và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, đồng thời nâng cao khả năng chống chịu của hệ thống ngân hàng trước các biến động kinh tế.
Ngân hàng ghi nhận lợi nhuận "khủng" từ mảng bảo hiểm
Nhiều ngân hàng đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ từ dịch vụ bảo hiểm, góp phần vào doanh thu đáng kể. Trong quý III vừa qua, KienlongBank ghi nhận gần 40 tỷ đồng từ phí bảo hiểm, tăng gần 73% so với cùng kỳ. Techcombank cũng đạt 594 tỷ đồng từ phí bảo hiểm trong 9 tháng đầu năm, tăng gần 30%, mặc dù ngân hàng này đã chấm dứt hợp tác với Manulife Việt Nam vào tháng 10. VPBank và SeABank cũng có sự phục hồi ấn tượng trong mảng bảo hiểm với mức tăng trưởng lần lượt là 52% và 14%.
Ảnh minh họa |
Mặc dù vậy, trước đó nhiều ngân hàng đã gặp phải khủng hoảng liên quan đến việc ép khách hàng mua bảo hiểm kèm theo vay vốn, dẫn đến tỷ lệ hợp đồng bảo hiểm hủy bỏ cao. Báo cáo của Bộ Tài chính năm 2023 cho thấy tỷ lệ hợp đồng mất hiệu lực khá cao ở một số ngân hàng lớn.
Để tận dụng cơ hội từ mảng bảo hiểm, nhiều ngân hàng lớn đã gia tăng sở hữu các công ty bảo hiểm phi nhân thọ. Ví dụ, VPBank thâu tóm Bảo hiểm OPES và Techcombank góp vốn vào Công ty Bảo hiểm phi nhân thọ Techcom. Các ngân hàng khác như Agribank, BIDV, VietinBank cũng sở hữu các công ty bảo hiểm phi nhân thọ.
Mới đây, Luật Các Tổ chức tín dụng 2024 đã nghiêm cấm việc gắn bán bảo hiểm với sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Chuyên gia bảo hiểm Trần Nguyên Đán cho rằng, mặc dù bán bảo hiểm qua ngân hàng là kênh phân phối hiệu quả ở nhiều quốc gia, nhưng tại Việt Nam đã xuất hiện biến tướng làm suy giảm niềm tin của khách hàng, cần có giải pháp giám sát chặt chẽ để thị trường phát triển lành mạnh.
Bổ nhiệm ông Lưu Đức Huy làm Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí
Ngày 25/11, Bộ Tài chính đã tổ chức Lễ Công bố và trao quyết định bổ nhiệm ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế, giữ chức Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Lê Tấn Cận đã trao quyết định bổ nhiệm cho ông Lưu Đức Huy, đồng thời điều động bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, về công tác tại Tổng cục Thuế.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Lê Tấn Cận chúc mừng ông Lưu Đức Huy và bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, đồng thời ghi nhận sự tin tưởng của Ban Cán sự Đảng và Bộ trưởng Bộ Tài chính đối với các cán bộ này khi giao cho họ các nhiệm vụ mới. Thứ trưởng đề nghị ông Lưu Đức Huy chủ động tham mưu giúp Cục trưởng xây dựng các chính sách thuế thông thoáng, phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế và yêu cầu phát triển của đất nước. Đồng thời, ông cũng yêu cầu ông Lưu Đức Huy và tập thể lãnh đạo Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí nỗ lực thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
Về phần bà Nguyễn Thị Thanh Hằng, Thứ trưởng Lê Tấn Cận bày tỏ sự tin tưởng bà sẽ phát huy tốt năng lực và kinh nghiệm trong vị trí công tác mới tại Tổng cục Thuế.
Thay mặt các đồng chí nhận nhiệm vụ mới, ông Lưu Đức Huy gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Ban Cán sự Đảng và Lãnh đạo Bộ Tài chính, đồng thời cam kết sẽ nỗ lực, cùng tập thể lãnh đạo và cán bộ công chức cơ quan hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.
Ngân hàng không được gửi tin nhắn chứa đường link tới khách hàng
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 50, quy định về an toàn và bảo mật trong dịch vụ ngân hàng trực tuyến, có hiệu lực từ đầu năm 2025. Một trong những điểm mới quan trọng của Thông tư này là yêu cầu các ngân hàng không được gửi tin nhắn SMS hoặc thư điện tử có chứa đường link dẫn đến các website, trừ khi có yêu cầu từ khách hàng.
Ảnh minh họa |
Quy định này được đưa ra trong bối cảnh tình trạng tin nhắn lừa đảo, giả mạo ngân hàng, gửi các liên kết giả mạo nhằm đánh cắp thông tin khách hàng ngày càng gia tăng. Các tin nhắn lừa đảo thường được gửi từ các trạm BTS giả mạo, lợi dụng tên ngân hàng để lừa khách hàng truy cập vào các đường link nguy hiểm, dẫn đến rủi ro mất tiền.
Thông tư cũng quy định các biện pháp an toàn khác, như việc ứng dụng ngân hàng điện tử không cho phép ghi nhớ mật khẩu và yêu cầu các tổ chức tín dụng phải có giải pháp phòng, chống các hành vi can thiệp trái phép vào ứng dụng Mobile Banking. Ngoài ra, ngân hàng cũng cần thực hiện kiểm tra xác thực khách hàng khi truy cập từ thiết bị mới hoặc lần đầu, bao gồm xác minh qua SMS OTP, Voice OTP, và thông tin sinh trắc học nếu có.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng ngày 26/11: Tăng trưởng tín dụng sẽ thúc đẩy tăng trưởng GDP