Điểm tin ngân hàng ngày 5/12: Ngân hàng Nhà nước hút ròng gần 54.000 tỷ đồng
Điểm tin ngân hàng ngày 4/12: Ba ngân hàng lớn chuẩn bị trả cổ tức, tăng vốn điều lệ Điểm tin ngân hàng ngày 3/12: Hơn 9.000 tỉ đồng gửi vào hệ thống ngân hàng mỗi ngày |
Ngân hàng Nhà nước hút ròng gần 54.000 tỷ đồng
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chuyển sang trạng thái hút ròng thanh khoản trong những phiên gần đây sau khi liên tục hỗ trợ hệ thống ngân hàng trong tháng 11. Cụ thể, trong phiên giao dịch ngày 3/12, NHNN đã hút ròng 14.200 tỷ đồng qua kênh thị trường mở (OMO) và chào thầu tín phiếu ở kỳ hạn 14 và 28 ngày. Tổng cộng, trong 3 phiên gần nhất, NHNN đã rút gần 54.000 tỷ đồng từ hệ thống ngân hàng.
Ảnh minh họa |
Đặc biệt, NHNN đã mở lại thầu tín phiếu kỳ hạn 14 ngày với lãi suất 3,95%, nhằm kiểm soát lãi suất liên ngân hàng, tránh tình trạng giảm sâu, đồng thời giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND. Sau động thái này, lãi suất VND liên ngân hàng qua đêm đã tăng trở lại trên 4%/năm.
Mặc dù thị trường không có biến động mạnh, tỷ giá USD/VND vẫn duy trì ở mức cao lịch sử. NHNN tiếp tục áp dụng các biện pháp can thiệp, bao gồm việc tăng giá bán USD lên 25.450 VND/USD và duy trì việc phát hành tín phiếu, nhằm ổn định tỷ giá và lãi suất trên thị trường.
LPBank thu giữ loạt bất động sản để xử lý nợ xấu
Mới đây, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) chi nhánh Cần Thơ phát đi thông báo thu giữ nhiều bất động sản, tài sản khác tại TP Cần Thơ, TP Thủ Đức (TP HCM) nhằm xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ vay của khách hàng không thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ.
Trong thông báo nêu rõ, LPBank thu giữ 21 lô đất có diện tích từ 87m2 đến hơn 8.300m2. Loại hình sử dụng của các lô đất này là đất nông nghiệp hoặc đất nuôi trồng thủy sản, đất trồng lúa nước và đất ở đô thị có địa chỉ tại khu vực Tân An, Lân Thạnh 2 thuộc quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ.
Ngoài ra, LPBank cũng thông báo thu giữ một xe ô tô Toyota Alphard, một căn hộ cao cấp diện tích 187m2 tại chung cư Estella, TP Thủ Đức và các quyền tài sản khác phát sinh từ hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng căn hộ.
LPBank cho biết sẽ thực hiện việc xử lý tài sản theo đúng quy định, đảm bảo minh bạch, công khai và công bằng.
GPBank tăng lãi suất tiết kiệm lên mức cao nhất hệ thống
Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GPBank), một trong bốn ngân hàng đang bị kiểm soát đặc biệt, đã tăng lãi suất tiết kiệm lên mức cao nhất hệ thống. Theo đó, ngân hàng này tăng đồng loạt lãi suất huy động từ 0,3%/năm cho các kỳ hạn từ 1 đến 36 tháng. Lãi suất các kỳ hạn từ 1 đến 2 tháng lên 3,7% và 4,2%/năm, trong khi các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên đạt mức 6,25% đến 6,35%/năm.
GPBank tăng lãi suất tiết kiệm lên mức cao nhất hệ thống/Ảnh minh họa |
Với mức lãi suất này, GPBank hiện đang đứng đầu hệ thống các ngân hàng về lãi suất tiết kiệm thông thường. Đây là một phần trong chiến lược thu hút vốn và duy trì thanh khoản trong bối cảnh ngành ngân hàng đối mặt với thách thức về tín dụng và thanh khoản.
Trong tháng 11, khoảng 15 ngân hàng, bao gồm các tên tuổi lớn như Agribank, Techcombank và MB, đã đồng loạt tăng lãi suất huy động, một phần do nhu cầu tăng trưởng tín dụng vào cuối năm và sự thắt chặt thanh khoản. Mặc dù NHNN đã can thiệp bằng các công cụ như tín phiếu và bán ngoại tệ, các chuyên gia dự báo lãi suất sẽ tiếp tục điều chỉnh nhẹ trong những tháng cuối năm.
Thu ngân sách nhà nước vượt 6% dự toán trong 11 tháng
Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 11/2024, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 1.808,5 nghìn tỷ đồng, vượt 6% so với dự toán, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, thu nội địa đạt 1.506,5 nghìn tỷ đồng, tăng 16,8% so với năm trước và vượt 4,3% dự toán. Thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu cũng tăng trưởng tốt, đạt 114,5% và 121,9% dự toán.
Về chi ngân sách, lũy kế chi trong 11 tháng ước đạt 73,6% dự toán, tăng 4,7% so với cùng kỳ. Trong đó, chi 24,7 nghìn tỷ đồng từ dự phòng ngân sách để hỗ trợ quốc phòng, an ninh và ứng phó thiên tai. Đồng thời, gần 16,78 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia đã được xuất cấp hỗ trợ các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai.
Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã xuất cấp gần 16,78 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho các địa phương khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, trong đó khắc phục hậu quả cơn bão số 3 là 433 tấn. Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 24/11/2024, đã thực hiện phát hành 319 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 10,99 năm, lãi suất bình quân 2,51%/năm.
Tại sao chưa thể bỏ room tín dụng?
Liên quan đến vấn đề giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD), có nhiều ý kiến cho rằng cần phải bỏ chỉ tiêu này. Mới đây, tại nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu cũng đã chất vấn về vấn đề này. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã tổ chức nhiều tọa đàm để phân tích, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng về tình hình thực trạng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng như tình hình của các TCTD. Xét trong bối cảnh hiện nay, NHNN chưa thể bỏ cách thức điều hành theo hạn mức tín dụng.
Ảnh minh họa |
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, chưa thể bỏ room tín dụng. Bởi thực chất, room tín dụng là việc NHNN quản lý tốc độ cho vay gia tăng của các ngân hàng thương mại (NHTM). Thị trường vốn của Việt Nam hiện nay chưa thực sự phát triển như mong muốn, doanh nghiệp phụ thuộc vào vốn ngân hàng rất nhiều. Trong khi đó, nhiều NHTM sẵn sàng cho vay bất chấp rủi ro, do đó room tín dụng chính là ngưỡng NHNN đưa ra để các NHTM cho vay trong giới hạn cho phép để giảm thiểu rủi ro. “Nếu bỏ room tín dụng nghĩa là cho phép NHTM tự quyết định việc cho vay của mình. Điều này có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến hệ thống tài chính tiền tệ”, ông Thịnh nói.
Bên cạnh đó, bỏ room tín dụng sẽ không còn kiểm soát được lượng tiền “bơm” vào nền kinh tế, nhất là các lĩnh vực chưa được ưu tiên phát triển hoặc “bơm” quá nhiều mà không gắn với nhu cầu thực của doanh nghiệp và người dân, sẽ dễ gây ra lạm phát và lãng phí nguồn vốn. Chưa kể, nếu bỏ room tín dụng có thể gây ra nợ xấu, đặc biệt là khi tín dụng được mở rộng vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản. Ngoài ra, còn phải kể đến việc các NHTM sẽ cạnh tranh nhau trong việc hút khách vay bằng nhiều cách, gây ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường.
Nguồn:Điểm tin ngân hàng ngày 5/12: Ngân hàng Nhà nước hút ròng gần 54.000 tỷ đồng