Điểm tin ngân hàng tuần qua: 4 ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm
Điểm tin ngân hàng ngày 30/11: TP HCM triển khai chương trình vay vốn mua nhà lãi suất 3,2%/năm Điểm tin ngân hàng ngày 29/11: Nới room tín dụng cho các ngân hàng, hỗ trợ nền kinh tế |
4 ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm
Trong tuần này, KienLongBank, CBBank, LPBank và SeaBank đã điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm tại các kỳ hạn từ 1-12 tháng.
4 ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm/Ảnh minh họa |
Cụ thể, CBBank tăng lãi suất từ 0,15%/năm đối với các kỳ hạn từ 1-12 tháng, với mức lãi suất cao nhất lên tới 5,8%/năm cho kỳ hạn 12 tháng. LPBank cũng điều chỉnh tăng lãi suất các kỳ hạn từ 1-11 tháng, với mức tăng từ 0,2% lên 5,2%/năm tại kỳ hạn 6-11 tháng và giữ mức 5,8%/năm cho các kỳ hạn dài hơn.
KienLongBank tăng lãi suất từ 0,2%/năm ở các kỳ hạn ngắn từ 1-6 tháng và 0,1%/năm ở kỳ hạn 12 tháng, với mức lãi suất cao nhất là 5,7%/năm tại kỳ hạn 18-36 tháng. SeABank có mức tăng mạnh nhất trong tuần, với lãi suất tăng từ 0,45% đến 0,75%/năm ở các kỳ hạn ngắn và đạt 5%/năm cho kỳ hạn 12 tháng.
Đây là đợt tăng lãi suất thứ 16 từ đầu tháng 11, với các ngân hàng như HDBank, VIB, Techcombank và MB cũng đã điều chỉnh lãi suất. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước TP HCM cho thấy, tính đến cuối tháng 10, tổng tiền gửi tiết kiệm dân cư tại các ngân hàng TP HCM đạt trên 1,4 triệu tỷ đồng, tăng trưởng ổn định trong ba tháng gần đây.
Theo các chuyên gia dự báo, lãi suất tiết kiệm sẽ tiếp tục có xu hướng tăng trong ngắn hạn.
Nam A Bank bổ nhiệm cùng lúc 3 Phó Tổng Giám đốc
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) công bố quyết định bổ nhiệm cùng lúc ba Phó Tổng Giám đốc. Các quyết định bổ nhiệm có hiệu lực từ ngày 5/12/2024 và thời hạn bổ nhiệm tối đa là ba năm.
Cụ thể, ba nhân sự vừa được Nam A Bank bổ nhiệm là: ông Huỳnh Thanh Phong, Giám đốc Khối Quản lý rủi ro; ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Khu vực Miền Trung và Tây Nguyên; bà Lâm Kim Khôi, Giám đốc Khu vực Miền Tây
Sau khi bổ nhiệm thêm ba lãnh đạo mới, Ban Điều hành của Nam A Bank có tổng cộng 10 thành viên. Trong đó, ông Trần Khải Hoàn là Quyền Tổng Giám đốc, 9 Phó Tổng Giám đốc lần lượt là ông Hoàng Việt Cường, ông Hà Huy Cường, ông Lê Anh Tú, ông Nguyễn Vĩnh Tuyên, ông Võ Hoàng Hải, ông Huỳnh Thanh Phong, ông Nguyễn Minh Tuấn, bà Hồ Nguyễn Thuý Vy và bà Lâm Kim Khôi.
Về kết quả kinh doanh lũy kế 9 tháng, ngân hàng lãi 3.323 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ và thực hiện 83% kế hoạch năm.
Tính đến ngày 30/9/2024, tổng tài sản Nam A Bank đạt gần 240.000 tỷ đồng (tăng gần 16%, hoàn thành 103% kế hoạch năm); huy động vốn đạt gần 173.000 tỷ đồng (tăng hơn 5%, 97% kế hoạch năm).
Dư nợ cho vay đạt gần 164.000 tỷ đồng (tăng gần 24%, đạt 102% kế hoạch năm.
Tính đến 30/9/2024, tỷ lệ ROE đạt mức 22,09%, ROA là 1,63%; Tỷ lệ nợ xấu (NPL) của Nam A Bank xoay quanh mức 2,85%.
Quy định mới về bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư 49/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 11/2022/TT-NHNN, quy định về bảo lãnh ngân hàng đối với nhà ở hình thành trong tương lai.
Ảnh minh họa |
Theo đó, Thông tư 49/2024/TT-NHNN đã sửa đổi Điều 13 của Thông tư 11/2022/TT-NHNN, quy định rõ hơn về việc cấp bảo lãnh cho các dự án nhà ở hình thành trong tương lai. Cụ thể, các ngân hàng thương mại (NHTM) và chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ chỉ xem xét cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về năng lực pháp lý, năng lực tài chính và các nghĩa vụ hợp pháp theo quy định.
Chủ đầu tư phải có đầy đủ năng lực pháp lý và hành vi dân sự, cũng như phải đảm bảo nghĩa vụ tài chính hợp pháp, được các tổ chức tín dụng, ngân hàng đánh giá có khả năng hoàn trả số tiền khi thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Thêm vào đó, chủ đầu tư phải nhận được văn bản xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước về kinh doanh bất động sản cấp tỉnh, chứng nhận nhà ở đủ điều kiện để bán, cho thuê mua.
Theo quy định mới, sau khi ký hợp đồng mua, thuê mua nhà ở với khách hàng, chủ đầu tư cần gửi hợp đồng này cho bên bảo lãnh để yêu cầu phát hành thư bảo lãnh cho khách hàng. Bên bảo lãnh sẽ căn cứ vào hợp đồng, thỏa thuận bảo lãnh và văn bản cam kết để phát hành thư bảo lãnh, giúp bảo vệ quyền lợi của người mua.
Thông tư 49/2024/TT-NHNN sẽ có hiệu lực từ ngày 10 tháng 12 năm 2024.
Bắt Phó Giám đốc Ngân hàng VIB và vợ vì lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Ngày 30/11, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Quảng Ngãi đã bắt tạm giam Nguyễn Tuấn Cường (38 tuổi), Phó Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Quốc tế (VIB) tại Quảng Ngãi, cùng vợ là Nguyễn Thị Bích Khuê (37 tuổi), đại diện pháp luật Quỹ tín dụng nhân dân Tịnh Sơn, để điều tra về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Cả hai vợ chồng đã lợi dụng vai trò công tác của mình để lừa đảo nhiều người. Chúng tạo dựng câu chuyện cần tiền để đáo hạn ngân hàng và đầu tư đất giá rẻ, đồng thời yêu cầu người khác vay tiền giúp để cho vợ chồng họ vay lại với lời hứa trả lãi cao. Tin tưởng, nhiều người đã đưa tiền cho Cường và Khuê, nhưng họ chỉ dùng số tiền này để trả cho các khoản vay cũ, tạo ra vòng lặp lừa đảo. Tính đến nay, vợ chồng Cường và Khuê đã lừa được 13 người với tổng số tiền chiếm đoạt lên tới hơn 61 tỷ đồng.
Ngay sau khi phát hiện vụ việc, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Quảng Ngãi đã yêu cầu phong tỏa tài khoản của hai vợ chồng và yêu cầu các chi nhánh ngân hàng sao kê tài khoản để bảo vệ tài sản. Sự việc đã khiến dư luận địa phương hoang mang, đặc biệt là tại xã Tịnh Sơn, nơi Khuê làm việc. Các cơ quan chức năng đã phải có biện pháp ổn định tình hình.
Hiện, vụ án vẫn đang được mở rộng điều tra. Cơ quan Công an kêu gọi những ai là nạn nhân của vợ chồng Cường và Khuê liên hệ để giải quyết.
Phạt 500.000 triệu đồng nếu ngân hàng "ép" khách vay mua bảo hiểm
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang dự thảo Nghị định 88 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng, trong đó có quy định xử phạt các ngân hàng gắn kết sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với dịch vụ ngân hàng. Cụ thể, mức phạt có thể lên đến 400-500 triệu đồng nếu ngân hàng yêu cầu khách hàng phải mua bảo hiểm nhân thọ kèm theo vay vốn dưới mọi hình thức.
Ảnh minh họa |
Quy định này được bổ sung nhằm phù hợp với Luật Các Tổ chức tín dụng có hiệu lực từ tháng 7/2024, và được đưa ra sau nhiều phản ánh từ người dân về việc họ bị "ép" mua bảo hiểm khi vay vốn. Theo thông tin từ các khách hàng vay, họ thường bị yêu cầu mua bảo hiểm nhân thọ (sản phẩm có giá trị lớn và thời gian đóng dài hạn) mới được giải ngân khoản vay.
Theo Chuyên gia tài chính Nguyễn Quang Huy (Đại học Nguyễn Trãi), trong nửa đầu năm nay, vẫn có nhiều phản ánh về việc khách hàng bị buộc phải tham gia gói bảo hiểm để có thể vay tiền. Nguyên nhân chính là do các sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư mang lại hoa hồng rất cao cho các công ty bảo hiểm, có những hãng trả lên đến hơn 100% cho đối tác ngân hàng, khiến các ngân hàng "bất chấp" quy định để thúc đẩy bán bảo hiểm.
Mặc dù pháp luật đã cấm việc ép buộc này, nhưng các ngân hàng vẫn có lợi thế "nắm đằng chuôi", vì khách vay cần tiền và không thể không tham gia. Một số ngân hàng còn chịu áp lực phải đạt chỉ tiêu doanh thu đã ký kết với các công ty bảo hiểm. Nếu không đạt, ngân hàng sẽ phải trả lại chi phí trả trước cho doanh nghiệp bảo hiểm.
Để đáp ứng chỉ tiêu, nhiều nhân viên ngân hàng đã sử dụng các "chiêu" như nhờ người thân đứng tên trong hợp đồng bảo hiểm hoặc cung cấp ưu đãi lãi suất thấp hơn từ 1-2%/năm để khách hàng "tự nguyện" tham gia bảo hiểm. Thực tế, nhiều nhân viên ngân hàng cũng thừa nhận áp lực chỉ tiêu khiến họ phải gợi ý khách vay mua bảo hiểm dù khách hàng không có nhu cầu.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng tuần qua: 4 ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm