Điểm tin ngân hàng tuần qua: Hơn 94.000 khách hàng vay vốn bị thiệt hại sau bão Yagi
Điểm tin ngân hàng ngày 28/9: Điều chuyển chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giữa các ngân hàng Điểm tin ngân hàng ngày 27/9: Ngân hàng Nhà nước bơm 46.500 tỷ đồng ra thị trường |
Hơn 94.000 khách hàng vay vốn bị thiệt hại sau bão Yagi
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, cơn bão Yagi đã gây thiệt hại nặng nề cho hơn 94.000 khách hàng vay vốn, với tổng dư nợ bị ảnh hưởng lên tới 165.000 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Tại hội nghị tổng kết về thiệt hại sau bão Yagi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết các tổ chức tín dụng đã thực hiện rà soát và đánh giá thiệt hại của khách hàng vay. Quảng Ninh là tỉnh chịu thiệt hại nặng nhất, với hơn 17.500 khách hàng bị ảnh hưởng và tổng dư nợ khoảng 46.425 tỷ đồng.
Nhằm hỗ trợ khách hàng, 32 tổ chức tín dụng trên 26 tỉnh thành phía Bắc đã công bố các gói tín dụng hỗ trợ với tổng trị giá 405.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn từ 0,5-2% so với mức cho vay thông thường. Ngân hàng Nhà nước cũng đề xuất cấp thẩm quyền bố trí vốn cho các chương trình tín dụng chính sách tại Ngân hàng Chính sách xã hội.
Thống kê cho thấy thiệt hại do bão Yagi và mưa lũ tại các tỉnh phía Bắc lên tới hơn 60.000 tỷ đồng, làm giảm GDP khoảng 0,15% so với dự báo. Quảng Ninh ước tính thiệt hại 25.000 tỷ đồng, trong khi Hải Phòng ghi nhận 12.300 tỷ đồng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc khôi phục sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đồng thời yêu cầu các bộ ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc các chỉ thị và công điện sau bão.
Các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đã tiếp nhận khoảng 12.000 thông tin thiệt hại với ước tính tổng thiệt hại lên tới 9.000 tỷ đồng. Các tổ chức tín dụng được yêu cầu rà soát thiệt hại và đưa ra các chính sách hỗ trợ như khoanh nợ và giãn nợ để người dân và doanh nghiệp khôi phục hoạt động. Đồng thời, các địa phương được yêu cầu rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho các dự án đầu tư mới trong lĩnh vực nông nghiệp.
VietinBank sắp họp ĐHĐCĐ bất thường
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, HOSE: CTG) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ bất thường 2024 nhằm bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029.
Theo tài liệu, ứng viên dự kiến được bầu bổ sung vào HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029 là ông Nguyễn Trần Mạnh Trung, đang đảm nhận vị trí Phó Tổng Giám đốc của VietinBank.
Ông Nguyễn Trần Mạnh Trung sinh năm 1983, có trình độ cử nhân ngành Tài chính Ngân hàng tại Đại học Kinh tế Quốc dân. Đồng thời, ông có học vị Thạc sĩ chuyên ngành Tài chính Ngân hàng, Học viện Ngân hàng. Ông bắt đầu công tác tại VietinBank từ tháng 9/2005 cho đến nay, đảm nhận nhiều vị trí, vai trò khác nhau tại ngân hàng. Từ tháng 9/2022 đến nay, ông Trung giữ vị trí Phó Tổng Giám đốc.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên vào tháng 4/2024, VietinBank đã bầu HĐQT nhiệm kỳ 2024-2029 gồm 9 thành viên với ông Trần Minh Bình giữ chức Chủ tịch HĐQT.
Nếu ông Trung trúng cử vị trí vào HĐQT tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 17/10 tới đây, HĐQT của VietinBank sẽ gồm 10 thành viên.
Sacombank vẫn chưa thể xử lý khoản nợ xấu 5.833 lượng vàng SJC
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) thông báo tiếp tục đấu giá khoản nợ xấu từ CTCP Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn (APT), với tổng nợ hơn 1.768 tỷ đồng, trong đó có 5.833 lượng vàng SJC, tương đương gần 250 tỷ đồng.
Ảnh munh họa |
Khoản nợ này phát sinh từ hai hợp đồng tín dụng ký vào tháng 1/2009, khi Sacombank đang dưới sự điều hành của doanh nhân Trầm Bê. Hiện tại, APT đã báo lỗ lũy kế 1.354 tỷ đồng và không có khả năng trả nợ. Đến nay, giá trị khoản nợ vàng ước tính khoảng 466,6 tỷ đồng.
Sacombank đưa ra giá khởi điểm cho khoản nợ này là 685 tỷ đồng, giảm 161 tỷ đồng so với lần rao bán trước đó. Phiên đấu giá dự kiến diễn ra vào lúc 10h30 ngày 2/10/2024.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Sacombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 5.3 nghìn tỷ đồng, nhưng tổng nợ xấu đã tăng 14%, lên 12.548 tỷ đồng. Đáng chú ý, nợ có khả năng mất vốn tăng vọt 71%, chiếm 8.409 tỷ đồng. Ngân hàng đang nỗ lực hoàn tất Đề án tái cơ cấu vốn, còn vướng mắc duy nhất là xử lý khoản nợ xấu được đảm bảo bằng 32,5% vốn cổ phần của ông Trầm Bê.
Sacombank đã trình phương án xử lý khoản nợ này lên Ngân hàng Nhà nước, nhằm ghi nhận lợi nhuận đột biến từ hoàn nhập dự phòng, góp phần cải thiện tỷ lệ an toàn vốn hiện đang thấp hơn mức bình quân của ngành.
Nguy cơ nợ xấu tăng vọt, các ngân hàng đua nhau xin giãn, hoãn nợ
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tổng dư nợ thiệt hại do bão lụt tại các tỉnh phía Bắc đã lên tới 115.000 tỷ đồng, tương đương 1% dư nợ toàn hệ thống. Nguy cơ nợ xấu gia tăng đang gây áp lực lớn lên các ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã tăng lên 4,75% tính đến cuối tháng 7/2024.
Trước tình hình khó khăn này, nhiều ngân hàng, như HDBank và Agribank, đã kiến nghị NHNN kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão. Cụ thể, Chủ tịch HĐQT HDBank đề xuất gia hạn hiệu lực của Thông tư 06/2024/TT-NHNN đến sau ngày 31/12/2024. Trong khi đó, Tổng giám đốc Agribank yêu cầu áp dụng cơ chế giãn, hoãn nợ không giới hạn thời điểm giải ngân.
Ngoài nguy cơ nợ xấu gia tăng, việc thu hồi nợ cũng gặp khó khăn do Nghị quyết 42/2017/QH14 đã hết hiệu lực và Luật Các tổ chức tín dụng 2024 không quy định quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Theo ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VIB, các ngân hàng đang phải trích lập dự phòng rủi ro và dừng thu lãi, gây áp lực lên dòng tiền và khả năng tái tài trợ cho nền kinh tế.
Công ty tài chính được thêm quyền mua tín phiếu ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Thông tư 44, sửa đổi khoản 2 Điều 2 của Thông tư 16/2019/TT-NHNN, mở rộng đối tượng được mua tín phiếu Ngân hàng Nhà nước, bao gồm cả công ty tài chính tổng hợp và công ty tài chính chuyên ngành.
Ảnh minh họa |
Trước đây, Luật Các tổ chức tín dụng không đề cập đến “công ty tài chính”. Tuy nhiên, Luật sửa đổi năm 2024 đã bổ sung các quy định về hai loại hình công ty tài chính này, cho phép họ thực hiện các hoạt động như bao thanh toán, tín dụng tiêu dùng và cho thuê tài chính.
Theo Thông tư 44, bên cạnh Ngân hàng Nhà nước, ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức tín dụng khác, công ty tài chính cũng được quyền tham gia mua và bán tín phiếu. Điều này mở ra cơ hội mới cho các công ty tài chính trong việc quản lý tài sản và tăng cường thanh khoản.
Các quy định khác về hoạt động thị trường mở vẫn được giữ nguyên theo Thông tư 16, trong đó Ngân hàng Nhà nước có thể phát hành tín phiếu qua phương thức đấu thầu hoặc phương thức bắt buộc.
Nguồn: Điểm tin ngân hàng tuần qua: Hơn 94.000 khách hàng vay vốn bị thiệt hại sau bão Yagi