Điểm tin xây dựng - Bất động sản ngày 10/10: Nguồn cung nhà ở Hà Nội đạt mức cao nhất trong 5 năm
Điểm tin xây dựng - Bất động sản ngày 9/10: Thị trường Hà Nội sôi động với loạt dự án mới Điểm tin xây dựng - Bất động sản ngày 8/10: Khoảng 150 căn hộ chung cư The Golden An Khánh bị dừng cấp sổ |
Nguồn cung nhà ở Hà Nội đạt mức cao nhất trong 5 năm
Theo báo cáo của CBRE, năm 2024 đánh dấu sự kết thúc của chu kỳ khan hiếm nguồn cung nhà ở tại Hà Nội sau 4 năm. Trong quý III năm 2024, thị trường ghi nhận khoảng 8.230 căn chung cư được mở bán, nâng tổng số căn mở bán mới trong 9 tháng lên hơn 19.000 căn, vượt tổng nguồn cung cả năm 2023.
Ảnh minh họa |
Nguồn cung mới chủ yếu đến từ 11 dự án, tập trung ở các khu vực phía Tây và phía Đông thành phố, với hơn 75% là chung cư cao cấp. Một dự án hạng sang tại quận Tây Hồ có giá trung bình lên tới 120-130 triệu đồng/m².
Trong phân khúc nhà ở gắn liền với đất, hơn 3.200 căn được mở bán mới, trong đó dự án Vinhomes Cổ Loa tại huyện Đông Anh chiếm gần 80%. Tổng nguồn cung nhà ở gắn liền với đất trong 9 tháng đạt hơn 3.500 căn, cũng là mức cao nhất trong 5 năm.
Dự báo cho quý cuối năm 2024, nguồn cung mới sẽ tăng thêm 10.000 căn chung cư, nâng tổng số căn mở bán trong cả năm lên gần 30.000 căn, gần gấp 3 lần so với năm 2023. Phân khúc nhà ở gắn liền với đất dự kiến có thêm gần 5.000 căn từ các dự án của Vinhomes và Sunshine Group.
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Việt Nam Chi nhánh Hà Nội, nhận định rằng năm 2024 sẽ chấm dứt tình trạng khan hiếm nhà ở, mở ra nhiều cơ hội cho người mua.
Doanh thu bất động sản TP HCM đạt gần 200 nghìn tỷ đồng trong 9 tháng
Theo báo cáo của Cục Thống kê TP HCM, doanh thu từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản trong 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt 199.156 tỷ đồng, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm trước, và chiếm hơn 60% tổng doanh thu dịch vụ khác của thành phố.
Trong cùng thời gian, tổng doanh thu dịch vụ khác ước đạt 330.117 tỷ đồng, tăng 7,5% so với cùng kỳ. Cục Thống kê cho biết sẽ tập trung cải cách thủ tục hành chính nhằm giảm thiểu thời gian và chi phí cho người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.
Tính đến ngày 20/09/2024, thành phố đã cấp phép cho 1.051 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, giảm 5% so với cùng kỳ, với tổng vốn đăng ký đạt 40.137 tỷ đồng, giảm 7%.
Về đầu tư nước ngoài, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 30/09/2024 đạt gần 24,8 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản thu hút 2,4 tỷ USD, gấp 4 lần cùng kỳ và chiếm gần 18% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Singapore là nhà đầu tư lớn nhất với gần 4,8 tỷ USD, tiếp theo là Trung Quốc với gần 1,9 tỷ USD, Hàn Quốc 1,5 tỷ USD và Nhật Bản khoảng 1,3 tỷ USD.
Tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 17,3 tỷ USD, tăng 9%, trong đó hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm hơn 8% với 1,43 tỷ USD.
2 nhà đầu tư đăng ký thực hiện dự án khu đô thị nghìn tỷ tại Kim Nỗ, Đông Anh
Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội vừa công bố kết quả mở hồ sơ đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới G19 tại xã Kim Nỗ, huyện Đông Anh. Tính đến ngày 3/10, chỉ có hai nhà đầu tư tham gia là Công ty cổ phần Tập đoàn Everland (EVG) và Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Trung Yên.
Ảnh munh họa |
Dự án có tổng diện tích khoảng 26,103 ha, dân số dự kiến khoảng 4.440 người, với tổng chi phí thực hiện ước tính khoảng 2.183 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường và hỗ trợ tái định cư gần 244 tỷ đồng. Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm kể từ ngày nhà đầu tư được giao đất, với tiến độ thực hiện từ 2024 đến 2029.
Mục tiêu của dự án là cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Quy mô dự án bao gồm 174 căn nhà ở liền kề, 56 căn biệt thự, nhiều tòa nhà ở xã hội và trung tâm thương mại.
Đông Anh dự kiến sẽ lên quận vào năm 2025, thu hút nhiều dự án lớn như Thành phố thông minh với vốn đầu tư 4,2 tỷ USD và Vinhomes Cổ Loa hơn 1,6 tỷ USD. Hiện tại, huyện còn 6 dự án khu đô thị khác đang được kêu gọi đầu tư, cùng với 2 dự án nhà ở xã hội lớn tại xã Tiên Dương.
Hải Phòng xử lý nghiêm hành vi thổi giá
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng, vừa chỉ đạo thực hiện nghiêm túc các quy định liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất, theo văn bản 7127/VP-CDD3. Chỉ đạo này được đưa ra nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng trong công tác đấu giá, theo Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật sửa đổi, bổ sung năm 2024 và Luật Đất đai năm 2024.
Cụ thể, Sở Tư pháp được giao phối hợp với các cơ quan liên quan để đảm bảo thực hiện đúng các trường hợp phải đấu giá quyền sử dụng đất và điều kiện đấu giá khi Nhà nước giao hoặc cho thuê đất. Chủ tịch yêu cầu công bố công khai kế hoạch, danh mục khu đất đấu giá trên các cổng thông tin điện tử của thành phố và huyện.
Sở Tài nguyên và Môi trường cũng phải đảm bảo phương án đấu giá khả thi, lựa chọn hình thức đấu giá và xác định giá khởi điểm sát với giá thị trường. Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP yêu cầu rà soát công tác tổ chức đấu giá để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là những trường hợp cấu kết thổi giá, tạo ra thị trường không lành mạnh nhằm trục lợi.
Công ty Bảo Lạc bị phạt 400 triệu đồng vì vi phạm kinh doanh bất động sản
UBND huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh vừa ra quyết định xử phạt Công ty CP Công viên Tâm linh Bảo Lạc 400 triệu đồng do vi phạm quy định trong kinh doanh bất động sản. Quyết định này được Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh phê duyệt dựa trên Tờ trình của huyện.
Bắc Ninh xử phạt Công ty Bảo Lạc 400 triệu đồng/Ảnh minh họa |
Theo thông tin từ ông Nguyễn Chí Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Phong, Công ty Bảo Lạc đã tiến hành kinh doanh bất động sản mà không đảm bảo đầy đủ các điều kiện theo quy định pháp luật, cụ thể là dự án Khu nghĩa trang cát táng tập trung chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh.
Dự án này, có vốn đầu tư 402 tỷ đồng và tổng diện tích 117ha, đã được Sở KH-ĐT tỉnh Bắc Ninh chứng nhận đăng ký vào tháng 5/2021. Tuy nhiên, công ty đã ký hợp đồng bán đất mộ phần khi dự án chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng. Người dân cũng phản ánh rằng công ty này thực hiện giao dịch với khách hàng ở Bắc Giang với mức giá từ 40-54 triệu đồng/m², bất chấp dự án chỉ phục vụ nhân dân huyện Yên Phong.
Sau khi nhận phản ánh, chính quyền huyện Yên Phong đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản vi phạm hành chính. Ngày 2/10/2024, UBND huyện đã đề xuất mức phạt 400 triệu đồng cho Công ty Bảo Lạc, và quyết định này đã nhanh chóng được tỉnh Bắc Ninh phê duyệt.
Nguồn: Điểm tin xây dựng - bất động sản ngày 10/10: Nguồn cung nhà ở Hà Nội đạt mức cao nhất trong 5 năm