Đóng góp trực tiếp vào việc gia tăng uy tín, vị thế quốc tế của quốc gia
Vườn Quốc gia đầu tiên của Việt Nam đạt danh hiệu Danh lục Xanh Vườn Quốc gia Côn Đảo: Tạm dừng hoạt động bơi xem san hô trong hợp phần bảo tồn biển |
Văn hóa liêm chính là một trong những giá trị được đề cao ở mọi nơi, hiện thân cho cái tốt đẹp, đáng được noi theo và trân trọng_Ảnh: nhandan.vn |
Tiêu chí bất thành văn
Văn hóa liêm chính là một trong những giá trị được đề cao ở mọi nơi trên thế giới vì hiện thân cho cái tốt đẹp, đáng được noi theo và trân trọng. Điều này là nguồn cội của khả năng văn hóa liêm chính có thể góp phần nâng cao vị thế, uy tín, ảnh hưởng vai trò quốc tế của quốc gia.
Đồng thời, ở đây cũng bộc lộ rõ, văn hóa liêm chính của nhà nước, xã hội và từng thành viên của xã hội đều có thể đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc nâng cao uy tín, vị thế quốc tế của quốc gia.
Ở từng con người cụ thể, văn hóa liêm chính là phẩm cách, thể hiện trong từng suy nghĩ và hành động, trong lối sống và ứng xử, trong công việc và các mối quan hệ xã hội. Đối với quốc gia, văn hóa liêm chính là thước đo bản chất trong sạch, minh bạch và hiệu quả của bộ máy công quyền, của đội ngũ cán bộ lãnh đạo và công chức, của các tầng lớp nhân dân và các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội.
Khi thế giới bên ngoài nhìn nhận vào quốc gia để quyết định có thân thiện và hợp tác với quốc gia ấy hay không, những tiêu chí đầu tiên thường được đặt ra là quốc gia ấy có an ninh và ổn định chính trị - xã hội hay không, có yên bình và tiềm lực phát triển hay không, có hài hòa và tương thích với thế giới hiện đại hay không. Văn hóa liêm chính là một trong những câu trả lời cho các câu hỏi nói trên.
Bộ máy công quyền nhà nước có văn hóa liêm chính cao luôn hoạt động rất hiệu quả và được người dân tin cậy, được người dân trong xã hội coi là chỗ dựa, nơi gửi gắm niềm tin. Đối với nhà nước, xã hội, người dân trong xã hội, xây dựng và thực hiện văn hóa liêm chính là một trong những cách thức thực hiện cụ thể, phát huy cao độ nhà nước pháp quyền ở quốc gia đó.
Văn hóa liêm chính trong quốc gia tạo nên sự đồng thuận, đoàn kết trong nội bộ xã hội ở quốc gia đó, gắn kết chính quyền nhà nước với người dân, người dân với xã hội. Từ đó, văn hóa liêm chính vừa thực hiện, vừa thúc đẩy dân chủ và nhà nước pháp quyền ở quốc gia. Qua đó, văn hóa liêm chính góp phần vào việc gây dựng, củng cố, tăng cường lòng tin của người dân vào chế độ xã hội và lãnh đạo đất nước.
Trong thế giới hiện đại, văn hóa liêm chính đã trở thành tiêu chí bất thành văn trong nhìn nhận về quốc gia và xã hội, cũng như con người trong quốc gia và xã hội đó. Ở những nơi có nền văn hóa liêm chính phổ cập, phát triển, ở đó có thể khai thác, phát huy được mọi thế mạnh, tiềm lực nội sinh phục vụ cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế. Những nơi ấy thường trở thành các điểm đến của thế giới bên ngoài.
Có tầm tác động quyết định
Văn hóa liêm chính thể hiện bản chất, thực trạng của chế độ và xã hội. Chế độ, xã hội nào thực hiện văn hóa liêm chính đều sẽ nhận về được sự mến mộ, coi trọng, tình cảm và sự hậu thuẫn của thế giới bên ngoài.
Có thể xem xét điều này từ nhiều giác độ khác nhau. Một khi chính quyền nhà nước coi trọng, thực thi văn hóa liêm chính, trước hết trong bộ máy công quyền, sau đó trong xã hội và rồi ở từng người dân, chính quyền nhà nước sẽ được người dân tin tưởng, ủng hộ; những chính sách của chính quyền nhà nước sẽ được người dân tôn trọng, tuân thủ.
Nền chính trị đồng thuận, xã hội hài hòa và đất nước phát triển tất sẽ đưa lại vị thế, uy tín quốc tế cao hơn cho đất nước. Một trong những nội hàm cốt lõi của văn hóa liêm chính là thượng tôn pháp luật và bình đẳng trước pháp luật, chính quyền nhà nước hoạt động theo pháp luật, người dân sống và làm việc theo pháp luật; đồng thời chính quyền nhà nước tồn tại, hoạt động vì người dân, phục vụ người dân và người dân luôn được đặt vào trung tâm.
Còn với người dân trong xã hội, văn hóa liêm chính cũng còn là trách nhiệm của cá nhân đối với cộng đồng. Đặt con người vào vị trí trung tâm như thế biểu hiện cho bản chất nhân văn tốt đẹp của chế độ chính trị, của nhà nước công quyền và của xã hội văn minh. Điều này là một thế mạnh rất quan trọng để quốc gia chinh phục được sự mến mộ, tin tưởng của thế giới bên ngoài trong thế giới hiện đại.
Từ giác độ chính trị đối ngoại cũng có thể thấy tác động rất tích cực của văn hóa liêm chính. Thực thi nhà nước pháp quyền, chống tham nhũng, quản trị quốc gia hiệu quả và mối quan hệ giữa chính quyền nhà nước với người dân luôn thuộc về những chủ đề nội dung được bàn đến khi các quốc gia xử lý mối quan hệ ngoại giao, hợp tác giữa họ với nhau.
Trong những cặp quan hệ song phương nhất định, những nội dung trên thậm chí còn được coi là điều kiện hoặc tiêu chí. Thực thi văn hóa liêm chính sâu rộng ở chính quyền nhà nước, trong xã hội và ở từng người dân sẽ giúp làm cho mọi vướng mắc, trắc trở liên quan đến những nội dung trên được xử lý ổn thỏa, dứt điểm, lâu bền; quan hệ của quốc gia với quốc tế có điều kiện thuận lợi để không ngừng phát triển.
Quản trị đất nước hiệu quả, không tham nhũng và bộ máy công quyền trong sạch luôn được thế giới bên ngoài sử dụng làm thước đo để đánh giá quốc gia ấy có thật sự xứng đáng được thúc đẩy quan hệ hợp tác, được đầu tư phát triển, được coi là đối tác tin cậy hay không.
Văn hóa liêm chính có thể đóng góp rất quyết định vào việc thuyết phục thế giới bên ngoài có thể thực sự tin tưởng vào quốc gia khi có thể giúp nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, ngăn trừ tệ nạn tham nhũng, tăng cường mức độ trong sạch, công minh trong bộ máy hành chính công quyền.
Quốc gia có được vị thế và uy tín quốc tế cao khi được thế giới bên ngoài nhìn nhận, xác nhận, công nhận có được ổn định và đồng thuận chính trị, an ninh và hài hoà xã hội, tăng trưởng kinh tế - xã hội năng động, có tiềm lực và tương lai phát triển.
Văn hóa liêm chính tuy không phải là tác nhân duy nhất nhưng thuộc về những tác nhân có tầm tác động quyết định nhất giúp quốc gia có được sự xác nhận, công nhận của thế giới bên ngoài. Vị thế và uy tín quốc tế là một dạng “sức mạnh mềm” của quốc gia trong thế giới hiện đại.
Thông qua đóng góp trực tiếp vào việc gia tăng uy tín, vị thế quốc tế của quốc gia, văn hóa liêm chính có thể đóng góp tích cực, hiệu quả vào việc tăng cường “sức mạnh mềm” cho quốc gia./.
Nguồn: Đóng góp trực tiếp vào việc gia tăng uy tín, vị thế quốc tế của quốc gia