Gia Lai: “Hạt nhân” phát triển kinh tế ở Ia Dơk
Gia Lai: Đường trăm tỷ ở Gia Lai xuống cấp nghiêm trọng Gia Lai: Tăng cường kiểm dịch thực vật trên cây chuối, sầu riêng và chanh dây xuất khẩu |
Ông Puih Ố (làng Ghè, xã Ia Dơk) chăm sóc đàn bò của gia đình. Ảnh: N.H |
Ở tuổi 63, già làng Rơ Mah Mrao (làng Poong) có một cơ ngơi nhiều người mơ ước với hơn 30 ha đất sản xuất. Ông Mrao kể: Sau khi lập gia đình, vợ chồng ông được bố mẹ cho 20 ha đất sản xuất. Khi đó, ông đang làm việc tại Chi nhánh Công ty Cao su 75 (Binh đoàn 15). Nhờ kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình làm việc tại Chi nhánh Công ty Cao su 75 nên ông quyết định vay tiền đầu tư trồng cao su. Thời gian đầu, khi vườn cây chưa cho thu hoạch mủ, ông nuôi thêm bò để có thu nhập. Những năm sau đó, vợ chồng ông tiếp tục khai hoang, mở rộng thêm diện tích đất sản xuất.
“Năm 1996, gia đình tôi có tổng cộng hơn 30 ha đất sản xuất. Bên cạnh trồng cao su, tôi trồng thêm cà phê, điều và lúa nước. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình lãi hơn 1 tỷ đồng. Nhờ có nguồn thu này, năm 2010, gia đình xây được căn nhà 2 tầng trị giá 1,2 tỷ đồng, mua ô tô hơn 1 tỷ đồng cùng nhiều máy móc, nông cụ có giá trị khác”-ông Mrao tự hào khoe.
Song song với phát triển kinh tế gia đình, ông Mrao còn tích cực đóng góp cho các phong trào, hoạt động ở địa phương; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, cho người dân mượn tiền không tính lãi để đầu tư sản xuất kinh doanh. Khi trong làng có người đau ốm hoặc gặp hoạn nạn, ông sẵn sàng giúp chở đến bệnh viện hoặc hỗ trợ đóng viện phí.
Khi nhắc về ông Mrao, ông Rơ Mah Hroi (làng Poong) nhận xét: “Nhà tôi có 8 đứa con, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Nhờ được ông Mrao thường xuyên hỗ trợ gạo khi giáp hạt, lúc ốm đau thì cho tiền nên gia đình cũng vượt qua được khó khăn trước mắt. Gia đình tôi cảm ơn ông Mrao nhiều lắm”.
Ông Ơl (thứ 2 từ phải qua) thảnh thơi trò chuyện về quá trình phát triển kinh tế của gia đình. Ảnh: Nhật Hào |
Cách đó không xa, ông Kpuih Ơl (SN 1959) cũng trở nên khá giả nhờ chăm chỉ lao động sản xuất. Sau khi lập gia đình, năm 1980, vợ chồng ông không có đất sản xuất. Không ngại khó, ngại khổ, vợ chồng ông bắt tay vào khai hoang để dựng tạm căn nhà và trồng mì, trồng lúa. Đến năm 1990, gia đình ông có 3 ha đất sản xuất. Ngoài trồng trọt, ông Ơl còn nuôi thêm bò.
“Hồi đó, cứ 2-3 con bò là mình đổi được 1 ha đất sản xuất. Dần dần, gia đình có gần 10 ha đất. Từ chỗ chỉ trồng cây lương thực, mình chuyển dần sang trồng điều, cà phê. Trung bình mỗi năm, mình lãi 300-400 triệu đồng. Mới đây, mình chia bớt đất cho các con và vợ chồng chỉ chăm sóc 4 ha điều, 1 ha cà phê, 2 sào lúa nước và nuôi 4 con trâu”-ông Ơl chia sẻ.
Ở làng Ghè, ông Puih Ố (SN 1958) cũng được người dân quý mến bởi tinh thần vượt khó trong lao động sản xuất. Lúc chúng tôi đến, ông Ố vừa lùa đàn bò về chuồng. Ông cho biết, sau khi lập gia đình, ông được bố mẹ cho 1 ha đất. Để phát triển kinh tế, ông mạnh dạn vay vốn trồng cà phê, rồi khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất. Năm 1990, gia đình ông có tổng cộng gần 10 ha cà phê, điều và hồ tiêu. Hiện nay, sau khi chia đất cho 8 người con, vợ chồng ông chăm sóc 4 ha điều, 1.800 cây cà phê, 250 trụ hồ tiêu, 5 sào lúa và nuôi thêm 14 con bò. Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình lãi gần 200 triệu đồng.
Ông Kpuih Vinh-Trưởng thôn Ghè-cho hay: “Tinh thần vượt khó trong lao động sản xuất của già làng Puih Ố đã tiếp thêm động lực cho người dân trong làng làm theo. Trong số 196 hộ trong làng thì đã có hơn 40 hộ khá và giàu, thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện làng Ghè còn 33 hộ nghèo, 27 hộ cận nghèo”.
Trao đổi với P.V, ông Rơh Mah Nam-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Dơk-cho biết: Xã có 11 thôn, làng, trong đó có 7 làng đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm qua, người có uy tín trong xã đã đóng góp tích cực trong công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người dân; tích cực tham gia hòa giải. Đồng thời, họ là tấm gương sáng trong lao động sản xuất để người dân học tập và làm theo, góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã.
Nguồn: “Hạt nhân” phát triển kinh tế ở Ia Dơk