Gia Lai: Nhớ những ngày ở làng cùng bok Núp
Gia Lai: Từ làng Ốp nghĩ về phát triển du lịch cộng đồng Gia Lai: Chuyện người Jrai bảo tồn cồng chiêng |
Tôi không thể nhớ hết những lần mình lên xuống Stơr. Đó là ngôi làng Bahnar hiền hòa, nằm bên dòng Tơ Tung trong xanh. Cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, con suối này lúc nào cũng ăm ắp nước. Trên suối còn có công trình thủy lợi được tỉnh đầu tư ngay sau giải phóng để tưới tiêu cho cánh đồng Đê Bar nổi tiếng một thời.
Những năm đó, xuống Stơr không thể chỉ “vèo” một phát trên ô tô máy lạnh rồi về, bởi con đường từ quốc lộ 19 vào làng dù chỉ khoảng 10 km nhưng lổn nhổn đá cát kết nhỏ, to; cộng thêm dốc lên, dốc xuống… Sợ nhất là mùa mưa trơn trượt, “vồ ếch” cũng là chuyện thường. Vì thế, cách di chuyển tốt nhất để đến làng là đi bộ.
Làng kháng chiến Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang). Ảnh tư liệu |
Đầu thập niên 90, bok Núp nghỉ hưu, sức khỏe cũng còn khá ổn nên đây là khoảng thời gian bok sống ở làng nhiều nhất kể từ ngày lên tàu đi tập kết vào năm 1954. Chỉ cần nhìn qua cũng đủ biết ông thích sống giữa cộng đồng Bahnar ở làng hơn ở phố.
Khoảnh vườn của bok nằm ngay đầu làng, nay là vị trí Nhà lưu niệm Anh hùng Núp. Dù lúc này, Liên hiệp Lâm-nông-công nghiệp Kon Hà Nừng (đóng chân ở Kbang) đã xây cho bok ngôi nhà 2 tầng khang trang. Trong ngôi nhà ấy, ngoài chỗ tiếp khách là nơi sạch sẽ, đặt bộ bàn ghế thì còn treo các hình ảnh về cuộc đời hoạt động của bok, gia đình như: ảnh tham dự các cuộc hội họp, chụp với các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước; những chuyến tham quan và tiếp khách nước ngoài.
Đặc biệt, có rất nhiều hình về chuyến thăm đất nước Cuba vào năm 1964, bok chụp cùng người anh em kết nghĩa là Chủ tịch Fidel Castro… Còn lại, những phòng khác là chỗ ở của chim, gà. Mỗi lần tôi xuống, bước vào ngôi nhà to là chim bay vù ra, nhường chỗ cho khách tự dọn lấy một phòng để ở và làm việc trong thời gian vô hạn.
Kể như vậy để thấy ngôi nhà khang trang này không phải là nơi ở chính của vợ chồng bok Núp. Chỗ yêu thích của ông bà là ngôi nhà trệt cũ với vách đất, mái tranh, nép dưới bóng cây xoài, nằm ở phía Tây của khu vườn, hướng mặt vào ngôi nhà lớn. Bok nói với chúng tôi là thích ở bên này để đốt lửa nấu nướng cho tiện. Mà tiện thật, bước xuống khỏi giường là có thể nấu cơm, luộc bắp, nướng khoai, nướng cá, vùi thịt chuột rừng dưới tro…
Bok Núp rất thích làm rẫy, làm vườn. Ngoài khu vườn quanh nhà lúc nào cũng tốt tươi, bok có cái rẫy ở bên kia bờ, sát suối Tơ Tung, cách nhà khoảng 400-500 m. Mùa mưa, nơi ấy vừa là rẫy, vừa là vườn vì ngoài lúa, bắp, ông bà còn trồng bí đỏ, dưa, cà, ớt… và dành nhiều thời gian chăm sóc. Thế nên, không muốn ông mất nhiều thời gian vì công việc của mình, tôi thường theo sang bên ấy.
Vừa cùng bok nhổ cỏ, bẻ chồi, chăm cây…, tôi vừa trò chuyện về công việc và cuộc sống hàng ngày, tranh thủ xen vào những câu hỏi để có thêm thông tin cho hồ sơ di tích. Những gì bok nói, tôi cố nhớ trong đầu, tối về phòng mới thắp đèn dầu lên, lấy giấy bút ra để ghi chép lại.
Thời gian bok Núp ở làng, Stơr vui như hội. Những đêm có trăng, nếu trời không mưa thì sân nhà bok sẽ trở thành trung tâm của cả cộng đồng. Người có chiêng thì mang chiêng tới, người già, người trẻ vòng trong vòng ngoài, người đánh trống chiêng cứ đánh, người xoang cứ xoang, ai nói chuyện cứ nói. Còn những người lớn tuổi và trung niên như bok Nup, bok Jớt, yă Jớt, bok Hép, A Nhúy… thì quây quần quanh ghè rượu, vừa kể chuyện xưa, chuyện nay, vừa tính chuyện mùa này nên trồng nhiều mía hay mì, chuyện bọn trẻ học hành…
Thỉnh thoảng, bok Núp cũng tham gia đánh chiêng, múa xoang. Đôi mắt hiền từ, bao dung lúc nào cũng như cười. Nếu ai vô tình ghé Stơr lúc này, chắc không thể nghĩ là trong vòng xoang kia đang có một người anh hùng nổi tiếng của dân tộc Bahnar, người cùng du kích làng chỉ với bẫy đá, mang cung… mà làm kẻ thù khiếp sợ.
Anh em tôi cũng tranh thủ những lúc như thế hòa vào xoang. Tưởng không ai để ý, thế mà những bước chân sai nhịp, tay giật lung tung của anh Nhâm-Nhà điêu khắc trong đoàn đã lọt vào tầm mắt bok Núp. Bok bước lại chỗ anh, giọng khá là nghiêm xen lẫn hài hước: “Xoang gì như con cào cào thế!”. Nói rồi, bok nắm tay, tận tình chỉ cho chúng tôi cách bước đi theo đúng nhịp chiêng.
Những ngày may mắn được ở làng cho tôi hiểu hơn về bok Núp và có cái nhìn toàn diện hơn về người anh hùng đã thắp sáng ngọn lửa đại đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên, dưới mái nhà chung của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
Nguồn: Nhớ những ngày ở làng cùng bok Núp