Giá tiêu hôm nay 7/11: Giải pháp nào để Việt Nam giữ vị thế ngành tiêu?
Giá tiêu hôm nay 7/11: Thị trường ổn định, cao nhất 68.000 đồng/kg Giá tiêu hôm nay 6/11: Giảm tại một số tỉnh trọng điểm |
Giá tiêu hôm nay 7/11: Giải pháp nào để Việt Nam giữ vị thế ngành tiêu? |
Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 67.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Gia Lai, giá tiêu hôm nay ở mức 65.500 đồng/kg.
Trong khi đó tại Đồng Nai, giá tiêu hôm nay ở mức 66.000 đồng/kg.
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giá tiêu hôm nay ở mức 68.000 đồng/kg.
Còn tại tỉnh Bình Phước giá tiêu hôm nay được thu mua với mức 67.500 đồng/kg.
Giá tiêu hôm nay giữ ổn định so với cùng thời điểm hôm qua. Đồng USD neo ở mức cao, lạm phát toàn cầu và xuất khẩu chưa có đột phá, cùng với ở trong nước dòng vốn dịch chuyển sang cà phê là những yếu tố đang kìm hãm giá tiêu.
Về dài hạn, đà tăng đến từ sản lượng hồ tiêu đang giảm trên toàn cầu. Ghi nhận tại hầu hết các quốc gia đều cho thấy sản lượng năm 2023 thấp, trừ Việt Nam. Tuy nhiên vụ 2024 sản lượng ước tính còn giảm nữa. Khi làn sóng bỏ tiêu trồng những loại cây trồng giá trị hơn lan rộng, và quan trọng là El Nino cuối năm nay sẽ ảnh hưởng đến năng suất vụ tới.
Tính đến hiện tại, Việt Nam đã xuất khẩu vượt qua cả sản lượng thu hoạch trong năm 2023. Một phần xuất khẩu được lấy đi từ lượng nhập khẩu cũng như tồn kho từ năm trước. Dự kiến 2 tháng cuối năm Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng hơn 30 ngàn tấn đưa tổng lượng xuất khẩu cả năm 2023 ước đạt 250 ngàn tấn. Như vậy lượng tồn kho 2023 chuyển sang năm 2024 sẽ thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Để duy trì sản lượng nhằm giữ vững vị trí số 1 về hồ tiêu trên toàn cầu đối với Việt Nam đang là bài toán nan giải. Nhiều năm qua, vị thế cây tiêu xuống thấp khiến tỷ lệ phá bỏ ngày càng tăng. Cùng với nhiều vườn cây đã bước vào giai đoạn già cỗi khiến diện tích trồng tiêu giảm dần. Tuy nhiên việc tăng diện tích trong tương lai rất khó khăn. Người trồng đã mất dần niềm tin vào loại cây trước được coi là "vàng đen" này.
Vậy nên bài toán sẽ tập trung vào việc phát triển nông nghiệp hữu cơ, kinh tế tuần hoàn trên cây hồ tiêu để tăng sản lượng. Việt Nam đang từng bước chuyển dịch theo hướng sản xuất bền vững ngành hồ tiêu, trong đó sản xuất hồ tiêu hữu cơ được chú trọng và khuyến khích phát triển.
Giai đoạn 2000 – 2020, cây hồ tiêu được phát triển một cách ồ ạt. Diện tích ngày càng mở rộng, lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, phá vỡ cân bằng sinh học gây ra hệ lụy là đất canh tác bị suy thoái, chất lượng giống bị thoái hóa, sức khỏe vườn cây giảm… dẫn đến hồ tiêu có nhưng năm bị nhiễm bệnh chết hàng loạt.
Từ năm 2020 trở lại đây người dân đã dần nhận thức được những nguy hại của việc phát triển sản xuất hồ tiêu trái quy luật tự nhiên. Cùng với sự phát triển của khoa học và công nghệ thông tin các hình thức sản xuất thuận tự nhiên, sản xuất hữu cơ đã dần được người nông dân đón nhận và bước đầu đã có những tín hiệu tích cực.
Hiện nay, tại 6 địa phương vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu), người nông dân đã có xu hướng mạnh mẽ trong việc chuyển từ phương pháp truyền thống qua canh tác hữu cơ, đã hình thành các vùng sản xuất hồ tiêu hữu cơ. Đây cũng là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển chung của thế giới và được thị trường quốc tế chào đón.
Nguồn: Giá tiêu hôm nay 7/11: Giải pháp nào để Việt Nam giữ vị thế ngành tiêu?